Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gỗ vào Mỹ có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá
30 | 03 | 2020
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Liên minh thương mại công bằng gỗ dán cứng Mỹ đã đưa đơn đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ ván ép gỗ cứng xuất khẩu từ Việt Nam. Hiện, các doanh nghiệp gỗ dán Việt Nam như ngồi trên lửa.

Từ tháng 1/2018, DOC áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên các sản phẩm gỗ dán cứng có xuất xứ từ Trung Quốc, mức thuế chống bán phá giá là 183,36% và mức thuế chống trợ cấp là 22,98 - 194,9%. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ván ép gỗ cứng của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm nhanh, từ khoảng 800 triệu USD năm 2018 xuống còn khoảng 300 triệu USD năm 2019. 

Phía Mỹ nghi ngờ 5 hành vi

Liên minh thương mại công bằng gỗ dán cứng Mỹ cáo buộc các nhà sản xuất của Trung Quốc đã chuyển các phần của sản phẩm này sang Việt Nam để thực hiện việc lắp ráp và tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ. Các nhà máy lắp ráp sản phẩm gỗ dán cứng tại Việt Nam và nhà máy sản xuất tại Trung Quốc là các công ty liên kết thực hiện hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc. Sản phẩm gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam tăng lên nhanh chóng từ 63 triệu USD năm 2017, đã vọt lên 309 triệu USD năm 2019. 

Hiện, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ tại Việt Nam đang “đứng ngồi không yên” khi nghe thông tin bị kiện. Vifores nhận định, chưa biết liệu các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp FDI, có lẩn tránh các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ hay không, vì còn phụ thuộc vào tình hình thực tế của từng doanh nghiệp. Thế nhưng, nếu DOC thụ lý vụ kiện này sẽ có hệ lụy rất lớn đối với ngành gỗ. 

Nếu doanh nghiệp Việt Nam không tham gia vụ kiện, hoặc tham gia nhưng không chứng minh được mình không liên quan đến việc lẩn tránh, thì thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp hiện nay đang áp dụng cho Trung Quốc, thuế chống bán phá giá là 183%, thuế chống trợ cấp là từ 22,98 – 194,9% sẽ được áp tương ứng cho doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu bị áp ở mức thuế đó chắc chắn sẽ không còn bất kỳ cơ hội nào để xuất khẩu vào thị trường Mỹ. 

Vifores cho hay, phía Mỹ đã thông tin cho ngành gỗ Việt Nam rằng, nếu họ tìm thấy bằng chứng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ tại Việt Nam diễn ra một trong 5 hành vi dưới đây thì sẽ khép vào vi phạm luật pháp của Mỹ: Một là, doanh nghiệp nhập gỗ ván ép thành phẩm từ Trung Quốc, đóng bao bì nhãn mác Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ. Hai là, doanh nghiệp nhập cốt, giấy dán mặt từ Trung Quốc, thực hiện dán mặt, đóng bao bì nhãn mác Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ. Ba là, doanh nghiệp mua ván cốt từ các xưởng sản xuất nhỏ tại Việt Nam, nhập giấy dán mặt từ Trung Quốc, thực hiện dán mặt, đóng bao bì nhãn mác Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ (không phù hợp tiêu chuẩn CARB-II). Bốn là, doanh nghiệp nhập ván bạch dương 1.7mm-2.0mm đã dán sẵn mặt Birch từ Trung Quốc, mua ván cốt từ các xưởng sản xuất nhỏ tại Việt Nam, thực hiện tăng lớp, đóng bao bì nhãn mác Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ (không phù hợp tiêu chuẩn CARB-II). Năm là, doanh nghiệp mua toàn bộ nguyên vật liệu (ván bóc, giấy dán mặt,…) từ Trung Quốc, sản xuất tại Việt Nam, đóng bao bì nhãn mác Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ (không phù hợp tiêu chuẩn sản phẩm Made in Vietnam). 

Kinh nghiệm ở ngành thép cho thấy việc tham gia đầy đủ vào vụ kiện sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Để ứng phó với tình hình này, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest nhận định có 3 việc cần làm ngay. Thứ nhất, các doanh nghiệp gỗ dán cần tận dụng thời gian để xem xét lại hồ sơ, chứng từ liên quan đến sản phẩm gỗ dán xuất khẩu vào Mỹ. Thứ hai, các bộ ngành liên quan và các địa phương rà soát và kiểm tra để loại bỏ những dự án núp bóng đầu tư để giả mạo xuất xứ, đồng thời khởi động một chương trình tăng cường kiến thức phòng vệ thương mại, hướng dẫn xây dựng mẫu báo cáo đạt chuẩn theo yêu cầu của Mỹ. Thứ ba, Bộ Công Thương và VCCI, hai đơn vị chịu trách nhiệm cấp C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu, cần siết chặt hoạt động xuất khẩu gỗ dán đi Mỹ, đặc biệt cấp C/O cho các doanh nghiệp FDI có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Xuất khẩu gỗ bắt đầu “ngấm đòn” Covid-19

Trong 2 tháng đầu năm 2020, lâm sản là một trong số ít mặt hàng có sự tăng trưởng cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 1,53 tỷ USD (tăng 10,1%). Tuy nhiên, tác động của dịch Covid 19 cũng đã tạo ra những hệ lụy đầu tiên với ngành dăm gỗ, khi xuất khẩu gỗ trong tháng 3/2020 đã ngừng tăng trưởng. 

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Vifores cho hay, các thị trường trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật… hiện đang diễn biến phức tạp về dịch bệnh ảnh hưởng mạnh đến khả năng nhận hàng, phân phối và tiêu thụ đồ gỗ tại các thị trường này. Hiện, rất nhiều đối tác khách hàng nhập khẩu gỗ ở EU và Mỹ đã gửi thư cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam, đề nghị chậm giao hàng theo đơn hàng đã ký, chậm thanh toán tiền hàng vì nhân viên phải nghỉ tránh dịch bệnh. Dự báo, việc ký các đơn hàng mới sẽ bị chậm từ 3 - 6 tháng do lo ngại dịch bệnh. 

Về gỗ nguyên liệu, do khó khăn về logistics, container và tàu biển vận chuyển đã đẩy giá bán nguyên liệu tăng lên từ 2 - 3 USD/m3. 

“Những tác động từ dịch viêm phổi cấp Covid-19 chắc chắn sẽ trở thành một trong những thách thức lớn đối với ngành gỗ trong năm 2020, một thách thức ngoài dự kiến và không mang tới những dự cảm tốt lành, có thể sẽ khiến những mục tiêu của ngành trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Trước đó, Tổng cục Lâm nghiệp đặt ra mục tiêu cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 phải đạt 12,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới hiện nay, xuất khẩu đồ gỗ đứng trước nguy cơ suy giảm về kim ngạch lần đầu tiên trong 20 năm qua”, ông Hoài bày tỏ sự lo ngại. 

Vifores kiến nghị Nhà nước có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ: bỏ thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ từ 2% xuống còn 0% đến hết năm 2020 để thúc đẩy xuất khẩu và giảm ảnh hưởng dây chuyển tới doanh nghiệp và hộ dân trồng rừng. Đối với mặt hàng gỗ xẻ xuất khẩu hiện nay đang áp thuế 25%, đề nghị giảm xuống 0% đối với mặt hàng này làm từ gỗ nhập khẩu. Đồng thời kiến nghị trả chậm thuế VAT nhập khẩu nguyên liệu gỗ nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ thêm 3 - 6 tháng, không tính lãi suất phạt quá hạn. 

Theo Thời báo Kinh doanh



Báo cáo phân tích thị trường