Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 7 ước đạt 110 nghìn tấn với giá trị 53 triệu USD, lũy kế xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 1,6 triệu tấn và 580 triệu USD, giảm 24% về lượng nhưng tăng 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 87% thị phần, giảm 25% về khối lượng nhưng tăng 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá xuất khẩu sắn lát của Việt Nam (FOB) trong tháng 7 giảm còn 232 USD/tấn (giảm 10 USD so với tháng trước), giá tinh bột sắn xuất khẩu được chào giá ở mức 500 USD/tấn (giảm 20 USD so với tháng trước) nhằm cạnh tranh với Thái Lan sau khi nước này tiếp tục hạ giá chào bán 50 USD xuống mức 470-480 USD/tấn trong tháng 7 để giải phóng tồn kho.
Giá sắn lát xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm do nhu cầu từ thị trường này tiếp tục ở mức thấp, bên cạnh đó tỷ giá đồng nhân dân tệ cũng giảm 3-5% xuống mức 3.390 VNĐ đổi 1 đồng nhân dân tệ. Các hợp đồng giao tinh bột sắn cũ đã giao xong hết trong khi hợp đồng ký mới gặp khó khăn do nhu cầu của Trung Quốc rất chậm.
Sang tháng 8, thị trường sắn lát dự báo sẽ sôi động trở lại khi các nhà máy cồn và hóa chất tại Trung Quốc tăng công suất hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện nay còn một lượng ngô tồn kho lớn do ngành chăn nuôi gặp khó khăn, lượng ngô tồn kho này đang được Trung Quốc nỗ lực giảm bớt thông qua sử dụng cho ngành sản xuất ethanol; do đó dự báo giá sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc có thể khó tăng giá trong nửa cuối năm 2018.
Theo IPSARD - MARD