Ủy ban thừa nhận rằng Thái Lan đã giải quyết thành công các nhược điểm trong các hệ thống quản lý và luật pháp ngành thủy sản. Vì vậy, Ec đã dỡ bỏ “thẻ vang”, một cảnh báo từ phía EU, đặt ra cho Thái Lan từ tháng 4/2015, theo đó cho rằng nước này không hành động đủ để giải quyết vấn đề khai thác thủy sản phi pháp, không báo cáo và không theo quy định. Quyết định ngày hôm nay đã đảo ngược tình hình, vốn có thể xấu đi đến mức EU cấm hoàn toàn nhập khẩu các sản phẩm thủy sản biển từ Thái Lan.
Ủy viên châu Âu về Môi trường, các vấn đề biển và thủy sản Karmenu Vella cho biết: “Khai thác thủy sản phi pháp, không báo cáo và không theo quy định gây thiệt hại cho các nguồn lợi thủy sản thế giới nhưng cũng gây hại cho những người có sinh kế từ biển, đặc biệt là những người dễ tổn thương trước đói nghèo. Chống lại khai thác thủy sản phi pháp là ưu tiên của EU. Tôi vui mừng thông báo hôm nay chúng ta có một đối tác cam kết cao, mới trong cuộc chiến này”.
Kể từ khi thẻ vàng được ban hành, EC và Thái Lan đã bắt đầu hợp tác và đối thoại mang tính xây dựng, dẫn đến một bước cải thiện lớn trong quản trị ngành thủy sản Thái Lan, tuân theo các cam kết quốc tế của nước này.
EC nhấn mạnh rằng Thái Lan đã thay đổi khung pháp lý của nước này theo luật pháp quốc tế trong các văn kiện biển và tăng cường triển khai các cam kết về cờ hiệu, cảng,bờ biển và thị trường, bao gồm các định nghĩa rõ ràng trong các văn bản luật và thiết lập một cơ chế trừng phạt mang tính răn đe cao. Hơn nữa, Thái Lan đã tăng cường cơ chế giám sát các đội tàu khai thác thủy sản quốc gia, nâng cấp các hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát, bao gồm theo dõi từ xa các hoạt động khai thác thủy sản và một cơ chế mạnh về các hoạt động kiểm tra tại cảng.
Ủy ban châu Âu cho rằng, với những biện pháp này, các nhà chức trách Thái Lan hiện có tất cả các chính sách cần thiết để ngăn chặn, giảm thiểu và xóa bỏ hoạt động khai thác thủy sản phi pháp. Thái Lan đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng quốc tế các mặt hàng thủy sản. Ngành chế biến thủy sản phát triển cao của Thái Lan phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô từ Ấn Độ và các vùng biển Thái Bình Dương. Là một bên trong Hiệp định về Các biện pháp của Chính quyền cảng (PSMA), Thái Lan đã tăng cường các biện pháp kiểm soát hoạt động cập cảng của các tàu khai thác thủy sản nước ngoài tại các cảng của Thái Lan và thắt chặt hợp tác với tàu cá có treo cờ các vùng biển Ấn Độ dương và Thái Bình Dương. Thắt chặt các hệ thống hành chính và pháp lý thủy sản tại Thái Lan có thể châm ngòi cho hiệu ứng đa phương trong tính bền vững toàn cầu của các nguồn lợi thủy sản.
EC cũng ghi nhận các nỗ lực mà Thái Lan triển khai để giải quyết nạn buôn người và cải thiện các điều kiện lao động trong ngành khai thác thủy sản. Mặc dù không phải là thành viên trong đối thoại song phương về IUU, Ủy ban châu Âu và Cơ quan hoạt động ngoại khối châu Âu đã hợp tác với các nhà chức trách Thái Lan về vấn đề lạm dụng nghiêm trọng quyền con người và lao động cưỡng bức trong ngành khai thác thủy sản. Gần đây, Thái Lan đã thông báo về việc thông qua Hiệp ước về lao động trong khai thác thủy sản của Tổ chức Lao động Quốc tế, nước châu Á đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước này.
Ủy ban hoan nghênh chính phủ Thái Lan về cam kết này và sẵn sàng hỗ trợ thêm Thái Lan hiện thực hóa tham vọng trở thành một điển hình của khu vực, không chỉ thông qua Đối thoại Lao động EU – Thái Lan. Lãnh đạo châu Âu đảm bảo sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Thái Lan để chống lại IUU và thúc đẩy các điều kiện làm việc trong ngành khai thác thủy sản.
Theo FIS