Bất chấp đà tăng trưởng kinh tế đang chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, người dân nước này đang tiêu thụ nhiều sữa và các sản phẩm từ sữa dưới dạng bánh ngọt và đồ uống như trà phủ kem và phô mai.
Các sản phẩm sữa truyền thống vốn không đóng vai trò lớn trong ẩm thực Trung Quốc, nhưng người dân nước này đang uống ngày càng nhiều sữa hơn và cũng ưa thích hơn các món tráng miệng đầy kem và kết hợp phô mai vào các thực phẩm hàng ngày.
Giá bán buôn của sữa bột tách kem (skim-milk, loại sữa có hàm lượng chất béo thấp) đã tăng lần lượt 31%, 39% và 49% ở thị trường Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương. Đây là một thành phần phổ biến trong kem, sôcôla, bánh ngọt và bánh mỳ.
Trong tháng 11/2019, giá trung bình của sữa bột tách bơ ở cả ba khu vực trên là 2.683 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 10/2014, theo dữ liệu của Hội đồng xuất khẩu sữa Mỹ.
Trong khi đó, giá sữa bột nguyên kem (whole-milk) tăng khoảng 14% so với một năm trước.
Xu hướng này được ghi nhận từ khá sớm nhờ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm có chứa hàm lượng chất béo tự nhiên trên toàn cầu ngày càng tăng.
Cả hai loại sữa bột đều được sử dụng với số lượng lớn và một số nhà chế biến thực phẩm kết hợp sữa tách kem và dầu ăn để mô phỏng thành phần chất béo của sữa nguyên kem.
Giá bơ sữa tăng là tin tốt đối với những người chăn nuôi bò sữa trên toàn cầu, vốn đã gặp khó khăn trong nhiều năm vì lợi nhuận thấp và tình trạng dư cung ở một số khu vực.
Trong năm 2016, các nông trại chăn nuôi bò sữa ở Mỹ đã phải đổ bỏ hàng trăm triệu lít sữa trong bối cảnh nguồn cung dư thừa đẩy giá sữa xuống thấp.
Giờ đây, Trung Quốc cần đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng sữa tăng cao bằng cách đẩy mạnh nhập khẩu.
Quốc gia này cũng là khách hàng lớn của mặt hàng sữa bột công thức cho trẻ em và các thực phẩm khác sau một số vụ bê bối liên quan đến sữa nội địa bị nhiễm độc.
Trong khoảng thời gian từ tháng 1-8/2019, Trung Quốc đã nhập khẩu thêm khoảng 1/3 sữa bột tách kem và các sản phẩm kem sữa so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu sữa bột nguyên kem tăng 23%, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc. Sản xuất của Trung Quốc phần lớn duy trì ổn định trong nửa đầu năm nay.
Một số nhà phân tích khá bất ngờ với diễn biến này, bởi trước đó họ lo ngại rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại có thể làm giảm nhu cầu sữa ở nước này.
Mỹ không phải là nhà cung cấp sữa bột hàng đầu cho thị trường Trung Quốc. Mặc dù vậy, các nhà sản xuất sữa của Mỹ đang được hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc cũng như các khu vực khác ở châu Á, bên cạnh việc giá bán buôn cao hơn.
Alyssa Badger, Giám đốc phụ trách thị trường toàn cầu tại HighGround Dairy, một công ty tư vấn có trụ sở tại Chicago cho biết, các trang trại bò sữa ở châu Âu có khả năng giảm sản lượng vào năm 2020, điều này có thể tạo cơ hội cho nông dân Mỹ.
Ngành sản xuất sữa toàn cầu đã đối mặt với một số áp lực trong năm nay do các điều kiện bất lợi ở Australia và Bắc Âu.
Chi phí thức ăn cao hơn đã phần nào hạn chế sản lượng sữa. Trong khi đó, kho dự trữ sữa bột tách kem khổng lồ mà Liên minh châu Âu bắt đầu tích lũy từ năm 2015 để hỗ trợ nông dân trong khu vực, đã được bán phần lớn ở thị trường nội địa, thị trường Trung Quốc và các nước ở châu Phi và châu Á.
Điều này là yếu tố khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.
Tập đoàn sữa Fonterra Dairy có trụ sở tại New Zealand, nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, là một trong những công ty hưởng lợi lớn nhất từ "cơn khát" các sản phẩm sữa nhập khẩu của Trung Quốc.
Quốc gia châu Á này là một trong những khách hàng lớn nhất của Fonterra. Vào cuối tháng Mười, công ty này cho hay giá bán sữa bột tách kem của họ cao hơn so với các công ty sữa ở châu Âu và Mỹ, và dự kiến doanh số bán sữa bột nguyên kem sẽ đi lên.
Cho đến nay, việc tỷ lệ không dung nạp lactose (nghĩa là cơ thể không sản xuất đủ enzym lactase để tiêu hóa lactose - loại đường chính trong sữa bò và các sản phẩm từ sữa) tại Trung Quốc tương đối cao không phải là một trở ngại lớn đối với việc tiêu thụ sữa của nước này.
Theo Viện Y tế Quốc gia, tỷ lệ những người không dung nạp lactose ở người trưởng thành phổ biến nhất ở những người gốc Đông Á, từ 70% đến 100%. Đây là con số khá lớn nếu so sánh với tỷ lệ 5% trong số những người gốc Bắc Âu.
BNews/TTXVN