Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nâng tầm cà phê Việt để chinh phục các 'thượng đế' châu Âu
02 | 08 | 2021
(Doanhnhantrevietnam.vn)_EU đang là một thị trường hấp dẫn, là "miếng bánh béo bở" chiếm khoảng 30% tiêu dùng cà phê toàn cầu. Tuy nhiên, làm sao để cà phê Việt khiến những "thượng đế" khó tính ở châu Âu phải rút hầu bao thì không hề đơn giản.

Để chiều lòng thị trường khó tính, cà phê Việt cần đẩy mạnh chuỗi giá trị gia tăng, áp dụng công nghệ chế biến sâu nhằm đa dạng sản phẩm, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Ảnh: T.L.

Để chiều lòng thị trường khó tính, cà phê Việt cần đẩy mạnh chuỗi giá trị gia tăng, áp dụng công nghệ chế biến sâu nhằm đa dạng sản phẩm, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Ảnh: T.L.

Cà phê Việt loay hoay với nhiều "điểm nghẽn"

Cà phê nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam. 

Hiện nay, cà phê Việt Nam đang ở vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu, đã ghi dấu sự có mặt của mình tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ, Anh và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Thailand… 

Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản trói buộc khiến ngành cà phê chưa thực sự bứt phá.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong năm 2020, xuất khẩu cà phê Việt Nam về mặt số lượng là 1,51 triệu tấn, về mặt giá trị là 2,66 tỷ đô la. Nếu so với năm 2019, cả "chất" và "lượng" đều bị giảm đáng kể, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến số lượng giảm, nhưng theo thống kê những năm trước đó, xuất khẩu cũng chưa thực sự khởi sắc.

Thực tế, người trồng cà phê thường phải chịu cảnh thấp thỏm về giá bán. Chất lượng thấp và giá bán không cao vốn là bất cập trong nhiều năm nay của ngành hàng cà phê.

Trung bình mỗi năm, Việt Nam sản xuất hơn 1,5 triệu tấn cà phê nhưng lượng hàng xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, chiếm khoảng 90%, do đó, giá trị gia tăng thấp, lợi nhuận thu về chưa tương xứng với lượng hàng xuất đi.

Có thể nói, giá cà phê nhân tại thị trường trong nước thời gian gần đây tăng, chủ yếu là nguyên nhân khách quan chứ không hẳn do ngành cà phê cải thiện mạnh về chất lượng.

Trong khi đó, cơ cấu sản phẩm cà phê của Việt Nam chỉ có 5% là chế biến sâu như cà phê rang và cà phê hòa tan. Còn lại đa phần là xuất khẩu thô.

Đặc biệt, vấn đề xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia về thương hiệu, ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc điều hành Công ty The Pathfinder cho rằng rất khó tìm thấy cà phê thương hiệu Việt Nam ở các siêu thị Mỹ.

"Các thương hiệu cà phê Việt Nam chỉ loanh quanh ở các siêu thị dành cho người châu Á, phục vụ người Việt sống ở Mỹ. Nói đến cà phê là nói đến câu chuyện văn hóa tiêu dùng, người Âu, Mỹ sẽ không dùng cà phê kiểu châu Á, họ quen dùng cà phê Arabica" - ông Tuấn cho hay.

Ngoài ra, cách thu hoạch cà phê của người dân còn tồn tại nhiều bất cập, chủ yếu áp dụng phương pháp hái tuốt cành. Khi cà phê chín khoảng 40 đến 50%, người dân đã bắt đầu hái cả quả chín lẫn quả xanh khiến chất lượng cà phê không đồng đều, nhiều hạt đen, dễ bị vỡ khi sơ chế, làm giảm giá trị lúc bán.

Tìm giải pháp "tạo đà" cho cà phê Việt thăng hạng

Trước những thách thức của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, ngành cà phê nói riêng đang phải đối mặt thì đổi mới, sáng tạo, nâng cao giá trị ngành cà phê là yêu cầu tất yếu để phát triển.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Phó chủ tịch Vicofa, Giám đốc điều hành của TNI King Coffee cho rằng: Nếu nâng cao giá trị ngành cà phê Việt Nam, chúng ta sẽ có cơ hội đạt 2 thành tựu quan trọng. Thứ nhất là gia tăng sản lượng cà phê chế biến có giá trị cao. Thứ hai là gia tăng tiêu thụ cà phê ở thị trường nội địa từ 1,68 kg/người (năm 2019) lên 3 kg/người (năm 2023).

"Chỉ khi có được sức mạnh nội lực, vững chãi trên thị trường nội địa, cà phê Việt Nam mới có cơ hội để được đối xử bình đẳng, được tôn trọng, được trả giá đúng với giá trị mà người nông dân và các nhà sản xuất Việt Nam đã bỏ ra, góp phần tạo dựng nên thương hiệu chung cho ngành cà phê Việt Nam" - bà Thảo nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Long, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam cho rằng, đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị ngành cà phê là một chiến lược dài hơi phải có lộ trình cụ thể và có sự đồng hành, liên kết của cả hệ thống liên quan.

Theo đó, đối với doanh nghiệp cần đa dạng hóa và nâng cấp chất lượng cho các sản phẩm cà phê chế biến để cải thiện cạnh tranh cũng như tạo thêm giá trị gia tăng. Còn đối với người trồng cà phê, phải thực hành sản xuất cà phê bền vững, ứng dụng công nghệ cao vào tổ chức sản xuất để gia tăng diện tích cà phê có chứng nhận. Từ đó mới đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính khi cà phê được xem là ngành hàng chủ lực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đặc biệt hiện nay, EU là một thị trường hấp dẫn, chiếm khoảng 30% tiêu dùng cà phê toàn cầu. Với những cơ hội từ Hiệp định EVFTA, càng không có lý do gì ngành cà phê Việt Nam để tuột mất thị trường béo bở này.

Tuy nhiên, chúng ta cần sản xuất cà phê như thế nào để phù hợp với thế giới mà cụ thể là với nhóm đối tượng khách hàng là người châu Âu?   

Chia sẻ tại hội thảo "Nâng cao chất lượng cà phê Robusta và Arabica của Việt Nam bằng công nghệ sinh học từ châu Âu" được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đặc biệt nhấn mạnh: Hiện nay, Việt Nam đang hướng tới một nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, tập trung vào giá trị gia tăng và ngành hàng cà phê cũng nằm trong xu hướng này.

Do đó, theo ông Toản, để nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm, xuất khẩu bền vững doanh nghiệp, thay vì xuất khẩu sản phẩm thô, đầu tư cho công nghệ chế biến sâu chính là mấu chốt tạo ra những sản phẩm cà phê tinh chế, có giá trị thương mại cao.

"Việc đầu tư vào khâu chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ sẽ là lực đẩy cho cà phê của Việt Nam đi xa hơn, chinh phục người tiêu dùng khó tính nhất trên thế giới" - ông Toản nhận định.

Ông Toản cũng cho rằng chúng ta cần phải chế biến sâu từ khâu đầu, đặc biệt, kiểm soát quá trình lên  men sẽ là "chìa khóa" để khai thác sức mạnh của hương vị cà phê, giúp tìm ra những mùi vị khác nhau, hình thành nên những sản phẩm đặc trưng, đa dạng, sẽ dễ dàng chiều lòng khẩu vị của người tiêu dùng ngay tại những thị trường đặc biệt nhất. 

"Cà phê Việt Nam sẽ “đánh thức thế giới” bằng sự trải nghiệm hương vị đẳng cấp, chất lượng đích thực" - ông Toản bày tỏ.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp Hội cà phê - Cacao Việt Nam cho biết, để đạt mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, hiện nay hiệp hội đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ rang xay và cà phê hòa tan, để nâng cao chuỗi giá trị và hướng tới xuất khẩu bền vững. Trong 10 năm tới, việc đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến sâu sẽ là "cây đũa thần" giúp nâng tỷ trọng xuất khẩu cà phê chế biến lên 20%.

Ngoài ra, ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Vicofa cũng cho rằng, để cà phê Việt Nam nâng cao được giá trị trong mắt bạn bè quốc tế, cần phải xây dựng thương hiệu mang tính toàn cầu. Vì sản phẩm tốt, có uy tín còn cần phải có thương hiệu toàn cầu xứng tầm, phải quảng bá ra thế giới để người dùng dễ dàng "nhớ mặt, đặt tên".

"Để làm được điều đó phải có những doanh nghiệp, doanh nhân đủ tầm, đủ lực để thực hiện mô hình chuẩn. Đặc biệt, cần có sự quan tâm từ Chính phủ trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá để thương hiệu của Việt Nam có điều kiện đi xa, định hình giá trị cho bản thân ngành hàng và cho cả quốc gia" - ông Nam cho hay.

 



Báo cáo phân tích thị trường