Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cà phê sẽ tiếp tục xu hướng giảm?
05 | 05 | 2020
Theo Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê toàn cầu trong thời gian tới vẫn biến động theo xu hướng giảm. Diện tích, năng suất, sản lượng cà phê thế giới tăng cao trong những năm gần đây, trong khi nhu cầu chỉ tăng từ 2 – 2,5%/năm khiến cung vượt cầu.

Giá cà phê chịu sức ép nguồn cung lớn và dịch COVID-19

Xuất khẩu cà phê tháng 4 năm 2020 ước đạt 165 nghìn tấn với giá trị đạt 272 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm 2020 đạt 654 nghìn tấn và 1,1 tỉ USD, tăng 3,7% về khối lượng và tăng 1,5% về giá trị so với cùng kì năm 2019.

Đức, Italy và Mỹ tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020 với thị phần lần lượt là 16% (133,7 triệu USD), 8,6% (72,2 triệu USD ) và 8,5% (70,7 triệu USD).

Giá cà phê xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2020 đạt 1.648 USD/tấn, giảm 2,1% so với cùng kì năm 2019.

Trong tháng 4, giá cà phê thế giới biến động giảm. Cụ thể, giá xuất khẩu bình quân tháng 4 đạt 1.648 USD/tấn, giảm 5% so với tháng 3, và giảm 2,9% so với cùng kì năm 2019.

Tại sàn giao dịch New York sau nhiều phiên tăng liên tiếp, giá cà phê arabica kì hạn giao tháng 5 giảm mạnh, giao dịch ở mức 2.448 USD/tấn, giảm 5,27% so với tháng trước. Giá cà phê robusta giao tháng 5 thị trường London giảm 102 USD/tấn xuống còn 1.084 USD/tấn.

Giá cà phê giảm do tiêu thụ cà phê toàn cầu giảm dưới tác động của đại dịch COVID-19 và sức ép bán hàng vụ mới từ Brazil. 

Giá cà phê cũng chịu ảnh hưởng lớn từ biến động tỉ giá của đồng Real của Brazil, sự mất giá của đồng nội tệ Brazil tạo ra sức cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu nước này trên thị trường cà phê thế giới đồng thời gây sức ép lên giá cà phê toàn cầu. 

Bên cạnh đó, giá dầu sụt giảm khiến các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo làm giá giảm sâu trên khắp các thị trường hàng hóa.

Giá cà phê trong nước biến động giảm cùng xu hướng thị trường thế giới. So với tháng 3, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 600 – 800 đồng/kg xuống mức 28.400 – 28.900 đồng/kg. 

Sau thời gian dài giảm giá kỉ lục thì trong những ngày cuối tháng 4, việc Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội giúp giá cà phê trong nước có nhiều tín hiệu tích cực. 

Giá tăng trở lại quanh mức 29.200-29.900 đồng/kg, theo đó, giá cà phê cao nhất tại khu vực tỉnh Đắk Lắk và giá thấp nhất tại khu vực tỉnh Lâm Đồng.

Giá cà phê sẽ tiếp tục giảm?

Theo dự báo của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), lượng tiêu thụ cà phê thế giới năm 2020 sẽ giảm tầm 0,95% do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Mặc dù cà phê thế giới niên vụ 2019/2020 ước thặng dư khoảng 8 triệu bao, tương đương 480 nghìn tấn, nhưng lượng tồn kho thế giới đang giảm xuống đáng kể. 

Tồn kho cà phê arabica giảm xuống mức thấp nhất chỉ còn 1.848 triệu bao, tương đương 110 nghìn tấn, tồn kho cà phê robusta giảm còn 138 nghìn tấn. 

Thông tin một số nước tiêu thụ lớn như Mỹ hay tại Châu Âu muốn ngừng lệnh “giãn cách xã hội” cũng tạo động lực cho các nhà nhập khẩu tăng cường trở lại.

Sức ép bán hàng vụ mới gia tăng mạnh từ nhà sản xuất hàng đầu Brazil làm giá cà phê thế giới cũng như cà phê trong nước sẽ còn trì trệ kéo dài cho tới hết niên vụ cà phê 2019/2020 bởi đại dịch COVID-19 vẫn đang làm nền kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái. 

Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê toàn cầu trong thời gian tới vẫn biến động theo xu hướng giảm. 

Diện tích, năng suất, sản lượng cà phê thế giới tăng cao trong những năm gần đây, trong khi nhu cầu chỉ tăng từ 2 – 2,5%/năm khiến cung vượt cầu. 

Hiện thời tiết khô ráo tại vùng trồng cà phê Brazil thuận lợi cho việc thu hái, trong khi sức cầu yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đồng Real của Brazil gần chạm mức thấp kỷ lục đã tác động lên giá cà phê.

Theo Kinh tế và Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường