Satasap Viriyanantawanit, tổng giám đốc tại Siam Canadian Group, có trụ sở tại Bangkok cho hay, với tình hình hiện nay, sẽ không là nói quá khi cho rằng ngành tôm Thái Lan đang ở tình trạng tồi tệ nhất trong lịch sử 40 năm qua. “Tôi cho rằng phần lớn các nhà máy đều đang phải chụ mức giảm doanh thu ít nhất là 50% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là thời điểm tồi tệ nhất từng được ghi nhận của ngành tôm Thái Lan”.
Giá tôm toàn cầu giảm mạnh đang quét qua toàn bộ ngành tôm các nước và trong tuần trước đã đẩy những nông dân nuôi tôm Ấn Độ xuống đường biểu tình. Giá tôm thế giới được cho là sắp chạ đáy khi các nhà bán lẻ lớn đang bắt đầu tham gia giao dịch lớn trên thị trường.
Tuy nhiên, giá tôm tại Ấn Độ và Indonesia vẫn giảm thấp hơn tại Thái Lan, theo ông Viriyanantawanit cho biết. Do đó, các nhà nhập khẩu Mỹ đang lựa chọn nhập khẩu từ các nước này thay vì từ Thái Lan. “Thị trường bán lẻ Mỹ vẫn đang sôi động và mua thường xuyên nhưng phần lớn người mua không chấp nhận mức giá tôm hiện tại tại Thái Lan. Nguyên nhân chính là do giá tôm Thái Lan cao hơn giá tôm Ấn Độ và Indonesia. Các nhà đóng gói xuất khẩu tôm Thái Lan hiện không còn đơn hàng nào trong tay”, ông cho biết thêm.
Trong 3 tháng đầu năm 2018, Mỹ đã nhập khẩu 11.305 tấn tôm từ Thái Lan, so với mức 15.099 tấn trong cùng kỳ năm 2017, theo dữ liệu NOAA cho thấy, tương đương mức giảm 25%. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng giảm mạnh.
Ông Viriyanantawanit cho biết giá tôm nguyên liệu giảm cũng đang khiến nông dân nuôi tôm Thái Lan thua lỗ nặng và kêu gọi các nhà chế biến trả giá cao hơn, mặc dù mức giá thu mua tối thiểu mà các nhà xuất khẩu đề xuất gần đây đã bị từ chối. “Nhưng thực tế mà nói, các nhà đóng gói xuất khẩu tôm Thái Lan hiện cũng đang chật vật bán hàng ở mức giá hiện tại”. Tăng giá thu mua sẽ càng khiến khả năng cạnh tranh của họ yếu đi. “Ngay cả với mức giá hiện nay, tôm Thái Lan đã không đủ cạnh tranh với nguồn tôm từ Ấn Độ và Indonesia. Sẽ rất bất lợi nếu kịch bản của các nhà đóng gói xuất khẩu là hòa vốn và cố gắng thêm một tháng nữa”.
Căng thẳng gần đây giữa nông dân và các nhà chế biến chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ, ông nhận định, do nông dân cho rằng các nhà chế biến thổi phồng tình trạng khó khăn của họ. “Họ có đơn hàng và họ đang chờ để mua chỉ khi giá chạm đáy, nghĩa là nông dân sẽ phải chịu thua lỗ mạnh hơn”.
Một nhà chế biến khác tại Thái Lan cho rằng chi phí chế biến tại Thái Lan “nổi tiếng là cao hơn các nước khác”. Nghĩa là họ thường có xu hướng tập trung vào các thị trường giá trị cao hơn và các sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Tuy nhiên, các nhà chế biến Thái đang “vào guồng” sau “thảm họa” bệnh tôm chết sớm vào năm 2013 đã làm giảm tới một nửa sản lượng tôm của nước này. “Công suất dư thừa trong chế biến và TACN, các nhà sản xuất hiệu quả thấp hiện đã ra khỏi ngành”, ông nhấn mạnh. Ông thừa nhận những nước như Ấn Độ, không phải Thái Lan, hiện ở tình trạng tồi tệ hơn khi giá giảm mạnh bởi với họ, đây là lần đầu tiên họ phải đối mặt với tình trạng này. “Họ từng nghĩ rằng sản xuất không có giới hạn nào. Các khoản đầu tư mới luôn đi kèm với rủi ro”.
Theo Undercurrent News (gappingworld.com)