Nguồn mekongasean.vn
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), ngày 5/9, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, trong 8 tháng qua, ngành nông nghiệp đã sản xuất trong bối cảnh phức tạp, khó khăn nhất là lạm phát tăng cao, giá vật tư đầu vào luôn ở mức đỉnh. Cuộc xung đột Nga – Ukraine chưa đến hồi kết, nhiều quốc gia suy thoái kinh tế cùng với đó là các hậu quả của biến đổi khí hậu.
Khả năng đảm bảo an ninh lương thực đã được thể hiện qua các chỉ tiêu quan trọng trong 8 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, về lúa gạo, trong 8 tháng đầu năm 2022, sản xuất chỉ đạt năng suất bình quân đạt 63,3 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt gần 28 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành lúa gạo vẫn đủ những triển vọng đạt mốc 43 triệu tấn đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Về thực phẩm, nối tiếp đà tăng trưởng từ đầu năm, trong tháng 8, chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Đàn bò ước tăng khoảng 3,4%, đàn lợn tăng 6,8% và đàn gia cầm tăng 3,6%, chỉ riêng đàn trâu ước giảm khoảng 0,6%.
Về thủy sản, dù giá xăng dầu có nhiều biến động nhất định nhưng trên 90% tàu thuyền đã ra khơi. Nuôi trồng thủy sản được đẩy mạnh đặc biệt cá tra. Sản lượng thủy sản tháng 8 ước đạt 794,5 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế 8 tháng, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 5.797,6 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về lâm nghiệp, lũy kế 8 tháng, trồng rừng cả nước đạt 156,9 nghìn ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước trên 20 triệu m3 gỗ đảm bảo vượt chỉ tiêu trồng rừng, độ che phủ đạt. Trong 8 tháng, cả nước thu 2.406 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng đạt 80,2% kế hoạch, tăng 16,6% so cùng kỳ năm trước, đã cấp chứng chỉ cho hơn 51.000 ha rừng.
Đáng lưu ý, về xuất khẩu, 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 66,2 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu ước khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu ước khoảng 29,9 tỷ USD, tăng 3,9%.
Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, gồm cà phê trên 2,8 tỷ USD (tăng 40,3%), cao su trên 2 tỷ USD (tăng 8,1%), gạo trên 2,3 tỷ USD (tăng 8,1%), hồ tiêu khoảng 712 triệu USD (tăng 8,2%), sắn và sản phẩm sắn 941 triệu USD (tăng 22,5%), cá tra trên 1,7 tỷ USD (tăng 82,6%), tôm gần 3 tỷ USD (tăng 22,0%), gỗ và sản phẩm gỗ trên 11 tỷ USD (tăng 6,5%), mây, tre, cói thảm 592 triệu USD (tăng 1,8%), phân bón các loại 780 triệu USD (tăng 163,6%), thức ăn gia súc và nguyên liệu 770 triệu USD (tăng 10,3%).
Tháo gỡ khó khăn nông – lâm – thủy sản
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra, ngành nông nghiệp cần tập trung giải quyết những khó khăn nhất định, tháo gỡ những điểm nghẽn đang tồn tại, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Chia sẻ về các định hướng tháo gỡ cho từng lĩnh vực, tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Việt Nam là nước nông nghiệp lúa nước nên nhiệm vụ tối thượng là đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân. Hiện tại, Việt Nam đang có 3,9 triệu ha đất trồng lúa. Theo Nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu đặt ra là sẽ giữ 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến 2030 và có sự chuyển đổi linh hoạt.
Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định sẽ đảm bảo xuất khẩu 6,5 – 6,7 triệu tấn lúa gạo trong năm 2022. “Tính đến thời điểm này, Cục Trồng trọt vẫn đảm bảo tiến độ và kế hoạch sản xuất nhưng xk được hay không phụ thuộc vào thị trường thế giới”, ông Cường khẳng định.
Trong khi đó, liên quan đến vấn đề khai thác thủy sản gặp khó khăn do xăng dầu, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục Tổng Cục Thủy sản cho biết, dù giá nguyên liệu tăng nhưng thị trường xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2022 đạt được những thuận lợi nhất định. Do vậy, xuất khẩu mỗi tháng hiện trung bình đạt 800 – 900 triệu USD, dự kiến đến cuối năm sẽ vượt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD.
Về việc tháo gỡ thẻ vàng IUU, ông Hùng cho biết, nỗ lực này vẫn đang được Tổng cục Thủy sản thường xuyên trao đổi với EC, dự kiến cuối tháng 10/2022. EC sẽ sang kiểm tra trực tiếp ở Việt Nam về triển khai thực tiễn trong thực thi pháp luật, giám sát quản lý đội tàu và truy xuất nguồn gốc.
Còn đối với ngành gỗ - ngành có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu quan trọng, đang gặp một số khó khăn ảnh hưởng đến chỉ tiêu xuất khẩu, trong đó có vấn đề liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại gỗ của Mỹ. Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp thông tin, nhiều doanh nghiệp đang giảm đơn hàng so với 2023 nhất là những doanh nghiệp nhỏ.
Tuy nhiên, khó khăn này cũng đang tạo ra những cơ hội mới, khi thiếu nguyên liệu khí đốt khiến nhu cầu viên nén gỗ tăng cao, nên đã bù đắp lại thiếu hụt đơn hàng. Dự kiến sẽ hoàn thành chỉ tiêu trên 16 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cũng cho biết, đơn vị này đang triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy tiêu thụ nội địa thông qua các triển lãm, chuyển đổi sản xuất sản phẩm outdoor sang indoor.
Đặc biệt về phòng vệ thương mại, Tổng cục Lâm nghiệp đang phối hiệp với Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ về khai báo các nội dung cần thiết và thống nhất để điều tra viên của Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ sang Việt Nam kiểm tra, nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn.
Tổng hợp các ý kiến tại họp báo, để khắc phục khó khăn và đưa ngành nông nghiệp về đích trong năm 2022, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, cần tiếp tục tái cơ cấu và tiếp tục tập trung đầu tư công cho hạ tầng, tăng cường hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất và phòng chống thiên tai, dịch bệnh, chú trọng tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.