Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT
TÌNH HÌNH CHUNG
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Theo tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS của Việt Nam ra thế giới đạt xấp xỉ 3.895 triệu USD, giảm 72,4 triệu USD (1,82%) so với tháng 3/2021 và tăng gần 1.138 triệu USD (41,26%) so với cùng kỳ năm 2020. NLTS chiếm 14,67% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng này.
Cũng trong tháng 4/2021, Việt Nam xuất khẩu 1.194 triệu USD sang thị trường Hoa Kỳ, giảm 7,38% so với tháng 3/2021 và tăng đột biến ở mức 98,29% so với tháng 4/2020. Hoa Kỳ vẫn luôn là thị trường dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng NLTS của Việt Nam, chiếm 4,50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thế giới và chiếm 30,65% tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS cả nước.
So với tháng 3/2021, một số mặt hàng NLTS Việt Nam sang Hoa Kỳ có dấu hiệu giảm xút trong khi có những mặt hàng có biến chuyển rất tích cực. Gỗ và sản phẩm gỗ vốn là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam trên thị trường này, chiếm 21,13% về giá trị xuất khẩu, cũng giảm tương đối nhiều (104,5 triệu USD, giảm 11,26%). Cao su, gạo, sản phẩm từ cao su và cà phê cũng giảm rất mạnh, lần lượt là 70,16%, 38,19%, 14,29% và 10,19%. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng rau quả, hạt điều, sản phẩm mây tre cói thảm, thức săn gia sức và nguyên liệu lại tăng trưởng tốt, đặc biệt là hàng rau quả và hạt điều với mức tăng trưởng lần lượt là 56,01% và 15,33%. Chè và hàng thủy sản tăng giảm không đáng kể. Tuy nhiên, so với cùng kỳ tháng 4/2020, tất cả các mặt hàng NLTS của Việt Nam, chỉ trừ cao su và hạt điều, đều tăng mạnh, đặc biệt ghi nhận tăng trưởng lớn ở mức ba con số ở sản phẩm mây, tre, cói và thảm (227,45%), gỗ và sản phẩm gỗ (173,6%), gạo (172,51%) và sản phẩm từ cao su (127,23%).
Việc xuất khẩu cà phê sang Hoa Kỳ vẫn gặp nhiều khó khăn do cước vận chuyển từ Châu Á sang Hoa Kỳ vẫn không ngừng tăng lên, chỉ số cước vận chuyển quốc tế hàng ngày của Freightos Baltic đã cho thấy cước vận chuyển giao ngay tuyến từ châu Á đến Bờ Tây nước Mỹ ở mức 4,797 USD/FEU (đơn vị tương đương container 40 foot) và giá cước vận chuyển từ châu Á đến Bờ Đông nước Mỹ ở mức 6,306 USD/FEU. Như vậy, giá của cả hai tuyến này đều gần mức cao nhất từ trước tới nay. Theo công ty Xeneta, giá cước vận chuyển của các hợp đồng vận chuyển tuyến châu Á đến bờ Tây nước Mỹ đang được đàm phán trong năm nay ở mức cao hơn năm ngoái khoảng 30% -50%. Trong khi đó, con số của Poskus đưa ra cao gấp đôi Xeneta, mức tăng giá cố định hơn 100% trên tuyến châu Á đến bờ Tây nước Mỹ và khoảng 75% tuyến châu Á đến bờ Đông nước Mỹ. Ngoài ra, hầu hết mọi giá hợp đồng đều phải chịu phụ phí mùa cao điểm (PSS), vì vậy giá cũng không cố định một cách chính xác. Cuộc khủng hoảng công suất trên tuyến vận chuyển châu Á - Bắc Mỹ đang trở nên tồi tệ hơn. Các nhà nhập khẩu ở Mỹ phải đối mặt với sự chậm trễ nghiêm trọng hơn trước khi công suất của các hãng vận tải container đã ở mức tối đa. tháng Năm được dự báo sẽ là tháng tồi tệ nhất. Vì một số chủ hàng sẽ phải xếp hàng chờ đợi để đặt được chỗ do tình trạng tồn đọng hàng hóa ngày càng tăng ở châu Á, điều sắp xảy ra là một số nhà nhập khẩu thậm chí sẽ không thể có chỗ để vận chuyển hàng
Doanh thu bán thủy sản tươi tại các siêu thị Hoa Kỳ trong tháng 4/2021 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, trong khi doanh số bán hàng đông lạnh và các sản phẩm chế biến, bảo quản giảm. Theo đó, doanh thu bán thủy sản tươi tháng 4/2021 tăng 11,5% so với tháng 4/2020, đạt 552 triệu USD. So với tháng 4/2019, doanh thu thủy sản tươi tháng 4/2021 tăng 26,5%, cho thấy mức tăng mạnh ngay cả khi so sánh với số liệu thống kê trước đại dịch. Trong khi đó, doanh thu bán thủy sản đông lạnh tháng 4/2021 giảm 11,2% so với tháng 4/2020, xuống 545 triệu USD, nhưng vẫn tăng 31% so với tháng 4/2019; doanh thu bán thủy sản chế biến giảm 25%, xuống 186 triệu USD. Các con số thống kê cho thấy tiêu dùng thủy sản của Hoa Kỳ đã tăng mạnh trong đại dịch và có xu hướng kéo dài. Dự báo tiêu thụ thủy sản tươi và đông lạnh sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới so với mức bình thường trước đại dịch. Trong khi đó, ngày 30/4/2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo về việc đình chỉ xuất khẩu tôm tự nhiên của Mê-hi-cô vào nước này vì những nỗ lực bảo vệ rùa biển của Mê-hi-cô “không tương đương với Hoa Kỳ”. Theo đó, Mê-hi-cô chỉ có thể được xuất khẩu tôm nuôi vào Hoa Kỳ. Năm 2020, Hoa Kỳ cũng đã có động thái tương tự đối với mặt hàng tôm tự nhiên của Trung Quốc và Vê-nê-du-ê-la. Luật Liên bang Hoa Kỳ cấm nhập khẩu tôm đánh bắt tự nhiên, trừ khi các quan chức Liên bang xác nhận rằng nước xuất khẩu đã áp dụng các biện pháp bảo vệ rùa biển và tỷ lệ rùa mắc lưới ngẫu nhiên tương đương với tỷ lệ đó của Hoa Kỳ, hoặc phương thức ngư dân đánh bắt tôm không đe dọa rùa biển. Đây là vừa là cơ hội cho thủy sản Việt Nam song cũng là thách thức không nhỏ khi thủy sản Việt Nam tới nay vẫn chưa giải quyết được các vụ kiện về chống bán phá giá và giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc đánh bắt tự nhiên của tôm vẫn còn nhiều điểm phức tạp.
Hiện giao dịch gạo trên thị trường nội địa Hoa Kỳ tương đối trầm lắng do nguồn cung hạn chế cũng như người nông dân đang tập trung vào việc bắt đầu trồng vụ mùa mới. Theo USDA, hiện bang Texas đã bắt đầu xuống giống tuy nhiên tiến độ chậm hơn so với năm ngoái khi hiện mới chỉ gieo trồng được khoảng 70% diện tích, thấp hơn so với mức 90% của cùng kỳ năm ngoái. Ước tính việc gieo trồng có thể hoàn thành trong vòng 2 tuần nữa nếu không có sự bất lợi bất thường nào về thời tiết diễn ra. Tình trạng gieo trồng với tiến độ chậm cũng diễn ra tương tự ở khu vực đồng bằng Mississippi (gồm Louisiana và Arkansas), tuy nhiên dự kiến việc gieo trồng sẽ sớm được đẩy mạnh trở lại cho đến tháng 5/2021.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.