Internet vạn vật (IoT) đã và đang được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhận thức và sớm có các định hướng triển khai ứng dụng vào thực tiễn trong nông nghiệp, quan trắc môi trường, đô thị thông minh và sản xuất thông minh hướng tới một nền kinh tế Việt Nam phát triển sáng tạo và bền vững.
Ví như Công ty Delco Farm đã sử dụng âm nhạc để kích thích hệ tiêu hóa của gà đẻ, giảm stress cho gà, từ đó duy trì hiệu suất và nâng cao chất lượng trứng. Tại công ty, đến cả thức ăn, nước uống, nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng cũng được tính toán, điều chỉnh rất kỹ và kiểm soát bởi một hệ thống giám sát; ngoài ra, còn có hệ thống cấp khí tươi xuống cuối chuồng, hệ thống hút khí độc từ trong ra bên ngoài, hệ thống làm mát khí ở trên mái, mùa đông thì có hệ thống sưởi cho đàn gia cầm. Những điều này đã giúp công ty tăng gấp 2,5 lần số gà nuôi trong cùng diện tích so với cách nuôi thông thường, tiết kiệm cả về nhân công, nước mà vẫn tăng được sản lượng và giá trị.
Ứng dụng IoT vào chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp doanh nghiệp kiểm soát được năng suất, chất lượng, mà còn giảm chi phí nhân công, hạn chế rủi ro, ông Lê Khánh Mạnh, Giám đốc của Delco Farm chia sẻ.
Ở một góc khác, chúng ta có thể tham khảo một ví dụ nữa là hệ thống theo dõi và cảnh báo ô nhiễm không khí của Công ty D&L. Hệ thống PAM Air này gồm thiết bị cảm biến đo chất lượng không khí theo thời gian thực; ứng dụng di động cung cấp thông tin, chất lượng không khí tại các địa điểm/khu vực; cổng thông tin về chất lượng không khí trên toàn lãnh thổ Việt Nam và nền tảng quản trị để tự động thu thập, xử lý, lưu trữ, quản lý và phân tích dữ liệu chất lượng không khí. Hiện công ty đã xây dựng được 25 điểm đo tại Hà Nội, 3 điểm đo tại TP. Hồ Chí Minh và Phan Thiết. Mục tiêu sắp tới là sẽ lắp đặt 2 điểm cho mỗi tỉnh/thành phố trên cả nước, đại diện công ty cho biết.
Do việc ứng dụng IoT trong nhà máy là còn khá mới tại Việt Nam, nên chưa có nhiều đối chứng để có thể tham khảo và kiểm nghiệm hiệu quả mà công nghệ này mang lại. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp phân vân khi chi phí đầu tư ban đầu cho ứng dụng IoT không hề rẻ. Ông Đào Ngọc Chiến - Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, theo lộ trình thực hiện Đề án 844 về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, bộ có quỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Nhằm thúc đẩy ứng dụng IoT, để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được công nghệ rẻ, cần hỗ trợ nền tảng sáng tạo hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo nền tảng hỗ trợ học tập và giáo dục và đẩy hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) tập trung đẩy nhanh tiến độ của Việt Nam về IoT trong CMCN 4.0; thúc đẩy hợp tác thương mại hóa công nghệ giữa các doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub) vừa chính thức được ra mắt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - một trong những kênh quan trọng để hỗ trợ ươm tạo, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đây cũng sẽ là nơi kết nối rất tốt giữa các trường đại học, trung tâm nghiên cứu phát triển, các dự án sản xuất công nghệ cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, của các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT, Vingroup, VKIST, Nissan Techno, NIDEC, Hanwha hiện đang và sẽ hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Theo các chuyên gia, khu vực tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tiêu thụ các sản phẩm sáng tạo của các viện, trường. Tuy nhiên, để thương mại hóa công nghệ tốt hơn nữa, tạo môi trường cạnh tranh và minh bạch cần phải có hành lang pháp lý phù hợp; chú trọng phối hợp liên ngành. Đồng thời, bổ sung quy định về cơ chế phân chia lợi ích từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu một cách hợp lý hơn, đảm bảo lợi ích của các bên tham gia vào quá trình này.