Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 9/2018 của Việt Nam ước đạt 742 triệu USD, lũy kế xuất 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 6,41 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018, chiếm 79,2% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Giá trị nhập khẩu tháng 9/2018của Việt Nam ước đạt 205 triệu USD, lũy kế nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 1,67 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 8 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ so với cùng kỳ năm 2017 của hầu hết các thị trường nhập khẩu chính đều tăng như Brazil (tăng 39,2%), Chi Lê (tăng 20,6%) và Mỹ (tăng 18,6%); ngoại trừ Campuchia (giảm 53,11%), Thái Lan (giảm 15,2%), Niuzilan (giảm 4,6%) và thị trường Malaixia (giảm 3,2%). Nhu cầu nhập khẩu gỗ của Việt Nam tại các thị trường có tính hợp pháp cao như Brazil, Chi-lê và Mỹ tăng mạnh cho thấy nhu cầu nội địa với các sản phẩm gỗ cứng nhiệt đới có nguồn gốc xuất xứ minh bạch, hợp pháp.
Trên thị trường thế giới, thương mại gỗ và các sản phẩm từ gỗ không có nhiều biến động trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang và thiếu hụt nguồn gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến. Tại Trung Quốc, nhà chế biến và xuất khẩu gỗ, các sản phẩm từ gỗ hàng đầu thế giới, nhu cầu sử dụng gỗ nguyên liệu tăng mạnh. Theo Tổ chức gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO), trong quý I, nhập khẩu gỗ tròn nhiệt đới của nước này tăng tới 22%, đạt mức 14,4 triệu m3, nhập khẩu gỗ xẻ cứng nhiều đới tăng 24%, đạt mức 8,3 triệu m3. Bên cạnh đó, việc triển khai dự án đường sắt liên kết 48 thành phố của Trung Quốc với 14 quốc gia Châu Âu được các chuyên gia dự báo là sẽ kéo nhu cầu về gỗ của Trung Quốc lên cao. Trong một diễn biến mới về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, chính quyền tổng thống Trump áp thuế quan thêm 10% với gói hàng hóa trị giá 200 tỷ đô của Trung Quốc, trong đó có bao gồm các sản phẩm từ gỗ của nước này.
Việc xung đột thương mại leo thang khiến các doanh nghiệp có khả năng phải đối mặt với nguy cơ gian lận “nguồn gốc xuất xứ” và “lẩn tránh thuế” thông qua kênh đầu tư của Trung Quốc vào ngành gỗ và nhập khẩu nguyên liệu, Mỹ có thể sẽ gia tăng các biện pháp kiểm soát đối với gỗ và đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường này. Trước mắt, cần kiểm soát chặt chẽ gỗ nguyên liệu vào Việt Nam, kiểm soát chứng chỉ rừng bền vững (FSC), đặc biệt là gỗ có nguồn gốc từ Trung Quốc sang Việt Nam). Về trung hạn, cần thúc đẩy sản xuất đồ nội thất công nghệ cao gắn với truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó với xu hướng chuyển hướng đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Từ ngày 1/10/2018, Hàn Quốc sẽ áp dụng Luật Sử dụng gỗ bền vững sửa đổi năm 2017 . Theo đó, các nhà nhập khẩu gỗ vào Hàn Quốc 15 mã hàng gỗ và sản phẩm gỗ thuộc chương 44 gồm: viên nén gỗ (mã HS 440131), dăm gỗ (mã HS 440122), gỗ xẻ bao gồm gỗ ghép thanh, ván sàn (mã HS4407), gỗ dán mã HS 4412) phải làm thủ tục khai báo nguồn gốc gỗ nhập khẩu cho Tổng cục Lâm nghiệp Hàn Quốc trước khi làm thủ tục thông quan với cơ quan Hải quan và phải chứng minh gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Từ năm 2020, Luật này sẽ áp dụng đối với toàn bộ mặt hàng gỗ thuộc chương 44 và mặt hàng gỗ thuộc chương 94 của hệ thống mã HS theo quy định của Thông tư số 65/2017/TT-BTC.
Theo quy định của Luật Sử dụng gỗ bền vững sửa đổi năm 2017 của Hàn Quốc, gỗ được coi là hợp pháp nếu đáp ứng được 1 trong số 4 điều kiện sau:
- Có giấy chứng nhận gỗ được khai thác hợp pháp do cơ quan chức năng của nước xuất khẩu cấp; đối với trường hợp của Việt Nam thì lô hàng phải có Bảng Kê lâm sản do cơ quan Kiểm Lâm xác nhận;
- Có Tài liệu/giấy tờ do Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hàn Quốc quy định đối với các chứng chỉ quốc tế: Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm do tổ chức FSC hoặc PEFC cấp; Các tài liệu chứng minh theo cơ chế công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên của PEFC; Hồ xác minh nguồn gốc gỗ hợp pháp được cấp theo hệ thống chứng nhận quốc tế;
- Nước xuất khẩu đã ký hiệp định công nhận lẫn nhau với Hàn Quốc: Nước xuất khẩu cấp giấy chứng nhận gỗ hợp pháp của quốc gia đó và được Hội đồng chứng chỉ rừng của Hàn Quốc công nhận;
- Các loại chứng chỉ khác: Chứng chỉ FLEGT của mỗi quốc gia đã đàm phán hiệp định VPA/FLECH với EU (trong đó có Việt Nam); giấy phép xuất khẩu có thể xác minh tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ của nước xuất khẩu; Giấy phép vận chuyển gỗ hợp pháp được chính phủ hoặc cơ quan chỉ định của Chính phủ ký, đóng dấu hoặc xác nhận đồng ý đóng gói chi tiết, giấy xác nhận do doanh nghiệp xuất khẩu tự khai theo mẫu đối với nước xuất khẩu áp dụng chế độ hạn chế giao dịch thương mại gỗ bất hợp pháp; các loại giấy tờ theo mẫu có thể chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp và sử dụng gỗ bền vững theo thỏa thuận giữa Hàn Quốc và nước xuất khẩu.
Cần kiểm soát chặt chẽ gỗ nguyên liệu vào Việt Nam, kiểm soát chứng chỉ rừng bền vững (FSC), đặc biệt là gỗ có nguồn gốc từ Trung Quốc sang Việt Nam). Về trung hạn, cần thúc đẩy sản xuất đồ nội thất công nghệ cao gắn với truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó với xu hướng chuyển hướng đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo IPSARD-MARD