Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đầu tư xây dựng thương hiệu nông sản: Doanh nghiệp cần "sức bật"
28 | 08 | 2018
Đầu tư xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp tại thị trường nước ngoài cần mức đầu tư từ hàng trăm cho đến cả nghìn tỷ đồng, tuy nhiên doanh nghiệp lại không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào.

Đây là một trong nhiều kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến cơ chế hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp bên lề Hội nghị triển khai chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, mới đây.

Khó xây dựng thương hiệu cho nông sản

Theo đó, một doanh nghiệp đầu tư, sản xuất và thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp tại Bắc Giang cho biết, mặc dù một số sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng lớn và chất lượng tốt như chanh leo, dừa tươi và sầu riêng, tuy nhiên các sản phẩm này khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, trong đó có thị trường Trung Quốc đều không có “cửa”, thậm chí là con đường tiểu ngạch.

Doanh nghiệp Việt Nam phải mua C/O cho sản phẩm sầu riêng với chi phí 5.000.000/xe hàng.

Chia sẻ cụ thể về thực trạng này, doanh nghiệp cho biết, trước tiên là sản phẩm sầu riêng. Sản phẩm này doanh nghiệp Việt Nam không thể xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với nguồn gốc C/O của Việt Nam mà phải mua C/O của Thái Lan. Chi phí doanh nghiệp Việt Nam phải trả cho mỗi xe hàng là 5.000.000 đồng. Trong khi, 50% sản lượng xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc là sầu riêng Việt Nam. Chưa kể, các sản phẩm sầu riêng Việt Nam nếu có thể xuất được sang thị trường Trung Quốc thì cũng phải bán với giá rẻ hơn từ 10.000 – 20.000 đồng/kg, mặc dù chất lượng sầu riêng của Việt Nam tốt hơn.

Ngoài ra, liên quan tới sản phẩm chanh leo, mặc dù sản lượng chanh leo Việt Nam chiếm tới 10% sản lượng của thị trường thế giới, tuy nhiên thị trường Trung Quốc chỉ biết đến sản phẩm chanh leo của Myanmar, Lào. Ngoài ra, sản phẩm dừa tươi cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Có lẽ đây chỉ là một trong số nhiều câu chuyện khác về khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Vì vậy, việc đầu tư cho việc xây dựng thương hiệu và đưa ra một quy trình chuẩn về chuỗi khép kín nông sản sạch từ khi sản xuất đến bàn ăn không chỉ làm gia tăng giá trị mà còn là câu chuyện của cả ngành nông nghiệp.

Như vậy, việc đầu tư vào xây dựng thương hiệu cho nông sản là giải pháp bắt buộc. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp nông nghiệp tại Bắc Giang nêu trên, việc đầu tư này tốn kém không ít chi phí, có thể lên tới hàng trăm tỷ thậm chí là cả nghìn tỷ. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại không nhận được bất cứ ưu đãi nào. Trong khi đó, các siêu thị trong nước, ngay cả những siêu thị hệ thống bán lẻ được hưởng ưu đãi từ quỹ bình ổn giá, hay giải cứu nông sản.

Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất, trong hoạt động đàm phán, trao đổi hoặc đề xuất các đàm phán thương mại, nên có sự tham gia của doanh nghiệp trong ngành để các thoả thuận này kịp thời và sát với tình hình của doanh nghiệp.

 Chợ nông sản Quốc gia đừng làm cho có

Ngoài ra, liên quan đến quy định về chợ nông sản quốc gia tại Thông tư hướng dẫn Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, theo doanh nghiệp này "thà chưa có chợ nông sản quốc gia còn hơn là làm cho có".

Cũng theo thông tin từ doanh nghiệp này, việc tự thực hiện các sàn giao dịch nông sản của các doanh nghiệp đang manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi, chợ nông sản quốc gia chuyên nghiệp với các tiêu chí về hội nhập và xây dựng trên nền tảng 3 ngôn ngữ mới là thứ doanh nghiệp nông sản Việt Nam đang cần.

Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia các chợ này mặc dù có quy định từ 2-3 triệu đồng cho tới mức hỗ trợ cao nhất là 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp như thế nào thì đủ tiêu chuẩn để nhận ưu đãi, doanh nghiệp có chất lượng như thế nào thì được lên chợ này, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho chất lượng các sản phẩm khi lên chợ?

Theo vị đại diện doanh nghiệp Bắc Giang này, để chất lượng của các doanh nghiệp khi lên “sàn” này không ảnh hưởng đến thương hiệu nông sản quốc gia thì phải sớm làm sáng tỏ những câu hỏi này. Bởi sàn giao dịch nông sản này được xem là “danh chính ngôn thuận” khi nhận được sự bảo trợ của Chính phủ.

Mô hình chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ với sự liên kết 6 nhà theo thông điệp hướng đến nền nông nghiệp tỉ USD mà Chính phủ đưa ra trong thời gian gần đây. Trong chuỗi giá trị đó, yếu tố công nghệ cao, các mô hình sản xuất, các mô hình dịch vụ hỗ trợ cho  nông nghiệp, người nông dân được phát triển một cách đồng bộ và đầu tư chiều sâu, gắn với chuỗi giá trị trong nước cũng như thị trường quốc tế. Để hiện thực hoá được chuỗi giá trị này, việc đầu tư xây dựng thương hiệu cho nông sản được xem là giải pháp cấp bách và phải sớm giải được những nút thắt cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp



Báo cáo phân tích thị trường