|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp. |
Để khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa về cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng nông nghiệp...
Doanh nghiệp là động lực chính để tái cơ cấu nền nông nghiệp
Ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong phát triển nông nghiệp (Khoán 10, Khoán 100) đã giải phóng sức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, cùng với việc thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã vươn lên thành một nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã khẳng định vai trò và vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đồng thời xác định doanh nghiệp là động lực chính để tái cơ cấu nền nông nghiệp và chỉ rõ mục tiêu phát triển doanh nghiệp nông thôn, trong đó có doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
|
Hiện nay, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến 180 nước và vùng lãnh thổ và luôn nằm trong số 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. (Ảnh: Vuông Tròn) |
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như: Nghị quyết về một số giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị định về tín dụng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Với những chủ trương và chính sách trên, thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn, trong và ngoài nước đầu tư. Tính đến hết tháng 6/2018, cả nước ước có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước; tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ doanh nghiệp.
Việc các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nông nghiệp đã góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp Việt Nam theo hướng sản xuất hàng hóa, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp; không chỉ bảo đảm an ninh lương thức quốc gia mà còn đóng góp lớn cho việc xuất khẩu, giúp tạo dựng thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.
Tính đến nay, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến 180 nước, vùng lãnh thổ và luôn nằm trong số 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt trên 36 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Một số sản phẩm nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu cao, như: thủy sản, cà phê, rau quả, gạo, hạt điều…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành nông nghiệp nước ta vẫn còn phát triển thiếu bền vững; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, quy mô nhỏ; đầu tư cho nông nghiệp còn thấp; ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm; năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao; sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp; thị trường tiêu thụ nông sản còn thiếu ổn định…
Mặt khác, việc nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, cùng với những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những diễn biến phức tạp của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng… đang đặt ra những thách thức, yêu cầu mới trong việc phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể phát triển bền vững nếu không tập trung tái cấu trúc ngành, lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, với điều kiện phát triển của từng vùng, từng địa phương và với ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để làm được điều này, cần phải đầu tư phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, trong đó phải dựa vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có chất lượng cao trong mọi quy trình từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; đổi mới tổ chức sản xuất, cách thức tổ chức chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp…
Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp
Trước thực tế trên, theo các chuyên gia, việc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là nhân tố có ý nghĩa quyết định.
Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp có đặc thù là phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như thiên tai, dịch bệnh... dẫn đến việc đầu tư thường chịu rất nhiều rủi ro so với các ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó, theo sự phản ánh của các doanh nghiệp, việc đầu tư vào lĩnh vực này còn gặp khó khăn ở một số vấn đề như: quỹ đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất; ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế (trong khi vấn đề cơ giới hóa là khâu quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động); nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp còn bất hợp lý; hiệu quả của hầu hết các loại hình tổ chức sản xuất, các ngành, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung chưa cao…
Với mục tiêu tìm giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là mở đường cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực trọng yếu này, ngày 30/7, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng nhau chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản. Thủ tướng đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới; là một trung tâm xúc tiến thương mại nông sản toàn cầu.
Để thực hiện được các mục tiêu này, Thủ tướng chỉ rõ “vấn đề cốt lõi vẫn là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư cho ngành nông nghiệp”. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là khắc phục tình trạng chỉ chú trọng hỗ trợ đầu vào là chính mà chưa hỗ trợ đầu ra.
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đất đai, ổn định quỹ đất; cắt giảm 50% thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Sửa đổi, đơn giản hóa các thủ tục về thuế. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thúc đẩy cạnh tranh, hiệu quả theo cơ chế kinh tế thị trường…
Một trong những vấn đề mới được Thủ tướng chỉ đạo lần này là nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình; mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; cho phép sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của các dự án, phương án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm…
Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường; nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, nỗ lực chung sức cùng Chính phủ và người dân đưa nông sản Việt Nam vươn ra biển lớn.
Trước đó, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, mới đây, Chính phủ đã ban hành một số nghị định: Nghị định 57/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (thay thế cho Nghị định 210/2013/NĐ-CP); Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp... Điều này cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện vấn đề thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp theo các nghị định trên. Trong đó, việc thực hiện Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp cũng sẽ khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông lâm thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất.
Nguồn: baoquocte.vn/ Xã Luận