Nguồn bộ công thương
Năm 2020, nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” đã được cấp văn bằng bảo hộ góp phần nâng cao uy tín, giá trị kinh tế, sức cạnh tranh của các sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh; hiệu quả sản xuất chè ngày càng được nâng cao, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu từ cây chè, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương. Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất chè, xây dựng ngành chè thành ngành hàng chủ lực có giá trị gia tăng cao của tỉnh, ngày 10/8/2022 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3092/KH-UBND về phát triển chè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025.
Mục tiêu của kế hoạch là nhằm cơ cấu lại ngành chè theo hướng tăng cường liên kết, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, hình thành và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng; Ứng dụng khoa học công nghệ đồng bộ trong các khâu từ sản xuất, đến chế biến góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất; sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP, 3 hữu cơ…), xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm và phát triển bền vững; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời tăng cường liên kết phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, trong đó tập trung rà soát quỹ đất Công ty lâm nghiệp trực thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam bàn giao về cho tỉnh quản lý, thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chè xanh chất lượng cao gắn với chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ chè; chú trọng cải tạo vùng nguyên liệu chè hiện có, trồng bổ sung thay thế diện tích chè cằn xấu bằng các giống có chất lượng cao phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Cụ thể, đến năm 2025, Phú Thọ đặt mục tiêu ổn định diện tích chè toàn tỉnh khoảng 15,7 nghìn ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 125 tạ/ha, sản lượng đạt 195 nghìn tấn, tăng 5,3% (10 nghìn tấn) so với năm 2021; Trồng mới, trồng bổ sung diện tích chè cằn xấu khoảng 600 ha để nâng diện tích vùng sản xuất tập trung đạt trên 6 nghìn ha; trong đó tập trung rà soát, khai thác có hiệu quả khoảng 270 ha quỹ đất các Công ty lâm nghiệp bàn giao về cho tỉnh quản lý3 ; khuyến khích trồng thay thế, cải tạo chè bằng các giống chè chất lượng cao, phát triển các vùng sản xuất tập trung chè xanh chất lượng cao trên địa bàn các huyện trọng điểm: Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn;
Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng áp dụng biện pháp kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất trong sản xuất, chế biến chè. Phấn đấu diện tích chè ứng dụng IPM đạt 90%; diện tích chè được áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn (GlobalGAP, RA, VietGAP, hữu cơ,...) chiếm trên 40% (khoảng 6 nghìn ha, trong đó chứng nhận mới 2,6 nghìn ha đạt tiêu chuẩn VietGAP); Đa dạng hóa sản phẩm chè, phấn đấu tỷ lệ chè xanh và các sản phẩm chè chế biến sâu (Ô long, thảo dược, matcha,... ) đạt trên 40% trong cơ cấu chế biến; phấn đấu giá trị sản phẩm bình quân chè xanh đạt khoảng 135 triệu đồng/1ha; tỷ lệ sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 40%; 100% thành viên HTX sản xuất nông nghiệp, trang trại, nông dân nòng cốt tại vùng sản xuất tập trung được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, cập nhật và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường.
Tỉnh cũng phấn đấu 100% diện tích sản xuất chè tập trung được quản lý, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, truy suất nguồn gốc theo yêu cầu của các nước nhập khẩu; Xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chè an toàn, liên kết sản xuất, chế biến, hình thành và phát triển 3-4 điểm quảng bá văn hóa trà đất Tổ gắn với du lịch.