Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản dự kiến tăng trong năm 2019
20 | 02 | 2019
Nhật Bản là nước NK tôm lớn thứ 2 trên thế giới, chiếm khoảng 14% tổng giá trị NK tôm của toàn thế giới những năm gần đây. Trung bình, Nhật Bản NK khoảng 2,5 tỷ USD tôm mỗi năm. Năm 2018, NK tôm vào Nhật Bản đạt 2,35 tỷ USD, giảm 7,1% so với năm 2017. Trong top 6 nguồn cung tôm chính cho Nhật Bản, NK tôm từ Thái Lan, Indonesia tăng nhẹ trong khi NK từ Việt Nam, Ấn Độ, Argentina, Trung Quốc giảm so với năm 2017.

NK tôm vào Nhật Bản giảm do tồn kho cao từ đầu năm, biến động tỷ giá đồng yên. Các nguồn cung như Trung Quốc, Argentina giảm mạnh XK tôm sang Nhật do nguồn cung tôm sụt giảm ở các nước này.

Việt Nam vẫn là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 25,6% tổng giá trị NK tôm vào nước này. Thái Lan đứng thứ hai chiếm 18%, tiếp đó là Indonesia với 14,9% và Ấn Độ với 14%. Giá trung bình NK tôm từ Việt Nam cao nhất (11,3 USD/kg) trong top các nhà cung cấp chính nên Việt Nam phải cạnh tranh về giá với các nhà cung cấp khác trên thị trường này (Indonesia: 11 USD/kg; Thái Lan: 11 USD/kg, Ấn Độ: 9,2 USD/kg, Argentina 9,6 USD/kg, Trung Quốc 8 USD/kg...)

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2018, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 639,4 triệu USD, giảm 9,2% so với năm 2017. Nhật Bản hiện là thị trường NK tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 18% tổng giá trị XK tôm Việt Nam đi các thị trường.

Năm 2018, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản chỉ tăng duy nhất trong tháng 1 và 11 các tháng còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm trước đó. Giá trị XK tôm sang Nhật Bản giảm một phần do biến động tỷ giá đồng yên và sự cạnh tranh gay gắt của các nguồn cung đối thủ là Ấn Độ và Thái Lan. Ấn Độ do XK sang EU gặp khó khăn nên tăng cường XK sang Nhật Bản.

Tôm thẻ Nobashi đông lạnh (bỏ đầu, bỏ vỏ, còn đuôi, duỗi thẳng) cỡ 26/30, 31/35, 41/50 có giá từ 10,2 -11,2 USD/kg. Tôm thẻ tươi lột vỏ, bỏ đầu, còn đuôi, duỗi thẳng đông lạnh cỡ 2L, 4L, 5L, 7L có giá dao động từ 9,5-11,2 USD/kg.

Trong nhiều năm nay, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí số 1 về cung cấp tôm cho Nhật Bản nhờ những lợi thế so với các nguồn cung khác trên thị trường Nhật Bản. Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ 1/12/2008 và Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ 1/10/2009 giúp tạo điều kiện thuận lợi nhất về thuế quan cho XK thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản. Đối với AJCEP, ngay sau khi có hiệu lực năm 2009, các sản phẩm tôm đã được hưởng thuế suất 0%.

Ngày 14/1/2019, CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Tôm Việt Nam xuất đi Nhật Bản sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định này.

Các sản phẩm tôm chế biến sẵn với tính tiện dụng cao sẽ tăng trưởng tốt thời gian tới do ngành kinh doanh thực phẩm ăn sẵn của Nhật Bản phát triển khi số người độc thân gia tăng, tỷ lệ nội trợ giảm. Để đẩy mạnh XK tôm sang Nhật Bản, DN nên đổi mới phương thức tiếp cận thị trường cùng với quảng bá mạnh mẽ hơn nữa thương hiệu cho sản phẩm của mình, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Dự kiến, năm 2019, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản sẽ đạt mức tăng trưởng 2 con số so với năm 2018.

Theo VASEP



Báo cáo phân tích thị trường