Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá sữa thế giới tăng đạt mức cao nhất một năm
18 | 02 | 2019
Trên sàn thương mại sữa toàn cầu, trong phiên giao dịch lần đầu tiên của tháng 2/2019 (được tổ chức 2 lần/tháng) hôm 6/2/2019, chỉ số giá sữa GDT tăng đạt mức trung bình 3.265 USD/tấn, tăng 6,7% so với phiên trước đó (15/1/2019) – đây là phiên tăng thứ năm liên tiếp kể từ tháng 12/2018.

Trong phiên các chủng loại sản phẩm sữa đều tăng giá so với phiên trước, theo đó Casein tăng nhiều nhất 10,9% đạt 5.596 USD/tấn, đứng thứ hai là sữa bột nguyên kem tăng 8,4% đạt 3.027 USD/tấn, kế đến là sữa béo anhydrous tăng 5,8% đạt 5.579 USD/tấn; sữa bột tách kem tăng 3,9% đạt 2.534 USD/tấn; bơ tăng 4,2% đạt 4.445 USD/tấn; phomat Cheddar tăng 1,4% đạt 3.565 USD/tấn và lactose tăng 1,3% đạt 1.035 USD/tấn.

Duy chỉ có bơ sữa bột giảm 3,1% xuống còn 3.158 USD/tấn.

Phiên đấu giá sữa trên sàn thương mại toàn cầu được tổ chức 2 lần/tháng, phiên tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra ngày 19/2/2019.

Biến động chỉ số giá sữa trên sàn thương mại toàn cầu

Thông tin thị trường sữa tại một số thị trường trên thế giới

Dân Trung Quốc mất lòng tin vào sữa nội

Bê bối năm 2008 là bước ngoặt đối với người tiêu dùng Trung Quốc. Khoảng 300.000 trẻ bị đầu độc do một số nhà sản xuất bổ sung melamine - hóa chất dùng trong sản xuất nhựa - vào sữa bột nhằm mục đích tăng chỉ số hàm lượng protein. Ngày 22.1.2019 đánh dấu 10 năm những đối tượng phạm tội và che giấu vụ việc nhận án tử hình.

Dù chính quyền nỗ lực đổi mới quy định phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng người tiêu dùng khó mà quên bê bối chấn động và tha thứ. Một bà mẹ hai con tên Chen Jijie chia sẻ: “Sau 10 năm nữa thì tôi cũng sẽ không nghĩ tới chuyện dùng hàng nội. Vụ việc khiến tôi mất hoàn toàn lòng tin vào sữa sản xuất trong nước”.

Ngành sữa bột trị giá 27 tỷ USD của cường quốc châu Á đã tái định hình, trở thành “mỏ vàng” cho doanh nghiệp nước ngoài, trong khi nhãn hiệu nội địa gần như bị xóa sổ khỏi vị thế nắm giữ thị trường.

Với thị phần sữa bột tăng gấp 4 lần hậu bê bối, Nestle trở thành đơn vị dẫn đầu tại Trung Quốc. Doanh thu hằng năm của sữa A2 tại hai thị trường Úc và New Zealand tăng vọt từ 1,02 triệu USD lên 673 triệu USD. Người tiêu dùng đánh giá hàng ngoại an toàn hơn, chất lượng cao hơn, là dấu hiệu cho thấy gia đình khá giả.

Công ty phân tích dữ liệu Euromonitor International cho biết khi chỉ có 1/4 phụ nữ Trung Quốc cho con bú, thị trường sữa bột nước này sẽ mở rộng 21% (đạt 32 tỷ USD) vào năm 2023.

Nestle cùng với Danone (Pháp) tập trung vào đối tượng khách hàng là các bậc cha mẹ sống ở các thành phố hạng hai. Danone vì có ít cửa hàng bán lẻ ở vùng nông thôn nên thúc đẩy thương mại điện tử, còn Nestle xem xét phân phối sản phẩm phù hợp từng khu vực.

Đặc biệt, Nestle tuyên bố họ rất cẩn thận trong khâu chọn nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào. Trong năm 2014 công ty đã mở một viện chăn nuôi bò sữa ở đông bắc Trung Quốc, dạy nông dân sản xuất sữa an toàn với chất lượng cao.

Doanh nghiệp nội địa đang cố giành lại thị phần bằng giá rẻ và thay đổi nguồn cung. Y Lợi và Mông Ngưu, hai tập đoàn hàng đầu Trung Quốc có sản phẩm bị phát hiện nhiễm melamine 10 năm trước, chạy đua tìm nguồn sữa từ nước ngoài.

Mông Ngưu hiện bán một loại sữa có xuất xứ New Zealand mang tên Milk Deluxe, với hộp thiếc in hình một núi tuyết như dãy Alps. Nhà phân tích thị trường La Nghệ Hân của công ty Hua Thái đây là cách lấy lại lòng tin từ người tiêu dùng hiệu quả nhất trong ngắn hạn.

Trong số các nhà sản xuất sữa Trung Quốc, chỉ có Phi Hạc giành thêm được thị phần sau bê bối 2008. Doanh nghiệp này chiếm 8,6% thị phần trong nước vào năm 2017.

Thành công của Phi Hạc gắn liền với chiến dịch xây dựng thương hiệu. Cho đến năm 2013 họ vẫn niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York với tên American Dairy.

Sau khi dùng lại tên tiếng Trung rồi tư nhân hóa, sản phẩm bán chạy của công ty là Firmus luôn được nhấn mạnh có nguồn gốc từ Mỹ và Nhật Bản. Trên thực tế thì bò của hãng được nuôi tại tỉnh Hắc Long Giang. Phi Hạc còn khẳng định luôn nỗ lực cải thiện công nghệ, tăng cường liên kết làm ăn với đơn vị quốc tế.

Sản phẩm làm ra và đóng gói tại nước ngoài có thể bán với giá gấp đôi sữa nội. Bê bối 2008 mở ra kênh làm ăn mới cho Úc với New Zealand: bán qua mạng. Từ Sydney đến Adelaide, những người mua hàng thuê dọn sạch nhiều siêu thị để bán lại cho các bậc cha mẹ Trung Quốc kiếm lời.

Sữa A2 trở thành mặt hàng được ưa thích hàng đầu. Nhu cầu mua loại sữa này chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, bất chấp giới chức Trung Quốc siết chặt quy định kiểm soát thương mại điện tử để có thể thu thuế.

Doanh nghiệp Trung Quốc đặt hy vọng tăng trưởng vào đối tượng khách hàng là tầng lớp phụ huynh trẻ với thu nhập thấp hơn, những người ít bị bê bối 2008 ảnh hưởng. Tuy nhiên, họ đã vĩnh viễn mất đi nhóm khách hàng như Chen Jijie.

Hàn Quốc họp khẩn để ngăn lây lan bệnh lở mồm long móng ở bò sữa

Theo phóng viên TTXVN tại Seuol, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-you ngày 29/1 tiến hành họp khẩn nhằm tìm kiếm biện pháp ngăn chặn sự lây lan của bệnh lở mồm long móng (FMD) bùng phát tại một trang trại bò sữa ở khu vực Anseong, cách thủ đô Seoul chưa đến 80 km về phía Nam.

Thủ tướng Lee Nak-yon cho biết cần phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch nói trên và kêu gọi người dân thận trọng hơn vì trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới là thời điểm nhiều người dân Hàn Quốc sẽ về thăm quê.

Theo Thủ tướng Lee Nak-yon, nếu không tiến hành những biện pháp phòng ngừa ngay ở giai đoạn đầu khi bệnh mới được phát hiện, bệnh dịch có thể lây lan mạnh hơn trong dịp kỳ nghỉ sắp tới. Bên cạnh đó, Thủ tướng Lee cũng kêu gọi tiến hành phòng cho các gia súc tại các trang trại ở gần khu vực Anseong để tránh lây lan.

Trước đó, giới chức kiểm dịch của tỉnh Gyeonggi cho biết tất cả các gia súc tại trang trại bùng phát bệnh sẽ bị tiêu hủy để phòng bệnh lây lan. Ngoài ra, gia súc tại 8 trang trại khác ở khu vực cách trang trại trên gần 500 mét cũng có thể bị tiêu hủy. Nhà chức trách đã áp dụng biện pháp cách ly trong 24 giờ đối với tất cả 82 trang trại trong phạm vi 3 km từ trang trại trên.

Canada loại bỏ sữa khỏi nhóm dinh dưỡng quan trọng

Canada mới đây đã đề xuất một hướng dẫn thực phẩm mới, trong đó điều đáng chú ý là họ cắt sữa ra khỏi nhóm dinh dưỡng quan trọng.

Theo BBC, sữa từ lâu đã có vai trò quan trọng trong chính sách y tế của Canada và các nền văn hóa phương Tây khác. Kể từ khi bản hướng dẫn thực phẩm được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1942, người Canada đã được khuyến khích ăn hoặc uống nhiều sữa mỗi ngày.

Tuy nhiên bản hướng dẫn thực phẩm mới nhất được Canada công bố đã có sự thay đổi. Thay vì khuyến nghị người dân với số lượng cụ thể, họ loại bỏ sữa và thay thế với các loại protein khác. Người Canada được khuyên nên ăn khẩu phần với 1/2 lượng trái cây và rau quả, 1/4 lượng tinh bột hoặc ngũ cốc và 1/4 với protein.

Cụ thể, hướng dẫn thực phẩm của Canada chỉ có 3 nhóm thực phẩm gồm các loại rau và trái cây; ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu protein. Trong đó, loại bỏ nhóm thực phẩm thịt (cùng các sản phẩm từ thịt) và sữa (cùng các sản phẩm từ sữa). Đồng thời, hướng dẫn cũng loại bỏ khuyến nghị người lớn và trẻ em tiêu thụ 2-3 khẩu phần thịt và sữa hàng ngày.

Hướng dẫn thực phẩm mới cũng cho rằng sữa chocolate, ngoài nước trái cây, là thủ phạm trong cuộc khủng hoảng béo phì ngày càng gia tăng ở trẻ em. Trong nhiều thập kỷ, các bậc cha mẹ đã cho con cái họ uống sữa có hương vị như là cách để lôi kéo trẻ tiêu thụ sữa. Hướng dẫn mới cho rằng lượng đường trong đó lại nhiều hơn lợi các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Nghiên cứu gần đây cho thấy phần lớn lượng đường trẻ em tiêu thụ đến từ đồ uống.

Hưỡng dẫn mới này đưa ra vào thời điểm nhiều người Canada đang cắt giảm thịt và sữa vì lý do môi trường, sức khỏe hoặc đạo đức.

Nguồn: globaldairy, SCMP, dairyvietnam



Báo cáo phân tích thị trường