60% sữa phải nhập khẩu
Tại hội nghị về triển vọng ngành sữa diễn ra vào ngày 24/9 tại Hà Nội, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết hầu hết ông lớn trong ngành sữa như New Zealand hay Australia đều thuộc nhóm nước đã kí hiệp định CPTPP hay EVFTA.
"Sữa, đường được coi là hai ngành có thế yếu của Việt Nam khi tham gia hội nhập. Nếu chúng ta mở cửa quá nhanh sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh.
Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là thị trường cực kì hấp dẫn đối với các nước xuất khẩu sữa", ông Thắng nhận định.
Ông Thắng cũng chỉ ra trong những năm gần đây, ngành sữa tăng trưởng đều, trung bình 10% và ít ngành có thể đạt mức tăng trưởng như vậy. Tuy nhiên, so sánh với các nước thuộc nhóm CPTPP hay EVFTA, ngành sữa của Việt Nam vẫn còn quá nhỏ.
Chi phí sản xuất sữa bò của Liên minh châu Âu (EU) khoảng 5.500 - 6.500 đồng/lít trong khi ở Việt Nam là 9.500 - 10.000 đồng/lít.
Trao đổi với người viết, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết mặc dù sản lượng sữa Việt Nam tăng trong những năm gần đây nhưng cũng chỉ đáp ứng 40% nhu cầu trong nước; 60% còn lại vẫn phải nhập khẩu, chủ yếu là sữa bột.
Hiện tại, nhu cầu sữa trong nước khoảng 10 kg/người/năm.
Ông Thắng cũng chỉ ra thách thức lớn nhất là khi hội nhập, thuế nhập khẩu sữa bột càng rẻ hơn và nhiều doanh nghiệp có xu hướng sản xuất sữa hoàn nguyên (sữa bột pha nước) thay vì sữa tươi bởi chi phí sản xuất rẻ.
Theo đó, để sản xuất sữa hoàn nguyên từ sữa bột chỉ mất 5.000 - 6.000 đồng/lít trong khi chi phí sản xuất sữa tươi là 7.000 đồng/lit.
"Để đầu tư xây dựng hệ thống chuỗi sản xuất sữa tươi rất tổn kém, rất có thể doanh nghiệp không kiếm được lợi nhuận. Nếu không có chính sách, có thể doanh nghiệp phải bỏ cuộc, không thể cạnh tranh được.
Trong khi đó, chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tốt, nếu không có hỗ trợ tốt, rất có thể nhiều hộ sẽ bỏ", ông Thắng nói.
Áp lực thị trường sữa trong nước dường như càng tăng khi một ông lớn trong ngành đồ uống như Coca Cola cũng bắt đầu "nhảy" vào thị trường sữa.
Theo đó, ngày 13/4, Coca Cola Đông Dương, Coca Cola Việt Nam và "gã khổng lồ" ngành sữa Fonterra (New Zealand) đã chính thức công bố hợp tác chiến lược ra mắt dòng sản phẩm sữa với thương hiệu Nutriboost.
Đây là dòng sữa trái cây với 95% thành phần là sữa tươi.
Việt Nam cũng là thị trường đầu tiên trên toàn cầu được Coca Cola chọn ra mắt sản phẩm này.
Chia sẻ với người viết, ông Chinh nhận định rằng Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với 13 FTA đã kí và sắp tới có thêm nhiều FTA nữa, vì vậy phải chấp nhận cạnh tranh ngay trên nhà và quốc tế.
Việc Coca Cola chuyển sang một số sản phẩm sữa lỏng là điều hết sức bình thương, coi như là thách thức để từ đó tạo động lực để chúng ta cải tiến.
Mặc dù vậy, ông Chinh cũng lạc quan rằng Coca Cola mặc dù là một trong những ông lớn dẫn đầu lĩnh vực nước giải khát nhưng với sữa, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam, thì họ chỉ là doanh nghiệp mới tham gia vào ngành.
"Coca Cola không phải là vấn lớn đối với doanh nghiệp sữa Việt Nam, do công ty này chưa có nhiều kinh nghiệm, uy tín thị trường sữa như các doanh nghiệp trong nước.
Có thể với những doanh nghiệp khác họ doanh nghiệp đi đầu nhưng với ngành sữa họ chỉ là doanh nghiệp mới bước chân vào ngành", ông Chinh nói.
|
Nguồn: Q&Me, CTCK Rồng Việt |
"Vũ khí" mới để ra trận
"Vũ khí" ngành sữa Việt Nam lại nằm trong chính tập quán của người tiêu dùng trong nước là thích đồ tươi.
Ông Thắng cho biết do khoảng cách địa lí và đặc tính bảo quản nên các công ty nước ngoài khó xuất khẩu sữa tươi vào Việt Nam. Do đó, đây là lợi thế của của ngành sữa trong nước.
Để làm rõ hơn vấn đề này, trao đổi với người viết, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chăn nuôi Chế biến và Xuất nhập khẩu (APROCIMEX) cho biết sữa tươi tốt nhất và giữ được hàm lượng chất dinh dưỡng cao nhất là trong vòng 7 ngày kể từ khi khai thác.
Trong khi đó, sữa nước ngoài xuất khẩu vào Việt Nam mất ít nhất 2 - 3 tháng do các thủ tục phức tạp và khoảng cách địa lí, thời gian lưu kho bãi.
Đối với sữa Việt Nam, ví dụ như sữa Mộc Châu, người dân vắt sữa bò từ tối hôm trước chuyển luôn ra nhà máy. Ngay sau đó, nhà máy chế biến và sáng hôm sau có thể tung ra thị trường luôn. Tiền thu về chỉ sau 3 ngày.
"Mặc dù sữa Việt Nam đắt hơn sữa nhập khẩu nhưng chúng ta có lợi thế đảm bảo được tính 'tươi' cho sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Việc cần làm là doanh nghiệp cùng vời người nông dân cần nâng cao năng suất để hạ giá thành bằng việc thay đổi con giống, phương pháp, kĩ thuật chăn nuôi", ông Lý nhận định.
Ngoài ra, các ông lớn ngành sữa Việt Nam cũng đã bắt đầu "đánh" vào thị trường sữa cao cấp như sữa organic hay các sản phẩm sữa hạt.
Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn tới sức khỏe bản thân, gia tăng nhận thức về các sản phẩm dinh dưỡng.
Vì thế, nhu cầu sử dụng các sản phẩm sữa chua, sữa nước cao cấp (organic, sữa A2) và các loại sữa thay thế từ thực vật (sữa óc chó, sữa đậu nành, sữa macca) đang ngày càng gia tăng.
VDSC cho rằng ưu thế sẽ thuộc về các doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để đón đầu cơ hội.
Các doanh nghiệp tiên phong như Vinamilk, TH True Milk sẽ có lợi thế hơn các đối thủ trong ngành khi đã sở hữu được hệ thống nhà máy sữa đạt chuẩn quốc tế, cho ra mắt các dòng sản phẩm cao cấp phù hợp với nhu cầu thị trường.
Theo báo cáo thường niên 2018 của Vinamilk, năm 2017, công ty đã khánh thành và đưa vào hoạt động trang trại Organic đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức Control Union của Hà Lan chứng nhận theo tiêu chuẩn Organic của châu Âu với qui mô 1.000 con.
Sang năm 2018, công ty tiếp tục xây dựng một trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn organic châu Âu khác tại Đà Lạt với qui mô 1.000 con. Trong năm 2018, 5 nhà máy đã hoàn tất việc đánh giá tiêu organic mới.
Đối với TH True Milk, trang trại bò sữa hữu cơ TH và toàn chuỗi sản xuất được cấp chứng nhận hữu cơ Châu Âu EC.
Năm 2018, TH True Milk chiếm khoảng 40% thị phần sữa tươi Việt Nam, đứng sau Vinamilk là 58%. Sản lượng sữa của TH True Milk tăng 22%, đồng thời tập đoàn đầu tư 2,7 tỉ USD xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Nga.
Chuyển dịch cơ cấu vẫn còn là một con đường dài
Theo đánh giá của VDSC, việc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm mất nhiều thời gian để thực hiện. Dòng sản phẩm sữa cao cấp vẫn còn chiếm tỉ trọng khá nhỏ trong tổng sản lượng sữa cung ứng toàn ngành.
Trong khi đó, 70% sản lượng sữa nước sản xuất tại Việt Nam hiện nay là từ sữa hoàn nguyên truyền thống, với giá trị dinh dưỡng thấp hơn nhiều các loại sữa tươi nguyên chất.
Việc nâng cao nhận thức tiêu dùng từ khách hàng đã kéo theo việc giảm nhu cầu tiêu thụ sữa hoàn nguyên. Nếu sự chuyển dịch cao cấp hóa dòng sản phẩm này diễn ra chậm hơn so với dự kiến, tổng sản lượng sữa tiêu thụ toàn ngành sẽ tiếp tục suy giảm.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng