Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Evergreen: Tăng nuôi cá tra tại Trung Quốc để phục vụ thị trường nội địa
11 | 11 | 2018
Công ty sản xuất TACN và nuôi trồng thủy sản lớn của Quảng Đông là tập đoàn Evergreen đang chế biến khoảng 7.000 tấn cá tra nuôi tại Trung Quốc hàng năm. Cá tra được coi là loại cá thịt trắng đối thủ của cá rô phi Trung Quốc. Phát biểu với Undercurrent News tại văn phòng trụ sở ở Trạm Giang, Evergreen cho biết nông dân Trung Quốc đang tăng nuôi cá tra mà thị trường mục tiêu là thị trường nội địa.

“Trung Quốc đang có rất nhiều nỗ lực trong nuôi cá tra. Diện tích nuôi cá tra tại Trung Quốc đang tăng. Toàn bộ ngành thủy sản Trung Quốc đã nhận thấy tác động của nhập khẩu cá tra Việt Nam lên Trung Quốc”, theo bà Ran Chunli, giám đốc điều hành bộ phận nuôi trồng thủy sản của hãng cho biết. “Trước đây, sản xuất cá rô phi chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Giờ đây, nông dân Trung Quốc đang sản xuất cá tra cho thị trường nội địa. Chúng tôi đang nghiên cứu phát triển sản phẩm cá tra”, bà Chunli cho biết thêm hãng vẫn chưa tự sản xuất cá tra nguyên liệu trong các hồ nuôi của doanh nghiệp mà chủ yếu thu mua cá tra nguyên liệu từ các nông dân lẻ mà Evergreen bán thức ăn cá tra và cung cấp các dịch vụ khác.

Evergreen là một trong những nhà chế biến – xuất khẩu cá rô phi lớn nhất của Trung Quốc, với 4 nhà máy chế biến tại tỉnh Quảng Đông, xuất khẩu hoảng 1.500 container 40 feet cá rô phi nguyên con và cá rô phi phile hàng năm, trị giá xấp xỉ 93,6 triệu USD. Nhưng giá cá rô phi trên thị trường quốc tế đã giảm mạnh từ năm 2015, khiến giá cá rô phi nguyên liệu giảm, mặc dù có phục hồi trong thời gian gần đây. Mức thuế 25% mà Mỹ áp đối với cá rô phi Trung Quốc là “một sự kiện thảm họa” cho ngành cá rô phi Trung Quốc, theo Frank Chen, phó chủ tịch tập đoàn Evergreen, nhận định rằng việc xuất khẩu cá rô phi sang Mỹ sau ngày 1/1/2019 “về cơ bản là bất khả thi”. Hiện Evergreen xuất khẩu khoảng 80% các sản phẩm cá rô phi sang thị trường Mỹ.

Do đó, nuôi cá tra đang thu hút sự chú ý tại Trung Quốc; giống như cá rô phi, cá tra là loại cá thịt trắng nước ngọt, sinh trưởng nhanh, khỏe mạnh, phù hợp với điều kiện nước ấm. Quan trọng hơn, cá tra đang được ưa chuộng rộng rãi trong cộng đồng người tiêu dùng Trung Quốc và những người thu mua đầu vào cho ngành dịch vụ ăn uống. “Tại Trạm Giang hiện nay, nông dân đang chuyển sang nuôi cá tra”, bà Ran cho hay.

Trước đây, việc nông dân Trung Quốc chậm mở rộng nuôi cá rô phi là do vấn đề cá tra nuôi tại Trung Quốc có thịt bị vàng. Theo Seafood Guide, một ấn phẩm của ngành thủy sản Trung Quốc, thớ thịt vàng trong cá tra Trung Quốc là một vấn đề thực sự”, bà Ran thừa nhận, mặc dù cho rằng vấn đề có thể giải quyết được. “Những thay đổi trong điều kiện nuôi, công thức thức ăn và cá nguyên liệu giúp giảm mạnh tỷ lệ thịt vàng”, bà cho biết. Nếu Trung Quốc tự sản xuất được cá tra bột – mà hiện phải nhập khẩu phần lớn từ Việt Nam – thì có thể phần nào giải quyết được vấn đề. Bà cho rằng cá tra bột mua từ Việt Nam không phù hợp cho điều kiện tại Trung Quốc. “Chúng tôi cần tự nuôi ấp cá tra bột. Một khi đạt được đến giai đoạn này, tôi nghĩ chúng tôi có thể tăng chất lượng thịt cá tra”.

Thủ phủ của ngành nuôi cá rô phi Trung Quốc – Trạm Giang, cũng là trung tâm nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc. Trong chuyến thăm trụ sở của Evergreen tại Trạm Giang vào tháng 9, Undercurrent News quan sát thấy cá rô phi được thu hoạch từ một trại nuôi rộng hơn 86ha thuộc sở hữu của Evergreen.

Bà Ran cho rằng vẫn còn quá sớm để nhận định liệu Trạm Giang và các khu vực khác tại miền nam Trung Quốc có thể trở thành đối thủ của Việt Nam hay không. “Việt Nam đã sản xuất cá tra trong nhiều năm. Công nghệ sản xuất và chế biến của Việt Nam rất phát triển trong khi Trung Quốc mới chỉ bắt đầu”.

Sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường cá thịt trắng nước ngọt nuôi tại Mỹ bị thách thức bởi sự nổi lên của cá tra Việt Nam như một lựa chọn thay thế thậm chí còn cạnh tranh hơn về giá, ngay cả khi tính giá trước thuế. Tại châu Âu, nhờ những nỗ lực không ngừng của Việt Nam để đạt chứng nhận của Aquaculture Stewardship Council, cá rô phi Trung Quốc khó lòng chiếm thị phần lớn trên các thị trường châu Âu.

Không chỉ vậy, Việt Nam còn đạt được tăng trưởng xuất khẩu rất nhanh sang thị trường Trung Quốc, trong khi các nhà sản xuất cá rô phi Trung Quốc  lại không mấy chú ý tới thị trường này. Trong 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 145 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2017, theo Hiệp hội các nhà sản xuất – xuấtkhẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết.

Theo Undercurrent News



Báo cáo phân tích thị trường