Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khẩn trương chuẩn bị xuất khẩu sữa sang Trung Quốc
17 | 05 | 2019
Ngày 16/5, tại TP.HCM, Cục Thú y đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp sữa để triển khai Nghị định thư xuất khẩu sữa sang Trung Quốc, vừa được Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết ngày 26/4/2019.

Kế hoạch triển khai

Sau khi ký Nghị định thư về xuất khẩu sữa từ Việt Nam sang Trung Quốc, Cục Thú y đã khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Nghị định thư này.

Một trại nuôi bò sữa ở TP.HCM

Về giám sát dịch bệnh, đối với sữa tươi nguyên liệu, Nghị định thư chỉ yêu cầu giám sát 3 bệnh ở cấp trang trại, gồm: LMLM, nhiệt thán và lao bò. Do đó, các địa phương sẽ giám sát đối với trang trại bò sữa do địa phương quản lý. Các trang trại bò sữa có vốn đầu tư nước ngoài hoặc Trung ương quản lý sẽ do Cục Thú y giám sát. Hiện Cục Thú y đang soạn dự thảo hướng dẫn giám sát LMLM, nhiệt thán, lao bò tại các trại bò cung cấp sữa tươi nguyên liệu cho nhà máy sản xuất sữa xuất khẩu. Đối với các nguyên liệu sữa khác thì sử dụng kết quả chứng nhận trong giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu.

Về giám sát an toàn thực phẩm, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt kế hoạch quốc gia về kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với sữa tươi nguyên liệu và sẽ triển khai lấy mẫu giám sát từ tháng 6/2019. Các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch giám sát sữa nguyên liệu theo yêu cầu của Nghị định thư. Sữa thành phẩm cũng sẽ được lấy mẫu giám sát.

Về giấy chứng nhận kiểm dịch, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc để trao đổi, thống nhất mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Cung cấp mẫu dấu và mẫu chữ ký của các cơ quan kiểm dịch và cán bộ kiểm dịch.

Đến thời điểm này, có 8 doanh nghiệp đã đăng ký xuất khẩu sữa sang Trung Quốc là Vinamilk, TH True Milk, Ba Vì Milk, Nestlé Việt Nam, Nutifood, Enovi và FrieslandCampina Việt Nam.

Về đăng ký doanh nghiệp, sẽ phối hợp chặt chẽ với ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc để hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký code. Các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu gửi công văn về Cục Thú y. Cục sẽ tổ chức rà soát, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y của các doanh nghiệp trước khi gửi hồ sơ cho phía Trung Quốc. Đồng thời chuẩn bị tiếp đón và làm việc với thanh tra của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (trong trường hợp thanh tra sang kiểm tra từng doanh nghiệp trước khi cấp code). Khi doanh nghiệp và sản phẩm được chấp thuận, sẽ được cấp code và có tên trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Lúc ấy doanh nghiệp bắt đầu được xuất khẩu.

Cần lộ trình giám sát bò sữa nông hộ

Theo đại diện của một số doanh nghiệp tham dự cuộc họp, việc giám sát dịch bệnh theo yêu cầu của Nghị định thư xuất khẩu sữa từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có khó khăn ở các trại bò sữa của các nông hộ.

Bà Nguyễn Thị Nga (Phòng Phát triển nguyên liệu của Vinamilk), cho biết, Vinamilk hiện có khoảng 30 ngàn con bò sữa trong hệ thống trang trại mà công ty đầu tư, với sản lượng khoảng 350 tấn sữa nguyên liệu/ngày.

Bên cạnh đó, Vinamilk đang có hợp đồng thu mua sữa với khoảng 6.100 hộ ở 18 tỉnh, TP, tổng đàn bò khoảng 100 ngàn con, sản lượng 550 tấn/ngày. Các trại bò sữa của Vinamilk hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu giám sát dịch bệnh. Còn với các hộ chăn nuôi bò sữa, chỉ những hộ trên địa bàn TP.HCM thì có thể yên tâm, bởi TP đã được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh LMLM, lao, sẩy thai truyền nhiễm… với trâu bò, các tỉnh, TP khác mới chỉ tiêm phòng bệnh LMLM, không tiêm phòng và giám sát các bệnh khác theo quy định.

Trước thực trạng đó, ông Trần Minh Văn, GĐ Điều hành sản xuất của Vinamilk, cho rằng, cần phải có lộ trình giám sát dịch bệnh với bò sữa ở các nông hộ.

Theo đó, việc giám sát nên bắt đầu từ TP.HCM, Hà Nội và các địa phương có điều kiện rồi mới làm dần tới các địa phương khác. Chẳng hạn, tại những nơi có đặt trang trại, nhà máy của các doanh nghiệp, Cục Thú y sẽ tiến hành hướng dẫn quy trình giám sát để các nhà máy, trang trại đó làm tốt công tác giám sát dịch bệnh, từ đó, lan tỏa tới các nông hộ nuôi bò sữa trong vùng.

Việc giám sát dịch bệnh, giám sát an toàn thực phẩm, phải có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thú y và các doanh nghiệp sữa thì mới đạt được hiệu quả.

Theo Cục Thú y, quy định pháp luật về giám sát dịch bệnh, đã có Thông tư 07/2016/TT-BNN về tiêm phòng và giám sát định kỳ đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như LMLM, nhiệt thán, lao bò…, với những quy định chặt chẽ hơn so với yêu cầu của Trung Quốc. Bên cạnh đó đã có QCVN 151:2017 giám sát LMLM, sảy thai truyền nhiễm, lao bò, xoắn khuẩn.

Từ 2019 về trước chưa có chương trình quốc gia giám sát an toàn thực phẩm đối với sữa và sản phẩm sữa. Năm 2019 đã xây dựng chương trình quốc gia giám sát an toàn thực phẩm đối với sữa tươi nguyên liệu, trong đó giám sát 8 nhóm chất: A6, B1, B2a, B2e, B3a, B3b, B3c, B3d.

Theo NNVN



Báo cáo phân tích thị trường