Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cà phê có thể quay trở lại đà phục hồi?
07 | 04 | 2020
Cục Chế biến vá Phát triển Thị trường Nông sản nhận định giá cà phê sẽ trở lại đà hồi phục do lo ngại nguồn cung tạm thời bị gián đoạn. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu đình trệ khắp nơi do dịch bệnh, nhiều cảng phải đóng cửa sẽ khiến giá cà phê chưa thể phục hồi nhanh chóng.

Xuất khẩu cà phê quí I giảm

Thê Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu cà phê tháng 3 ước đạt 154 nghìn tấn với giá trị đạt 261 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2020 đạt 474 nghìn tấn và 801 triệu USD, giảm 3% về khối lượng và giảm 5,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. 

Theo số liệu đến hết 15/3, Đức, Mỹ và Italy tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 15,1% (121,29 triệu USD), 10% (80,62 triệu USD) và 9,5% (76,91 triệu USD). 

Lũy kế giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh tại thị trường Ba Lan (đạt 12,31 triệu USD, tăng 77,3%) và ngược lại giá trị xuất  khẩu cà phê giảm mạnh nhất tại thị trường Anh (đạt 13,55 triệu USD, giảm 50,8%). 

Giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2020 đạt 1.692 USD/tấn, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. 

Tháng 3, thị trường cà phê trong nước biến động giảm cùng xu hướng thị trường thế giới. So với tháng 2/2020, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 600 – 800 đồng/kg xuống mức 30.500 – 30.700 đồng/kg. 

So với cuối năm 2019, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 1.600 – 2.100 đồng/kg. Trong nửa cuối tháng 3, giá cà phê tăng nhẹ trong bối cảnh nguồn cung suy giảm do niên vụ 2019/20 sản xuất cà phê đối mặt với tình trạng hạn hán, dẫn đến sản lượng giảm. 

Tây Nguyên trải qua đợt hạn ảnh hưởng đến sản xuất cà phê

Bộ Công Thương cho biết từ đầu mùa khô đến nay, tình trạng thiếu nước tưới đang diễn ra ở nhiều địa phương của tỉnh Đắk Nông.

Theo báo cáo của UBND huyện Đắk Mil, toàn huyện có 42 công trình hồ đập thủy lợi, đến nay đã có 5 hồ cạn nước, gần 20 công trình không đủ nước tưới đợt 3.

Dự kiến đầu tháng 4 vẫn chưa có mưa, trên địa bàn huyện sẽ có khoảng 4.766 ha cây trồng thiếu nước tưới và khoảng 732 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.

Tại huyện Krông Nô, đến nay đã có hơn 300 ha cà phê tại xã Nam Xuân và xã Đắk Sôr thiếu nước tưới do nắng nóng kéo dài, nguồn nước từ nhiều khe suối, ao hồ đã cạn kiệt. Thiếu nước, cây trồng cho năng suất thấp hoặc chết khô.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đăk Nông, mùa khô năm nay sẽ khắc nghiệt hơn so với mấy năm trước, các huyện phía Bắc gồm Cư Jut, Krông Nô, Đắk Mil nguy cơ hạn hán cao.

Nếu tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài, dự báo trong 2 tháng tới ở các huyện này sẽ có khoảng gần chục nghìn ha cây trồng thiếu nước tưới.

Giá cà phê có thể phục hồi trở lại

Trong tháng 3, giá cà phê thế giới biến động giảm. So với tháng trước, giá cà phê robusta giao tháng 5/2020 thị trường London giảm 39 USD/tấn xuống còn 1.244 USD/tấn. 

Brazil bước vào chu kỳ được mùa của cây cà phê arabica, đóng góp vào nguồn cung dồi dào trong những tháng còn lại của niên vụ 2020 – 2021, đã gây áp lực giảm giá lên thị trường cà phê thế giới. 

Xu hướng giảm giá xuất hiện ở tất cả nhóm cà phê trong tháng 2, với nhóm cà phê arabica Brazil giảm sâu nhất, 7,3% so với tháng 1 xuống 2.278 USD/tấn. 

Tuy nhiên, sau nhiều phiên giảm giá liên tiếp, giá cà phê arabica tại sàn New York đã tăng trong những ngày cuối tháng 3, giao dịch ở mức 2.887 USD/tấn. 

Cục Chế biến vá Phát triển Thị trường Nông sản nhận định giá cà phê sẽ trở lại đà hồi phục do lo ngại nguồn cung tạm thời bị gián đoạn. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu đình trệ khắp nơi do dịch bệnh gia tăng đã buộc nhiều cảng giao nhận hàng hóa phải đóng cửa sẽ khiến giá cà phê chưa thể phục hồi nhanh chóng.

Thị trường tiêu thụ cà phê giảm, sức mua yếu do dịch COVID-19 diễn ra chủ yếu tại các vùng tiêu thụ chính. 

Bên cạnh đó, chính phủ nhiều nước trong đó có Châu Âu và Mỹ đã có lệnh cấm hoạt động mua bán phục vụ cà phê trực tiếp, nhiều chuỗi hàng quán đóng cửa là một thiệt hại lớn cho ngành cà phê, nhất là người trồng. 

Tại Mỹ, chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks đã tuyên bố đóng cửa vô thời hạn một số địa điểm rang xay tại nhiều bang ở Mỹ trong cuối tháng 3. 

Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), niên vụ 2019 - 2020, tiêu thụ cà phê thế giới ước tính khoảng 169,34 triệu bao, cao hơn 0,7% so với năm 2018 - 2019. Hiện tại nhu cầu ước tính vượt quá sản xuất 0,47 triệu bao, đạt 168,86 triệu bao.

Nguồn: ICO

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tác động đến cả cung và cầu. Một mặt, tiêu thụ cà phê có thể bị ảnh hưởng do các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus corona, đặc biệt là tiêu thụ ngoài hộ gia đình.

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 dự kiến sẽ thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu, kèm theo tỉ lệ thất nghiệp tăng, nhu cầu tiếp tục suy yếu và gây áp lực giảm giá.

Mặt khác, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng cả trong vận chuyển và thu hoạch có thể dẫn đến sự thiếu hụt tạm thời trong nguồn cung và giá có thể giảm trong ngắn hạn.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường