Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sẵn sàng xuất khẩu trực tiếp vải thiều sang Nhật trong vụ vải 2020
14 | 02 | 2020
Việc Nhật Bản chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này trong niên vụ 2020 là tin vui cho người nông dân trồng vải và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Sẵn sàng xuất khẩu trực tiếp vải thiều sang Nhật trong vụ vải 2020 - Ảnh 1.

Huyện Thanh Hà được mệnh danh thủ phủ của quả vải thiều với khoảng 4.000ha vải

Được biết, từ tháng 12/2019, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã thông báo cho Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam) về việc nước này mở cửa thị trường cho quả vải thiều của Việt Nam kèm theo các qui định về kiểm dịch thực vật đối với vải thiều nhập khẩu.

Theo đó, quả vải thiều sẽ là mặt hàng hoa quả tươi thứ 4 của Việt Nam sau thanh long, xoài và chuối được phép nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản - một trong những thị trường có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khe nhất thế giới.

Hiện, tỉnh Hải Dương đã khẩn trương hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường Nhật Bản trong vụ vải 2020 và các năm tiếp theo.

Toàn tỉnh Hải Dương, có khoảng 10.000ha vải, tập trung ở huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh; trong đó, trên 300ha vải được chứng nhận VietGAP; trên 80% diện tích vải Hải Dương được sản xuất theo quy trình VietGAP. Riêng huyện Thanh Hà, nơi được mệnh danh thủ phủ của quả vải thiều với khoảng 4.000ha vải, trong đó, xã Thanh Thủy (Thanh Hà) có 342ha vải; trong đó, 85ha vải sớm. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, năng suất vải trung bình đạt khoảng 11 tấn/ha, cho lợi nhuận 150-160 triệu/ha.

Ông Trịnh Văn Thiện, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, vải thiều hiện là cây trồng chủ lực của huyện. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền huyện đã làm tốt công tác chỉ đạo, định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị cao. Cụ thể, quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn quả; có chính sách hỗ trợ sản xuất có hiệu quả; đẩy mạnh sản xuất theo mô hình hữu cơ, VietGap, Global GAP để nâng cao giá trị quả vải và đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương, Sở đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh là hai địa phương trồng vải trọng điểm của tỉnh thực hiện việc rà soát, đăng ký mới vùng trồng vải xuất khẩu năm 2020.

Các địa phương khi đăng ký mới các vùng trồng vải xuất khẩu đi Nhật Bản phải lưu ý diện tích đăng ký tối thiểu 5ha/vùng mã số, tỷ lệ vải ra hoa tại vùng đăng ký cấp mã số đạt từ 70% trở lên và người dân cần có ý thức chấp hành tốt các quy định của vùng xuất khẩu vải đi Nhật, chấp hành nghiêm hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Theo đại diện Chi Cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương cho biết, Chi Cục đã phối hợp với các phòng trồng trọt và cơ quan chuyên môn cấp huyện để kiểm tra, rà soát, tổng hợp thông tin, báo cáo Cục Bảo vệ thực vật và mời chuyên gia xuống các vùng đăng ký để đánh giá, cấp mã số. Dự kiến sẽ hoàn thành việc cấp mã số vùng trồng trong tháng 2/2020.

Được biết, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang Nhật, Chi Cục Bảo vệ thực vật Hải Dương đã gửi thông báo tới các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất khẩu nông sản trên địa bàn và sẽ hỗ trợ tối đa và tổ chức kết nối doanh nghiệp với các vùng trồng, quản lý kiểm dịch thực vật cho vải trước khi xuất khẩu; hỗ trợ giám sát vùng trồng và các điều kiện cần thiết khác cho việc xuất khẩu vải sang Nhật Bản.

Theo đó, đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm tới thị trường này như: Công ty CP nông sản Hưng Việt, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Rồng Đỏ… Hiện, các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu về bảo quản, đóng gói vải xuất khẩu đúng quy định.

Tại Bắc Giang, riêng huyện Lục Ngạn có khoảng 28.000 ha vải thiều, trong đó 50% diện tích đã áp dụng quy trình canh tác theo hướng VietGap.

Được biết, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương rà soát các yêu cầu, điều kiện, hướng dẫn sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường Nhật Bản. Theo đó, tỉnh Bắc Giang cũng chuẩn bị các phương án liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để chủ động tiếp cận thị trường, sẵn sàng cho việc xuất khẩu ngay từ vụ vải 2020.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái, tỉnh đã sẵn sàng các giải pháp căn cơ để vụ vải tới đưa được quả vải sang thị trường Nhật Bản. Bắc Giang sẽ làm tốt khâu sản xuất quả vải đạt tiêu chuẩn và đóng gói bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của thị trường này.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ khâu kết nối với các doanh nghiệp có điều kiện đưa vải quả vào phân phối tại thị trường Nhật Bản, trước mắt mời giúp hệ thống siêu thị AEON làm việc, ký kết với tỉnh Bắc Giang xuất khẩu vải thiều vào thị trường Nhật Bản vào năm 2020.

Để tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt cần phối hợp với người dân trồng vải phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, việc vải quả tươi thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam mở thêm những cánh cửa xuất khẩu sang các nước phát triển khác. Cùng với đó, giúp các doanh nghiệp nông sản Việt hạn chế phụ thuộc vào một thị trường.

Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt lưu ý về khâu kiểm dịch bởi vì, bất cứ lô vải thiều tươi nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định của Nhật Bản đều sẽ bị trả lại hoặc bị tiêu hủy cho dù lô hàng này đã được xử lý côn trùng.

 



Báo cáo phân tích thị trường