Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG HOA KỲ THÁNG 7/2020
14 | 08 | 2020

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TÌNH HÌNH CHUNG

TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Đại dịch COVID-19 đang khiến nền kinh tế Mỹ ảnh hưởng ngoài sức tưởng tượng, chấm dứt giai đoạn tăng trưởng kinh tế kéo dài nhất lịch sử nước Mỹ. Mỹ là nước dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm bệnh và tử vong do Covid-19 [1]. Theo đánh giá mới nhất của Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) nền kinh tế Mỹ đã sụt giảm tới 37% trong qúy II/2020 và 6,6% cho cả năm nay. Trong tháng 6 vừa qua nền kinh tế Mỹ bắt đầu cho thấy tín hiệu hồi phục, doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng mạnh 7,5%, cao hơn 1,1% so với cùng kỳ, tuy nhiên vẫn chưa thể quay trở lại mức tăng trưởng như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Mặc dù nền kinh tế suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, Mỹ vẫn là đối tác hàng đầu trong xuất khẩu NLTS của Việt Nam. Xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Mỹ tháng 6/2020 tăng 31,66% so với tháng 5/2020 và tăng 29,03% so với cùng kỳ, đạt 926 triệu USD. So với tháng 5/2020, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng đều tăng tương đối cao, đặc biệt xuất khẩu cao su tăng đến 147%, thịt tăng 323%, tiếp đến xuất khẩu chè tăng 58%, thủy sản tăng 51%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 42%, mây tre đan tăng 37%, sản phẩm từ cao su tăng 21%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 19%. Chỉ có 3 mặt hàng xuất khẩu giảm là hạt điều, hạt tiêu  (giảm 18%), cà phê ( giảm 15%). Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019, nhìn chung các mặt hàng trên đều có kim ngạch tăng, ngoại trừ thịt và các sản phẩm thịt giảm 63%, cao su giảm 41%, chè giảm 20%, hạt điều giảm 19%, hạt tiêu giảm 8%.

Tại thị trường Mỹ, trong tháng 6, doanh số bán lẻ nhiều mặt hàng tăng so với tháng trước: nội thất tăng 32,5% so với tháng 5, giảm 3,5% so với cùng kỳ, tiêu thụ tại nhà hàng và quán bar tăng 20% so với tháng 5, giảm 26,3% so với cùng kỳ, tiêu thụ tại các cửa hàng rau quả giảm 1,2% so với tháng 5 nhưng lại tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019.  Doanh số bán hàng không phải từ cửa hàng, bao gồm mua sắm trực tuyến, đã giảm 2,4% trong tháng qua nhưng cao hơn 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Chi tiêu tại các nhà hàng và quán bar đã tăng 20% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 26,3% so với năm ngoái.  Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 7 đã giảm 5,6 điểm so với tháng trước, xuống mức 92,6 khi tình trạng đại dịch Covid -19 lan rộng ở nhiều nơi trên cả nước. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng liên quan chặt chẽ về chi tiêu của người tiêu dùng trong tương lai, chiếm 70% hoạt động kinh tế.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã triển khai nhiều dự án, chương trình để giảm tác động do Covid 19 gây ra. USDA cho biết Chương trình Hộp Nông sản từ Trang trại tới Gia đình (The Farmers to Families Food Box Program) đã phân phát hơn 50 triệu hộp thực phẩm để cứu trợ đồng thời cả người sản xuất hiện không bán được nông sản và các gia đình Mỹ thiếu thực phẩm do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. USDA đang đầu tư hơn 3 triệu đô la để cung cấp dịch vụ băng thông rộng tại các khu vực nông thôn ở Bắc Carolina[2]. Khoản đầu tư này là một phần của khoản tài trợ 100 triệu đô la được cấp cho Chương trình thí điểm ReConnect thông qua Đạo luật CARES. Ngoài ra, USDA cũng dành khoảng 15 triệu đô la tài trợ nông dân có hoàn cảnh khó khăn và những người làm nông lâu năm.

Trong biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang (Fed) được công bố ngày 1/7, Fed cho rằng, việc sớm khôi phục một số hoạt động thương mại mà không có biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng thích hợp hoặc tự nguyện giãn cách xã hội có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ trong những tháng tới, bởi sự mức độ lây lan nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Về các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, chính sách tiền tệ có tính hỗ trợ cao và sự hỗ trợ bền vững từ chính sách tài khoá là rất cần thiết để đảm bảo sự phục hồi lâu dài của việc làm. Fed dự kiến giữ lãi suất gần bằng 0 ít nhất là đến năm 2022.  Tuy nhiên IMF cảnh báo, dù hệ thống tài chính Mỹ có chứng tỏ được “cả phục hồi nhanh chóng và linh hoạt”, thì một làn sóng virus SARS-Cov-2 nữa có thể dẫn tới một đợt đóng cửa nền kinh tế mới.

Trong thời gian qua, quan hệ Mỹ- Trung có nhiều căng thẳng, Mỹ đã yêu cầu lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston đóng cửa, Trung Quốc trả đũa bằng cách đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Hai bên cũng đối đầu về luật an ninh mà Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong, về tham vọng của Trung Quốc xây dựng mạng 5G và về các yêu sách ở Biển Đông. Mỹ vừa thêm 11 công ty vào danh sách bị cấm mua công nghệ Mỹ trong đòn trừng phạt mới nhất nhằm vào nền kinh tế số hai thế giới. Nhưng về thương mại, hiện không có đe dọa nào giữa Mỹ và Trung Quốc về từ bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, tăng thuế hay trừng phạt công ty xuất khẩu. Trung Quốc cũng cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng Mỹ, bao gồm đậu nành, thịt lợn và ngô. Tháng 7/2020, Việt Nam và Mỹ đã kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhằm đẩy mạnh kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khiến thương mại hàng hóa thế giới gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên toàn thế giới. Tối ngày 15/7/2020, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Trung tâm Vietrade New York, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và các cơ quan hữu quan tổ chức thành công Hội nghị, giao thương trực tuyến: Thúc đẩy thương mại Việt Nam – Mỹ. Hội nghị thu hút sự tham gia của gần 120 doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ, cùng đại diện các cơ quan, tổ chức Xúc tiến thương mại Mỹ, các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước.

Gỗ và sản phẩm gỗ là là mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu cao nhất trong tổng kim ngạch XKNLTS của Việt Nam vào Mỹ ( thường chiếm trên 60%). Tuy nhiên, Ngành gỗ đang trở thành “điểm nóng” của các vụ kiện phòng vệ thương mại. Cụ thể, chỉ từ 2018 đến nay, mặt hàng này đã là đối tượng của 04 vụ kiện phòng vệ thương mại, trong khi giai đoạn 10 năm trước đó ngành này mới chỉ bị điều tra 03 vụ việc. Chưa hết khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh do Covid-19, ngành gỗ tiếp tục gặp khó khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với mặt hàng gỗ dán. Hiện tại, Mỹ đang áp mức thuế chống bán phá giá 183,36% và thuế chống trợ cấp 22,98% - 194,9% đối với các sản phẩm gỗ dán Trung Quốc. Do vậy, nếu bị áp thuế chống lẩn tránh thuế, các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam cũng sẽ bị áp các mức thuế này. Các vụ kiện phòng vệ thương mại đang dần trở thành một thách thức không nhỏ cản trở đà tăng trưởng của ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam. Để chủ động phòng tránh khả năng lẩn tránh thuế của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12/11/2019 về việc tạm dừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin từ VCCI, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan xác định nguy cơ và tìm phương án phòng tránh nguy cơ đó xảy ra (ví dụ như thay đổi nguồn cung ứng nguyên vật liệu từ các đối tác không phải đối tượng thường xuyên bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như Trung Quốc). Đồng thời doanh nghiệp cũng cần sẵn sàng phương án đối phó nếu có vụ kiện xảy ra (thu thập đầy đủ các thông tin, dữ liệu, sổ sách để chứng minh khi cần, có phương án thay đổi thị trường xuất khẩu nếu bị áp thuế….) để hạn chế tối đa những thiệt hại do các vụ kiện phòng vệ thương mại gây ra.

 


[1] Tính đến hết ngày 28/07/2020 có 1.592 ca tử vong vì Covid-19 trong 24 tiếng đồng hồ, nâng thiệt hại nhân mạng lên 148.488 người.

[2] Theo một báo cáo gần đây của Ủy ban Truyền thông Liên bang, 80% trong số 24 triệu hộ gia đình Mỹ không có Internet tốc độ cao đáng tin cậy, giá cả phải chăng đang sống tại khu vực nông thôn. USDA đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông nông thôn trong nhiều thập kỷ và các chương trình hiện tại  của USDA cung cấp hơn 700 triệu đô la mỗi năm cho Kết nối điện tử băng thông rộng hiện đại cho khu vực nông thôn.

 

Tải bản tin chi tiết tại đây.

 



Báo cáo phân tích thị trường