Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Dự án chăn nuôi bò, chế biến sữa ở Thanh Hóa có thể xuất khẩu sữa ra thế giới
10 | 05 | 2019
Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp ở Thanh Hóa được kì vọng sẽ sản xuất ra dòng sữa sạch có thể xuất khẩu ra thế giới.

Thông tin từ Cục chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết chiều 8/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo nông dân đã tham dự Lễ khởi công "Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại hai xã Yên Mỹ và Công Bình, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa."

Đây là một trong những dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn ở lĩnh vực chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp. Ảnh: TTXVN.

Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại hai xã Yên Mỹ và Công Bình, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa do Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (Tập đoàn TH) đầu tư với tổng số vốn 3.800 tỉ đồng, qui mô nuôi khoảng 20.000 bò sữa và nhà máy chế biến sữa tập trung công suất 300 tấn/ngày.

Dự án quy hoạch sử dụng 1.354 ha đất; trong đó đất trang trại và xây dựng nhà máy chế biến sữa 165 ha, đất trồng cỏ 1.189 ha.

Ngoài ra, dự án cũng đi kèm với việc phát triển vùng nguyên liệu ở các huyện Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Thạch Thành…; liên kết cùng các huyện hỗ trợ máy thu hoạch lúa để sau thu hoạch có nguyên liệu rơm bán cho Tập đoàn nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho bò sữa.

Sản lượng sữa dự kiến cung cấp 166.000 tấn/năm

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, dự án này là một trong những sự kiện quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bởi thị phần của trường sữa tại Việt Nam còn rất lớn. Trong khi các cơ sở chế biến mới đáp ứng 50% nhu cầu sữa cho gần 100 triệu người.

Sau khi hoàn thành, cùng với các dự án chăn nuôi bò sữa của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thì dự án này sẽ nâng tổng đàn bò sữa công nghiệp tập trung tại tỉnh Thanh Hóa lên trên 42.000 con, sản lượng sữa dự kiến cung cấp 166.000 tấn/năm.

Dự án không chỉ sản xuất ra dòng sữa sạch cung cấp cho người dân Việt Nam mà còn xuất khẩu ra thế giới, Bộ trưởng cho biết.

Dự án được đầu tư sẽ tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng lớn. Ngoài ra, dự án còn tạo việc làm trực tiếp và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động tham gia vào quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi bò, chế biến sữa, tăng thu ngân sách Nhà nước, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, nâng cao đời sống của người chăn nuôi.

Dự án này cũng áp dụng công nghệ tiên tiến cho quy trình xử lí chất thải, khí thải, tăng cường diện tích cây xanh trong khuôn viên nhà máy và trang trại để giảm thiểu tác động đến môi trường.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường