|
Thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 2 tháng đầu năm 2020. Nguồn: Bộ Công thương/ Tổng cục Hải quan. |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 2/2020 đạt 746,5 triệu USD, tăng 86,4% so với tháng 2/2019. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 530,6 triệu USD, tăng hơn 102% so với tháng 2/2019.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,57 tỉ USD, tăng 13,8%. Xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,13 tỉ USD, tăng gần 14% so với cùng kì năm 2019.
Trong bối cảnh dịch COID-19 bùng phát tại Trung Quốc, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động rất lớn, nhưng ngành gỗ vẫn chưa bị ảnh hưởng, xuất khẩu vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khả quan trong 2 tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương đánh giá.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 hiện tại đã lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ… điều này sẽ gây tác động tiêu cực tới ngành gỗ trong thời gian tới.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang các thị trường chính đều đạt tốc độ tăng trưởng khá, trừ thị trường Hàn Quốc, Anh, Australia.
Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2020, với trị giá xuất khẩu đạt 807,9 triệu USD, tăng 27% so với cùng kì năm ngoái.
Theo Bộ Công Thương việc Chính phủ Mỹ đã chính thức đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển vào đầu tháng 2/2020, sẽ tạo ra những tác động tới việc xuất khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm của Việt Nam vào thị trường này.
Đáng chú ý, mặc dù ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn tăng hơn 19% trong 2 tháng đầu năm 2020.
Nguyên nhân hầu hết xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ yếu qua đường biển nên chưa chịu tác động lớn.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chủ yếu bằng đường biển qua các cảng như: Cát Lái – TPHCM, Quy Nhơn – Bình Định, Hào Hưng – Quảng Ngãi, Nghi Sơn - Thanh Hóa.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng