Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để không bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên công nghệ số
10 | 09 | 2018
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) do Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 - 13/9/2018. Đây là một trong những hội nghị lớn và quan trọng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong khu vực, đồng thời là sự kiện đối ngoại lớn của nước ta trong năm 2018.

Với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Diễn đàn sẽ là cơ hội để các nước ASEAN đánh giá cơ hội cũng như khắc phục  thách thức để “không bị bỏ lại phía sau” trong kỷ nguyên công nghệ số.

“ASEAN tự cường và sáng tạo”

ASEAN được đánh giá là một động lực tăng trưởng mới của thế giới. Không muốn đứng ngoài xu thế thời đại, các quốc gia ASEAN đang đặt ưu tiên cho việc tận dụng các cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0  mang lại. Bởi vậy, chương trình nghị sự của Hội nghị WEF ASEAN 2018 được xây dựng gắn với chủ đề năm nay của ASEAN là: “ASEAN tự cường và sáng tạo.”

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam Tan Wei Ming nhấn mạnh, chủ đề WEF ASEAN 2018 phù hợp với các ưu tiên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và của ASEAN.

Trong khuôn khổ toàn cầu hóa, ASEAN sẵn sàng hợp tác với các đối tác bên ngoài cũng như tham gia các thể chế đa phương để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong tương lai.

Nhận định chủ đề năm 2018 “ASEAN tự cường và sáng tạo” là một minh chứng cho những nỗ lực của ASEAN nhằm thích nghi với các điều kiện mới, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam Tan Wei Ming nhấn mạnh, ASEAN có thể thích ứng tốt trong các điều kiện mới, do đó cần phải nắm bắt cơ hội và quản lý các thách thức, trang bị tốt cho người dân với các kỹ năng và trình độ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các nước thành viên trong khối. Ông chia sẻ: ASEAN cần tập trung vào đổi mới sáng tạo, tự cường để đáp ứng xu thế thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như tình hình thế giới đang thay đổi mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, các quốc gia cần có sự kết nối toàn cầu cũng như trong khu vực, đồng thời phải điều chỉnh để giải quyết những khó khăn, thách thức. Hiện nay cần có những công nghệ mới, thích ứng với công việc mới, đảm bảo rằng không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Với gần 60 phiên thảo luận, tập trung vào 5 vấn đề mà Chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN quan tâm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm: xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; tìm kiếm động lực và các mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; doanh nghiệp với cách tiếp cận mới đối với quản trị toàn cầu và khu vực; phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Những sáng kiến của Việt Nam tại hội nghị lần này được các nước ASEAN ghi nhận và đánh giá cao.

Dự báo của Tập đoàn Google và Quỹ Temasek cho thấy, với thị trường hơn 630 triệu người dân; trong đó, 260 triệu người đang thường xuyên truy cập internet, nền kinh tế internet của khu vực ASEAN dự kiến sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 6% tổng GDP của khu vực.

“Đây là nền tảng thuận lợi và là thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư phát triển nhanh các mô hình kinh doanh mới ở khu vực Đông Nam Á cũng như ở Việt Nam”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định.

Nhiều thách thức

Bên cạnh cơ hội phát triển, Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức cho các nước ASEAN. Theo đó, một trong những thách thức lớn là chuyển dịch, thay thế lao động, nhất là trong các ngành sử dụng nhiều lao động do tác động của tự động hóa sâu rộng, tái cơ cấu ngành nghề và thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh.

“Thách thức này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với giáo dục, đào tạo ở nhiều nước ASEAN. Chúng ta không thể chắc chắn rằng tình trạng thất nghiệp sẽ không xảy ra”, ông Dato Mohd Zamruni Khali, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam nhận định.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 56% lực lượng lao động của 5 nước ASEAN là Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đứng trước rủi ro cao bị thay thế bởi công nghệ mới trong khoảng 2 thập niên tới. Bên cạnh đó, những mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử, thanh toán thông minh, taxi Uber, Grab... đòi hỏi đổi mới về tư duy, thể chế và phương thức quản lý của các Chính phủ nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Do đó, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam cho rằng, sự chuẩn bị của các nước ASEAN trước sự đổ bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở thời điểm này là cần thiết.

Cơ hội cho Việt Nam?

Thừa nhận Cách mạng công nghiệp 4.0 là một khái niệm khó để Chính phủ các nước có thể bắt kịp và có những phản ứng thích hợp, song theo ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á của WEF, Việt Nam đã có những hành động nhất định để thích ứng.

“Với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký kết thỏa thuận hợp tác với WEF nhằm giúp Việt Nam định hướng tốt hơn trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0, WEF đang tích cực làm việc với các bộ, ngành của Việt Nam để đưa nền kinh tế đi đúng hướng. Đây là điều khó khăn nhưng tôi nghĩ Việt Nam đang đi từng bước chắc chắn”, ông Justin nói.

Theo đó, WEF đã tích cực tư vấn giúp Việt Nam có chính sách thích hợp, tranh thủ được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vượt qua những thách thức đặt ra. Việt Nam đã tham gia sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của WEF và từ năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tham gia Ban điều phối dự án “Tương lai của hệ thống sản xuất” của WEF và từ năm 2017 tham gia Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN (RSG).

Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác, các bộ gồm Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và PTNT,  Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với WEF triển khai các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội số hóa, thương mại - đầu tư qua biên giới, cơ sở hạ tầng, sản xuất, nông nghiệp và an ninh lương thực... WEF đã đưa nhiều chuyên gia quốc tế tới các sự kiện tại Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam kết nối với thế giới, có tiếng nói của mình và có cơ hội để tiếp cận những ý tưởng mới hay tự đưa ra những ý tưởng mới của mình.

Cũng theo đại diện của WEF, Việt Nam hiện đang khởi sắc về phát triển kinh tế và nhận được sự quan tâm của các đối tác quốc tế và các doanh nghiệp trên toàn cầu, dù trước đó kinh tế có vẻ đi “chệch” đường ray.

Việt Nam là nền kinh tế nổi bật với dân số gần 100 triệu người, nhân khẩu học rất tích cực, đang ở trong giai đoạn dân số vàng, tầng lớp trung lưu phát triển rất nhanh. “Do đó, cơ hội để hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế số nói riêng cũng như các lĩnh vực khác nói chung là rất lớn”, ông Justin nói.

Ở Việt Nam, khoảng 60% trong tổng dân số 93 triệu người là dưới 35 tuổi, có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới và khoảng 55% dân số sử dụng internet.

Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ trong top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo ra cơ hội cho mọi người dân đều có thể khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới. Đây chính là cơ hội cho phát triển bao trùm. Môi trường siêu kết nối cũng tạo nên cuộc cách mạng về giao dịch, thanh toán, logistic, đồng thời mang lại cơ hội lớn cho  doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như khu vực.

Để thích ứng và phát triển thịnh vượng trong một thế giới đang chuyển động nhanh dưới tác động của công nghệ mới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, từng Chính phủ của ASEAN và doanh nghiệp các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần phát huy tự cường, tìm hướng đi và giải pháp mới. Đơn cử: Singapore đã đưa ra sáng kiến quốc gia thông minh, Indonesia có chính sách phát triển các vườn ươm công nghệ, Thái Lan có tầm nhìn Thái Lan 4.0…

Chia sẻ về những quy định và chính sách mới trong hoạt động khuyến khích đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, bà Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thời gian qua, một số cơ chế, chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cụ thể, Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”. Đây là văn bản chính sách đầu tiên, bao quát nhất và là nền tảng về chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam. Sau hai năm triển khai, đã có 30 tỉnh, thành phố có kế hoạch triển khai Đề án 844 tại địa phương.

Theo bà Phan Hoàng Lan, thời gian tới, Đề án 844 sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế chính sách đầu tư tiếp theo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các thành phần kinh tế, để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất cơ chế thu hút đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo từ nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, đặc biệt là từ kiều bào, tri thức Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Kinh tế nông thôn



Báo cáo phân tích thị trường