Qua nhiều bước
Tháng 2 năm nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức cấp mã giao dịch và cho phép 1 nhà máy của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) được phép xuất khẩu sản phẩm sữa đặc có đường và các loại sữa đặc khác (other condensed milk) vào thị trường Trung Quốc.
Cuối năm ngoái, Công ty cổ phần Sữa TH (TH Milk Joint Stock Company) là doanh nghiệp đầu tiên được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã giao dịch cho phép xuất khẩu sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc. Đó là sản phẩm sữa tươi tiệt trùng (sterilized milk) và sữa biến đổi (modified milk).
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng cho biết cơ quan này đang tiếp tục xem xét, đánh giá hồ sơ, tài liệu các sản phẩm của nhiều nhà máy và công ty sữa khác của Việt Nam. Đây là tin vui cho ngành sữa Việt Nam, là kết quả của những nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc đồng hành cùng các doanh nghiệp trong thời gian qua.
Để được xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân này, hai nước đã trải qua nhiều phiên đàm phán. Ngày 26/4/2019 Nghị định thư về xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết.
Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng tạo điều kiện cho sữa của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường giàu tiềm năng với 1,4 tỷ dân.
Tiếp đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu sữa của Việt Nam phải được sự chấp thuận của cơ quan chức năng Việt Nam, tiến hành các thủ tục đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc; sau đó với các sản phẩm sữa cụ thể, phải tiến hành thẩm định về kiểm dịch.
Cuối cùng, Tổng cục quản lý Chất lượng củaTrung Quốc (AQSIQ) cấp giấy phép kiểm dịch động thực vật của nước này, trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số giao dịch cho phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Sau Nghị định thư, một loạt các doanh nghiệp có tên trong danh sách được xuất khẩu sữa sang Trung Quốc, gồm Vinamilk, TH True milk, Mộc Châu Milk, Nutifood, Hanoimilk... triển khai hoạt động xuất khẩu sang thị trường này.
Nhưng đến nay, mới có TH True Milk và Vinamilk được cấp mã số giao dịch. Các doanh nghiệp còn lại đang làm các công việc cần thiết để được Tổng cục quản lý Chất lượng và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp giấy phép kiểm dịch động thực vật và cấp mã số giao dịch cho phép xuất khẩu.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các doanh nghiệp, ngành sữa kỳ vọng xuất khẩu sữa sang thị trường sẽ tăng từ 120 triệu USD lên 300 triệu USD trong năm nay.
Cuối tháng 4 năm 2019, Tập đoàn TH và đối tác Wuxi Jinqiao International Food City (đơn vị sở hữu trung tâm đầu mối hàng hóa lớn nhất Trung Quốc, có kim ngạch giao dịch 120 tỉ nhân dân tệ/năm) đã ký kết biên bản xúc tiến thương mại xuất khẩu sản phẩm sữa sang Trung Quốc theo đường chính ngạch
Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nước này hiện là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ 2 thế giới với dung lượng khoảng 60 tỷ USD (chỉ sau thị trường Mỹ) và mức tiêu thụ sản phẩm sữa bình quân đầu người liên tục tăng.
Thế nhưng, nguồn cung sữa nội địa hiện chỉ sản xuất đủ đáp ứng 75% nhu cầu. Năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 39,43 triệu tấn sữa và sản phẩm sữa, trong đó lượng sữa tươi nhập khẩu khoảng 750.000 tấn và khoảng 650.000 tấn sữa bột. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.
Các sản phẩm sữa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu kiểm nghiệm, kiểm nghiệm liên quan, cụ thể là Luật An toàn thực phẩm và Luật Kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc; Nghị định thư giữa hai nước và các quy định về giám sát, quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch sản phẩm sữa xuất nhập khẩu.
Theo Tạp chí Công thương