Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hồ tiêu Gia Lai có giá "siêu cao" nhờ trồng sạch, làm thương hiệu
03 | 09 | 2018
Giá hồ tiêu giảm xuống đáy, dịch bệnh xảy ra liên miên khiến nhiều hộ nông dân bắt đầu quay lưng với cây tiêu. Trước tình hình đó, nhiều hộ đã cùng nhau liên kết đầu tư trồng tiêu sạch, vừa duy trì được vườn cây, vừa nâng cao chuỗi giá trị nhờ bán được tiêu với giá cao.

Trồng sạch, bán giá cao

Cách đây không lâu, tại xã Nam Yang (huyện Đắk Đoa, Gia Lai) hơn 50 hộ dân trồng tiêu đã cùng nhau thành lập Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch bền vững xã Nam Yang.

Người đi đầu phong trào này là anh Ngô Văn Tiên – Tổ trưởng Tổ liên kết. Anh cũng là người từng tham gia chương trình “Giao lưu hữu nghị, hợp tác kết nối đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Singapore” do Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam tổ chức tại Singapore, tại đây hồ tiêu của anh được công nhận là “sản phẩm dịch vụ chất lượng cao Asean”, nhờ đó bán được với giá 100.000 đồng/kg, trong khi hồ tiêu bình thường khác chỉ đạt 50.000 đồng/kg.

Anh Ngô Văn Tiên - Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch bền vững xã Nam Yang bên vườn tiêu của gia đình. Ảnh: L.K

Anh Tiên chia sẻ: “Tham gia vào Tổ liên kết, bà con nông dân cùng chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm hay trong sản xuất. Theo đó, nông dân tự liên kết với các doanh nghiệp cung ứng kỹ thuật, phân bón hữu cơ vi sinh để có giá đầu vào ở mức thấp nhất. Tương tự, đầu ra cũng được nông dân lựa chọn đối tác nhằm loại bỏ các chi phí không cần thiết qua khâu trung gian. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, giá trị sản phẩm luôn có giá cao gấp đôi so với sản phẩm khác”.

Theo anh Tiên, muốn thay đổi từ cách làm truyền thống theo hướng công nghệ cao, sản xuất sạch không phải nói mà làm được ngay, “phải thực hiện từ từ”. Đây là cuộc cách mạng thay đổi tư duy, nếu thành công thì người nông dân sẽ đứng ở thế chủ động, ít phụ thuộc bởi các yếu tố bên ngoài như biến động giá cả, giá thành đầu vào và các rủi ro khác.

Vườn của anh Tiên hiện có 6ha hồ tiêu, trong đó 3ha trồng theo hướng hữu cơ, năng suất trung bình từ 6-8 tấn/ha, giá bán luôn cao gấp đôi so với hồ tiêu bình thường. Mới đây, Tổ liên kết đã được ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm, hỗ trợ nên bà con càng tin tưởng hơn vào hướng đi này.

Nói về mô hình “nông dân liên kết với nông dân” trong trồng tiêu, anh Nguyễn Tấn Công – Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang cho biết: Thời điểm này, HTX có 15 thành viên, diện tích hồ tiêu trên 50ha. Ban đầu vận động người dân vào HTX cũng khó lắm, bà con e ngại không biết vào HTX sẽ làm ăn kiểu gì, có phải góp tài sản hay không...

"Nhưng sau một thời gian hoạt động, thấy tiêu của HTX bán giá cao gấp 1,5-2 giá bình thường nên bà con rất hào hứng. Đặc biệt, HTX cũng đã liên hệ với 2 doanh nghiệp ở TP HCM bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra" - ông Công cho hay.

Đâu là hướng đi bền vững?

Điều mà bà con nông dân quan tâm nhất hiện nay là làm sao để bán được hồ tiêu giá cao, phát triển bền vững? Về vấn đề này, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, nếu theo cách làm cũ thì giá bán sẽ không cải thiện được, nếu làm tiêu sạch, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì cũng chỉ được cộng thêm 3.000-4.000 đồng/kg.

Quan trọng là vườn tiêu sạch đó phải được tổ chức quốc tế cấp chứng nhận. Hiện ở nước ta đã có 3 chi nhánh cấp chứng nhận quốc tế trồng tiêu sạch theo tiêu chuẩn Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Nông dân xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa liên kết với nhau, thành lập Tổ sản xuất nông sản sạch. Ảnh: L.K

“Năm 2017, tôi cùng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đi khảo sát tại 1 HTX ở Campuchia, thời điểm đó tiêu thường được HTX thu mua với giá 4 USD/kg, tiêu an toàn được cộng thêm khoảng 4.000 đồng tiền Việt Nam. Thế nhưng hồ tiêu đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế về hữu cơ giá lên tới 14,5 USD/kg, chênh lệch rất lớn. Theo tôi, có 2 cách để bán được giá cao: Thứ nhất là nông dân thông qua doanh nghiệp để sản xuất có chứng nhận, giá thu mua sẽ cao gấp 2-2,5 lần bình thường; thứ 2 là chủ vườn tự chứng nhận, giá còn cao hơn nữa”, ông Bính chia sẻ.

Ông Bính cho biết: “Để được cấp chứng nhận hữu cơ, vườn tiêu cần đạt 24 tiêu chuẩn, trong đó phải đạt 3 yêu cầu cơ bản: Tốt cho người sản xuất, tốt cho môi trường và tốt cho người sử dụng. Chi phí để đạt được chứng nhận khoảng 4.000 USD”.

Trong các tiêu chuẩn đó, có tiêu chí rất khó như cách ly không khí (làm vùng đệm bằng cây trồng ngăn cách với bên ngoài). Ngoài ra, để bán được giá cao hơn, nông dân có thể tự đóng gói sản phẩm, làm thương hiệu thì giá 1kg tiêu có thể lên tới 300.000-500.000 đồng/kg.

“Có thể nói, trồng tiêu theo hướng hữu cơ bền vững thì sẽ không bao giờ lỗ, có thể chi phí và điều kiện ban đầu cao nhưng khi đã làm thành công thì hiệu quả rất lớn”, ông Bính nhấn mạnh.

Theo NTNN



Báo cáo phân tích thị trường