Hàng hóa tương đồng
Chương trình giúp kết nối doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặp gỡ trực tiếp bộ phận thu mua của hệ thống cửa hàng bán lẻ thuộc Central Group Thái để tìm hiểu về nhu cầu và tín hiệu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, các quy định và thủ tục theo luật định, sản phẩm chủ lực nào mà DN Việt Nam cần tập trung cũng như những điều chỉnh phù hợp để có thể thâm nhập thị trường Thái Lan nói riêng và khu vực ASEAN nói chung,...
Tham gia kết nối giao thương có 51 DN Việt Nam, gồm 30 DN thực phẩm, nông sản và 21 các DN hàng gia dụng, thời trang, mỹ phẩm, hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ. Bên phía thu mua là các đơn vị bán lẻ thuộc Central Group Thái Lan như: Central Pattana Group (CPN), Central Department Store Group (CDG), Centara Hotels & Resorts (CHR), Central Restaurants Group (CRG), Central Home Group (CHG), Central Online Group (COL).
Ông PAUL LE, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết: “Hai bên đã thực hiện hơn 100 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi trực tiếp để thảo luận về các vấn đề nhằm tăng lượng hàng xuất khẩu vào Thái Lan, thông qua hệ thống phối của Central Group Việt Nam. Đây là cơ hội cho các DN Việt Nam tìm hiểu nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn, điều kiện cần đáp ứng để hoàn thiện sản phẩm, quy trình sản xuất”.
Theo ông PAUL LE, với các DN đã có sẵn tiềm lực xuất khẩu, đây là dịp tuyệt vời để trực tiếp giới thiệu sản phẩm và trao đổi các phương thức hợp tác kinh doanh, qua đó giảm thiểu khâu trung gian, tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ đưa sản phẩm xuất khẩu sang hệ thống bán lẻ thuộc Central Group một cách hiệu quả, bền vững. Ngược lại các nhà bán lẻ thuộc Central Group Thái Lan cũng sẽ tìm kiếm thêm các nhà cung cấp nhằm đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh tại các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống Central Group.
heo các bộ phận thu mua của Central Group, hầu hết các mặt hàng tham gia vào tuần hàng năm nay đều có chất lượng tốt. Tuy nhiên, các mặt hàng Việt còn nhiều hạn chế về mẫu mã và chưa đa dạng, phong phú. Đồng thời, sản lượng hàng hoá còn quá nhỏ nên chưa đáp ứng được các đơn hàng lớn. Do vậy, để khắc phục nhược điểm này, các DN Việt Nam cần có sự đầu tư nhiều hơn trong việc đa dạng bao bì, mẫu mã, đồng thời cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các DN để tạo ra một sản lượng hàng hoá đủ lớn xuất khẩu. Có như vậy mới hy vọng chen chân vào các hệ thống phân phối lớn trên thị trường quốc tế như Central Group.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, do mức độ tương đồng giữa hàng Thái và hàng Việt rất cao, nhưng hàng Thái lại có sự khác biệt rất lớn về bao bì, mẫu mã. Do vậy, muốn hàng Việt Nam phát triển được tại Thái thì cần phải có sự đầu tư nghiêm túc về mẫu mã, giá cả cạnh tranh nhằm tạo nên sự khác biệt.
Nhiều DN Việt vào Central Group
Tham dự hội nghị kết nối thương, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Âu - Mỹ (Bộ Công thương) đánh giá rất cao về chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan. Các DN Việt Nam cũng đã quan tâm nhiều tới việc nghiên cứu thị trường, đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã...nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường quốc tế nói chung và của Central Group nói riêng.
Theo ông Linh, 3 năm trước khi lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan thì vẫn chưa có DN Việt Nam nào đưa hàng vào được hệ thống phân phối của Central Group. Tuy nhiên, đến nay đã có nhiều DN Việt Nam được lọt vào hệ thống siêu thị bán lẻ của Central Group. Để đạt được điều này không hề đơn giản, vì hệ thống siêu thị của Central Group là một hệ thống siêu thị cao cấp ở Thái Lan, với tiêu chuẩn quốc tế.
Kết quả này không chỉ đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan tăng lên mà còn cho thấy sự thay đổi lớn về tư duy của các DN Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài, cũng như năng lực sản xuất và cung ứng hàng hóa của DN Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn.
Ông Nguyễn Long Hải, Trưởng phòng kinh doanh Cơ sở sản xuất và Chế biến cà phê Long Triều (Lâm Đồng) bày tỏ: Năm trước doanh nghiệp chúng tôi chỉ mang sản phẩm cà phê bột sang tham dự tuần hàng, nhưng mẫu mã bao bì hơi chìm, chỉ có hai màu xanh rêu và màu nâu. Tuy nhiên, chúng tôi được Central Group Việt Nam tư vấn thêm màu xanh lá, màu cam, màu vàng, và xanh dương, bao bì nhìn bắt mắt hơn”.
Bà Đặng Thị Diễm Thúy, Giám đốc kinh doanh xuất nhập khẩu Công ty cổ phần Vinamit, xác nhận: Người tiêu dùng Thái Lan rất ưa chuộng sản phẩm tự nhiên (organic) nên năm nay chúng tôi sẽ tăng cường thêm gian hàng organic, với một số dòng sản phẩm mới như xoài, chuối, mít và Yaourt sấy khô…đồng thời đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm này để chinh phục thị trường Thái Lan.
Chủ tịch hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà phấn khởi cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia vào tuần hàng và du lịch Việt Nam tại Thái Lan, nhưng với chúng tôi đã mở ra được nhiều cơ hội giao thương rất lớn để tìm kiếm đối tác xuất khẩu hàng hóa của các làng nghề Việt Nam”.
Trao đổi với NNVN, ông Pascal Billaud, Giám đốc điều hành Central Food Retail Group cho biết: “Tập đoàn Central Group rất thiện chí trong việc tạo thời cơ để các DN Việt Nam có thể đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối tại Thái Lan. Với 9 ngành nghề kinh doanh chủ lực, Central Group luôn mở rộng cửa cho hàng Việt đến với người tiêu dùng Thái Lan”. Theo ông Pascal, để gia nhập thị trường Thái Lan tốt hơn, hàng hóa Việt Nam cần cải thiện một số mặt hạn chế trong khâu bảo quản, marketing, cũng như giá cả phải cạnh tranh hơn.
Hiện Central Group đang nỗ lực để tìm kiếm các sản phẩm có thế mạnh, từ đó hỗ trợ các DN nhỏ và vừa để hoàn thiện và nâng tầm giá trị để đưa vào mạng lưới phân phối của Central Group. Do đó, chương trình Tuần hàng và du lịch Việt Nam tại Thái Lan qua 3 lần tổ chức với sự đồng hành của Central Group đã từng bước góp phần tạo cầu nối thiết thực giúp DN Việt Nam dễ dàng tiếp cận và thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu qua thị trường Thái Lan.
Theo NNVN