Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các giải pháp phát triển ngành mía đường trong tình hình mới
05 | 08 | 2020
Thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, tỉnh Tuyên Quang đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển ngành mía đường trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo Tin tức

Theo đó, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, công ty mía đường đóng trên địa bàn xây dựng các mô hình cánh đồng mía lớn, tập trung, sử dụng giống mía và quy trình canh tác được cơ giới hóa đồng bộ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu. 

Tỉnh cũng chỉ đạo hệ thống cán bộ Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, công ty mía đường để tuyên truyền các cơ chế chính sách của tỉnh, của công ty về sản xuất mía đường trên địa bàn. 

Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương rà soát, xây dựng vùng sản xuất mía đường tập trung, khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, sử dụng giống mới và quy trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu.

Đối với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, tỉnh chỉ đạo chủ động xây dựng Đề án Cơ cấu lại sản xuất mía đường theo hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tập trung việc sử dụng giống mới và áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác mía phù hợp tới hộ nông dân, hợp tác xã nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành mía nguyên liệu; đầu tư nâng cấp công nghệ tiên tiến trong sản xuất đường và các sản phẩm từ đường để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường…

Đến nay, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đang thực hiện những chính sách hỗ trợ phát triển diện tích; chuyển đổi cây trồng, chính sách tích tụ ruộng đất, hỗ trợ xây dựng mô hình thâm canh, tưới, trồng mới, trồng lại; thực hiện mô hình ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất mía... Tổng số tiền công ty đã đầu tư cho toàn vùng nguyên liệu của 2 nhà máy để thu hoạch vụ 2019-2020 là 43,2 tỷ đồng.

Mía là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, với tổng diện tích trên 8.000 ha. Tỉnh Tuyên Quang hiện có 1 Công ty cổ phần mía đường đóng trên địa bàn, với 2 nhà máy đường đang hoạt động. Từ nhiều năm nay, công ty đều thực hiện ký hợp đồng trực tiếp đầu tư và thu mua mía nguyên liệu với hộ dân trồng mía. 

Tuy nhiên niên vụ 2018 - 2019, giá đường xuống thấp, khó tiêu thụ, giá thu mua mía nguyên liệu giảm… người trồng mía trên địa bàn tỉnh đã phế canh một phần diện tích chuyển đổi sang trông những loại cây khác. Niên vụ 2019 - 2020, diện tích mía nguyên liệu của Tuyên Quang chỉ còn trên 4.500 ha, giảm hơn 3.600 ha so với niên vụ 2017- 2018, vùng nguyên liệu mía giảm tới gần 42% diện tích.

 



Báo cáo phân tích thị trường