Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC THÁNG 5/2022
16 | 06 | 2022

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 3,19 tỷ USD, tăng 3,36% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt 787 triệu USD, giảm 18,03%. Tính riêng tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu NLTS chính đạt 910,8 triệu USD, giảm 6,9% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 4 là thủy sản (chiếm 23,1% tổng giá trị xuất khẩu NLTS chính của Việt Nam sang Trung Quốc), gỗ và sản phẩm gỗ  (chiếm 20,4%), rau quả (chiếm 19,0%), sắn và các sản phẩm từ sắn (chiếm 10,1%), cao su (chiếm 8,7%), gạo (chiếm 7,1%). So với tháng 3/2022, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao là: chè (tăng 245,7%), hạt điều (tăng 106,0%), cà phê (tăng 37,2%), gạo (tăng 28,7%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 20,0%), thủy sản (tăng 15,1%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm nhiều nhất là sắn và các sản phẩm từ sắn (giảm 49,0%), cao su (giảm 35,4%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (giảm 20,0%), rau quả (giảm 12,6%). So với cùng kỳ, hầu hết các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, nhiều nhất là thủy sản (tăng 128,3%), cà phê (tăng 74,6%), cao su (tăng 41,7%), sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 33,1%), gạo (tăng 11,1%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 8,6%); mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm nhiều nhất là chè (giảm 67,0%), thịt và sản phẩm thịt (giảm 50,7%), rau quả (giảm 32,8%), hạt điều (giảm 14,5%). (Chi tiết tại phụ lục đính kèm).

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tính đến 20h00 ngày 08.06.2022, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh là 1.327 xe, trong đó xe chở hoa quả là 966 xe hoa quả và 361 xe hàng khác. Cụ thể: (i) tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, còn tồn 405 xe (228 xe tại khu trung chuyển và 177 xe tại cửa khẩu Hữu Nghị), trong đó có 358 xe hoa quả, tất cả đều được chở bằng container lạnh; (ii) tại cửa khẩu phụ Tân Thanh còn tồn 922 xe (tại bãi Bảo Nguyên 417 xe, khu phi thuế quan 505 xe), trong đó có 608 xe hoa quả (81 xe chở bằng xe nóng, 527 xe chở bằng container lạnh); (iii) tại cửa khẩu chính Chi Ma không còn phương tiện tồn.

Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, nhiều tổ chức quốc tế nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% đã đề ra, mà chỉ đạt mức từ 4,2% - 4,8%.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 16/5, sản xuất công nghiệp đã giảm 2,9% trong tháng 4. Đây là mức thấp nhất kể từ khi sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giảm 25,87% vào tháng 2/2020 khi đại dịch bùng phát mạnh ở Vũ Hán. Việc đóng cửa toàn bộ hoặc một phần đã được áp đặt tại nhiều thành phố trong tháng 3 và tháng 4, bao gồm cả việc đóng cửa kéo dài ở trung tâm tài chính Thượng Hải, khiến việc mua sắm của người dân bị hạn chế và làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng. Doanh số bán lẻ trong tháng 4 của nước này đã giảm 11,1% so với một năm trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2020. Dịch vụ ăn uống bị đình chỉ ở một số tỉnh, thành khiến doanh thu trong tháng 4 giảm 22,7%. Doanh số bán ô tô cũng giảm 47,6% so với một năm trước do các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng.

Áp lực còn đè nặng lên thị trường việc làm, vốn được các nhà lãnh đạo Trung Quốc ưu tiên cho sự ổn định kinh tế xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp dựa trên khảo sát trên toàn quốc của Trung Quốc đã tăng lên 6,1% vào tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 và cao hơn mục tiêu của chính phủ đề ra năm 2022 là dưới 5,5%. Theo đánh giá của cơ quan thống kê nhà nước Trung Quốc, các chỉ số phát triển kinh tế giảm mạnh là do tác động ngắn hạn và bên ngoài của dịch bệnh. Hiện nay, tình hình Covid-19 tại các địa phương như Cát Lâm, Thượng Hải đã được kiểm soát hiệu quả, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần được khôi phục, nhu cầu trong nước tăng; cùng với hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm nguồn cung và ổn định giá cả hàng hóa, kinh tế Trung Quốc sẽ được cải thiện.

Theo Báo cáo triển vọng nông nghiệp 2021-2030 của Trung Quốc, tổng diện tích trồng trái cây lâu năm (táo, cam, quýt, lê, nho, v.v.) của nước này năm 2020  đạt khoảng 12,5 triệu ha và diện tích vườn trồng trái cây ngắn ngày (dưa hấu, dưa lê,...) ước khoảng 2,2 triệu ha, với tổng sản lượng trái cây ước đạt 279 triệu tấn. Lượng tiêu thụ trái cây của Trung Quốc ước khoảng 270 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trái cây tươi khoảng 126 triệu tấn và tiêu thụ trái cây qua chế biến khoảng 35,8 triệu tấn. Ở chiều nhập khẩu, trái cây và sản phẩm trái cây nhập khẩu năm 2021 của Trung Quốc lên đến 7,4 triệu tấn, với giá trị khoảng 14,2 tỷ USD (tăng 31,5% so với năm 2020). Về đối tác xuất khẩu chính, 10 nước xuất khẩu trái cây và sản phẩm trái cây nhiều nhất vào thị trường Trung Quốc là Thái Lan, Chile, Việt Nam, Philippines, New Zealand, Peru, Úc, Nam Phi, Indonesia và Campuchia. Kim ngạch xuất khẩu của 10 nước này chiếm hơn 89% tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây và sản phẩm trái cây của Trung Quốc. Các loại trái cây nhập khẩu nhiều nhất là sầu riêng, cherry, chuối, măng cụt, nhãn, nho, thanh long. Giá trị của 7 loại trái cây trên chiếm gần 70% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu trái cây của Trung Quốc.

Để khắc phục tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cảng biển do phòng chống dịch Covid-19, cũng như cước vận tải biển ngày càng cao, Trung Quốc đã chuyển hướng mạnh sang vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt với các đối tác thương mại, trong đó có ASEAN. Tuyến đường sắt cao tốc Côn Minh (Trung Quốc) - Viêng Chăn (Lào) dài hơn 1.000 km, được đầu tư hơn 6 tỷ USD, với hơn 2/3 vốn là từ Trung Quốc, nước này đặt mục tiêu sẽ tiếp tục xây dựng kéo dài đến Thái Lan, Malaysia và đến Singapore - một phần trong chiến lược xây dựng mạng lưới liên kết cơ sở hạ tầng khắp Đông Nam Á. 

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường