Nhu cầu tiêu thụ cà phê đã tăng mạnh trong tháng qua do các công ty và người tiêu dùng bắt đầu mua cà phê để tích trữ khi lệnh phong tỏa được áp dụng tại các nước để tránh sự lây lan của dịch COVID-19.
Người trồng cà phê ở Nam Mỹ đã gặp khó khăn trong việc lưu trữ cà phê arabica để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng kỉ lục từ phương Tây.
Việc phong tỏa cũng gây ra lo ngại về tình trạng thiếu lao động tại các đồn điền trên khắp Brazil, Columbia và Peru.
Nam Mỹ chịu trách nhiệm cung cấp 2/3 sản lượng cà phê thế giới và chiếm khoảng một nửa lượng nhập khẩu của Anh.
Khủng hoảng kinh tế ở Nam Mỹ và Mỹ Latinh đã ảnh hưởng đến việc tìm nguồn cung ứng cà phê sau khi giá chạm đáy buộc nhiều nông dân trên khắp Honduras và Columbia phải từ bỏ vụ thu hoạch của mình.
Theo tờ Financial Times vào đầu tháng hai, ngay cả trước khi dịch virus corona trở nên nghiêm trọng, giá cà phê arabica đã giảm 11% xuống mức thấp trong hai năm qua.
Xuất khẩu cà phê ở Brazil cũng có nguy cơ sụt giảm mạnh trong năm tới, sau khi doanh số đã vượt quá mục tiêu hàng năm.
Lượng đơn đặt hàng cà phê cao kỉ lục
Ông José Marcos Magalhães, người đứng đầu hợp tác xã cà phê lớn thứ hai của Brazil - Minasul, dự báo sẽ xuất khẩu 400.000 bao cà phê 60 kg cho cả năm 2020.
Tuy nhiên, khi nhu cầu quốc tế tiếp tục tăng, khối lượng xuất khẩu dự kiến tăng gấp đôi mục tiêu đó.
Năm ngoái, hợp tác xã này đã xuất khẩu 360.000 bao cà phê, năm nay dự kiến sẽ xuất xưởng 800.000 bao.
Ông Magalhães cho biết: "Hiện tại số lượng đơn đặt hàng rất lớn, chủ yếu từ châu Âu; tiêu dùng đã tăng rất nhanh tại các siêu thị ở Mỹ và họ muốn bổ sung hàng dự trữ".
Bên cạnh đó, ông đã buộc phải từ chối nhiều người mua do số lượng đơn đặt hàng quá tải.
Giám đốc điều hành của Liên đoàn Người trồng Cà phê Colombia, ông Roberto Vélez cho biết nước này cũng đang gặp phải tình trạng tương tự do thiếu hụt nguồn cung cà phê arabica.
Cao điểm của mùa thu hoạch và sản xuất cà phê thường rơi vào những tháng hè và nhiều đồn điền phụ thuộc vào lượng công nhân bổ sung từ nước ngoài.
Ngoài Nam Mỹ, Anh cũng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, Indonesia và Ethiopia.
Theo Kinh tế và Tiêu dùng