Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đối thoại: Hợp lực để chuyển đổi nông nghiệp bền vững đồng bằng sông Cửu Long
06 | 09 | 2022
Sáng 6/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Đại sứ quán Hà Lan tổ chức Đối thoại cơ chế, chính sách phát phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn congthuong.vn

Với chủ để “Hợp lực để chuyển đổi bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long” đối thoại bàn tròn được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của các đối tác quốc tế tại Việt Nam và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại buổi Đối thoại, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn, chiếm 12% diện tích và 19% dân số của cả nước với nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp; hiện tại đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp vào 32% GDP toàn ngành nông nghiệp, góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản.

Năng lực sản xuất toàn Vùng chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng các loại trái cây của cả nước; đóng góp đến 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước; nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu tầm thế giới. Bên cạnh đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn cung cấp nhiều nguyên liệu đầu vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế dịch vụ khu vực phía Nam và của cả nước.

Đứng trước các cơ hội và thách thức đan xen, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất quan điểm chỉ đạo, cùng với các địa phương, các đối tác phát triển tập trung triển khai đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, phát triển các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao; kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả trong liên kết vùng.

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu của chuỗi sản xuất. Phát triển các trung tâm cơ giới hóa vùng theo hướng xã hội hóa; là nơi chuyển giao, cung ứng máy, thiết bị, tập trung phát triển các ý tưởng, thiết kế, sáng tạo khởi nghiệp về cơ khí, công nghệ cơ giới hóa và cung ứng dịch vụ cơ giới hóa cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Phát triển các trung tâm logistics, trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, dịch vụ tiêu thụ nông sản của cả Vùng và cả nước như: Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; Trung tâm liên kết về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt tại An Giang, Đồng Tháp; Trung tâm liên kết về thủy sản khu vực ven biển ở Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng; Trung tâm liên kết về trái cây, rau màu ở Tiền Giang, Bến Tre.

Xây dựng nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26

Với cách tiếp cận toàn diện nhằm định hướng rõ hơn về phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, các tham luận tại buổi đối thoại đóng góp ý kiến về phát triển và quy hoạch hạ tầng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tập trung vào những giải pháp về tiếp cận phát triển nông nghiệp bền vững; tài nguyên nước; logistics, qua đó kết nối doanh nghiệp giữa 2 nước để cùng khai thác các thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến xây dựng nông nghiệp vùng này phát triển bền vững, đa giá trị và xứng tầm là trung tâm nông nghiệp quan trọng hàng đầu không những của Việt Nam mà còn khu vực và thế giới.

Ông Cornelis Theodorus VAN BAAR – Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam – chia sẻ, một vài tháng trước chúng ta đã kỷ niệm việc ra mắt quy hoạch tích hợp tại Cần Thơ. Đây có thể là một dấu ấn vô cùng quan trọng cung cấp một quy hoạch dài hơi, liên ngành cho toàn vùng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể thực hiện được kế hoạch. Điều này cần có gói tiếp cận mang tính tích hợp, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp giá trị cao và bền vững thông qua việc phát triển các trung tâm kinh doanh nông nghiệp, trung tâm chế biến cũng như cải thiện công tác giao thông và logistics. Nếu thực hiện theo cách thức này Việt Nam có thể “mở khóa”, hay nói cách khác là tận dụng được tiềm năng tối đa của vùng đồng bằng sông Cửu Long….

Cũng theo ông Cornelis Theodorus VAN BAAR, chính phủ Hà Lan vẫn duy trì những cam kết mạnh mẽ trong việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, các tổ chức khoa học để có thể đảm bảo vùng đồng bằng sông Cửu Long có một tương lai vững mạnh về mặt kinh tế và về mặt sinh thái. Trong đó, có hợp tác chặt chẽ để phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển giao thông, logistics cũng như các trung tâm kinh doanh nông nghiệp; công tác quản lý nguồn nước trong đó có vấn đề cải thiện chất lượng tài nguyên nước….

Để làm được việc này, theo ông Cornelis Theodorus VAN BAAR, cùng với quy hoạch tổng thể đồng bằng sông Cửu Long, những quy hoạch tích hợp sẽ là cơ sở nền tảng vững chắc để khuyến khích hơn nữa sự tham gia của khối tư nhân cũng như sự hợp tác công - tư, hợp lực để chuyển đổi nông nghiệp bền vững đồng bằng sông Cửu Long.



Báo cáo phân tích thị trường