Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11 năm 2018 ước đạt 852 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2018, chiếm 54,9% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản; các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Thái Lan (tăng 17,1%), Anh (tăng 14,5), Hàn Quốc (tăng 12,2%) và Úc (tăng 11%).
Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 11/2018 đạt 166 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 11 tháng năm 2018 đạt 1,58 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2017. Năm thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2018 là Ấn Độ, Nauy, Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản chiếm thị phần lần lượt là 21%, 10,2%, 6,9%, 6,4% và 6,3%. Trong 10 tháng năm 2018 giá trị nhập khẩu thủy sản tăng ở hầu hết các thi ̣trường chính ngo ại trừ Ấn Độ (giảm 2,9%). Trong đó, giá trị nhập khẩu thủy sản tăng mạnh nhất là Indonesia (tăng 97,6%), Nauy (tăng 58,6%) và Hàn Quốc (tăng 52,2%).
Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng qua có dấu hiệu giảm nhiệt sau khi liên tục vững giá ở mức kỷ lục trong hơn 1 tháng. Tính đến thời điểm ngày 23/11, giá cá tra thịt trắng nguyên liệu loại I (700-900g/con) đạt 32.000-33.000 đ/kg so với cách đây một tháng là 35.000-36.000 đ/kg. Giá cá tra có sự điều chỉnh giảm do nguồn cung cải thiện cộng với nhu cầu nguyên liệu của các doanh nghiệp chững lại bởi nhiều doanh nghiệp đã gom đủ hàng giao cho dịp Giáng sinh và cuối năm nên hạ giá thu mua. Ở mức giá hiện tại, người nuôi vẫn đảm bảo có lãi và thị trường sẽ diễn biến thuận lợi cho người nuôi đến hết năm. Giá cá giống hiện nay cũng giảm nhiều so với tháng trước do các công ty và hộ nuôi hầu như đã nhập đủ lượng giống nên nhu cầu giảm. Giá mẫu giống 30 con/kg đang ở mức 45-50.000 đ/kg, tuy nhiên sắp tới có thể giảm mạnh về mức 40-45.000 đ/kg.
Thị trường tôm nguyên liệu trong tháng có xu hướng giảm giá nhẹ đối với tôm sú ướp đá và nhích giá nhẹ với tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, người dân chủ yếu thu hoạch tôm sú, tôm thẻ còn ít. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá nguyên liệu cỡ 20, 30, 40 con/kg giảm 10.000-30.000 đ/kg xuống còn lần lượt 210.000 đ/kg, 155.000 đ/kg và 135.000 đ/kg. Giá tôm thẻ ướp đá nhích nhẹ 2.000-3.000 đ/kg cho các cỡ từ 60-100 con/kg (cỡ 60 con/kg: 117.000-120.000 đ/kg; cỡ 70 con/kg: 102.000-105.000 đ/kg, cỡ 100 con/kg 90.000-92.000 đ/kg). Dự báo giá tôm nguyên liệu từ nay đến cuối năm không có biến động mạnh do phần lớn các doanh nghiệp đã gom đủ hàng cho các hợp đồng giao trong tháng 12.
Thị trường thế giới, theo Hiệp hội nuôi trồng thủy sản quốc gia Honduras, ngành tôm nước này sẽ phải chịu thiệt hại khoảng 100 triệu USD do mưa lớn xảy ra tại nước này. Trong khi đó, sản lượng tôm của Thái Lan dự báo sẽ thấp hơn 300.000 tấn, sản lượng tôm của Ấn Độ cũng chỉ đạt khoảng 500.000 tấn. Do nguồn cung tại một số nước xuất khẩu tôm lớn của thế giới giảm mạnh, dự báo tháng cuối năm và quý 1/2018 tôm Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu hơn. Đối với cá tra, do các doanh nghiệp đã gom đủ hàng giao cho dịp Giáng sinh và cuối năm, dự báo giá cá tra sẽ giảm nhẹ.
Lưu ý:
Giá cá tra tháng cuối năm dự báo giảm do các doanh nghiệp đã gom đủ hàng giao cho dịp Giáng sinh và cuối năm, khả năng sẽ không có đơn hàng xuất khẩu mới trong tháng 12. Nông dân và doanh nghiệp cần chú ý để chủ động sản xuất
Theo IPSARD/MARD