Nhằm phát huy vai trò cầu nối của Chính Phủ và doanh nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) chủ trì, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm “Góp ý hoàn thiện các vấn đề về nông nghiệp trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng đã thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới. Đối với ngành nông nghiệp, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn và sẽ có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Có thể nói, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện các quyền của công dân về đất đai trong đó đã bổ sung quyền bình đẳng giới, quyền tiếp cận thông tin đất đai, đảm bảo các quyền nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần.
(Ảnh: AGROINFO)
Trong bài phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên ban Thường trực, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, sau gần 8 năm thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai... Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế. Việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít vốn, nhiều doanh nghiệp phải sử dụng đất của mình để phục vụ sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, thủ tục đất đai là hạn chế lớn đối với doanh nghiệp, hàng năm chúng tôi điều tra doanh nghiệp thì thủ tục đất đai là vướng mắc lớn nhất, tạo ra chi phí, rủi ro với doanh nghiệp, chưa thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh…”. Đại diện VCCI mong muốn, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
(Ảnh: AGROINFO)
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý đất đai cho biết Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã bổ sung một số quy định mới về thời hạn sử dụng đất như mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ quy định khung giá đất. Ngoài ra, Dự thảo cũng đưa ra một số nội dung mới về “ngân hàng đất nông nghiệp”; quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp.
(Ảnh: AGROINFO)
Ở góc độ nghiên cứu và tham mưu chính sách, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT cũng khẳng định Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách pháp luật có liên quan đến đất đai. Đồng thời, giải quyết các vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn quản lý, sử dụng đất, đảm bảo hài hoà quyền lợi và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư…
Tại buổi Tọa đàm, các cơ quan tham mưu chính sách, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp cũng đã chia sẻ các quan điểm đánh giá và góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm thúc đẩy đầu tư nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, phát huy nguồn lực đất đai đồng thời đảm bảo đầu tư có trách nhiệm vào nông nghiệp.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trường ĐH Luật Hà Nội, đưa ra ý kiến: “Tình trạng manh mún cản trở sản xuất nông nghiêp, chi phí cao, đầu ra thấp, đất bỏ hoang nhưng dân không chuyển nhượng đất mà giữ lại như một tài sản đảm bảo. Hạn chế trong tiếp cận đất nông nghiệp nên khó hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Do đó, việc quy định ngân hàng đất nông nghiệp trong dự thảo Luật chính là giải pháp để giải quyết vấn đề này. Quy định về ngân hàng đất nông nghiệp là một mô hình mới, được tham khảo từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Đài Loan và một số nước khác trong tích tụ, tập trung ruộng đất. Tuy nhiên Dự thảo Luật Đất đai cần làm rõ Ngân hàng đất NN có chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, và co chịu sự điều chỉnh của Luật của các tổ chức tín dụng hay ko, cơ chế hoạt động như thế nào và cơ quan nào có thẩm quyền thành lập.
Đây cũng là vấn đề được TS. Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm thông tin PTNNNT đặc biệt nhấn mạnh trong báo cáo góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Dự thảo Luật đất đai sửa đổi cần làm rõ những nguyên tắc lớn, về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ngân hàng đất NN. Theo ông Phong, cần bổ sung một số chức năng chi tiết hơn cho Ngân hàng đất nông nghiệp như: chức năng trao đổi quyền sở hữu các thửa ruộng nằm cách xa nhau để các chủ đất chỉ sở hữu một mảnh đất với diện tích lớn; chức năng cho thuê lại đất được nhận ủy thác của người sở hưu đất nông nghiệp; chức năng cung cấp các khoản vay ưu đãi cho những người muốn thuê và mua đất nông nghiệp; chức năng hỗ trợ các chủ sở hữu đất qua việc được miễn các loại thuế có liên quan, đảm bảo sự công bằng giữa nông dân có đất ủy thác và người thuê lại đất từ ngân hàng. Đây là nội dung lớn cần được quy định chi tiết trong Nghị định hướng dẫn.
(Ảnh: AGROINFO)
Liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, ông Trương Quốc Cần, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA), cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Đất đai 2013, trong đó đã bổ sung một số quy định mới về thời hạn sử dụng đất, hạn mức, người sử dụng đất và chế độ sử dụng đất tạo điều kiện thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới; bổ sung chế độ sử dụng đất chăn nuôi tập trung; sửa đổi quy định về chế độ sử dụng đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng. Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng và hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cần phải đi kèm với các điều kiện, quy định hạn chế nhằm bảo vệ quyền với đất đai của các nhóm yếu thế (nhóm dân tộc thiểu số, nông dân trực tiếp sản xuất quy mô nhỏ). Đặc biệt, ông Cần nhấn mạnh cần đẩy mạnh sự tham gia và quyền giám sát của người dân đặc biệt là nhóm yếu thế trong quá trình lập quy hoạch và quá trình thu hồi, đền bù giải tỏa đất nông nghiệp.
(Ảnh: AGROINFO)
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Anh hùng Lao động - Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed, mong muốn việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 cần có tầm nhìn lâu dài, đồng thời đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như người dân; thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông Báo cũng cho hay vấn đề tài sản trên đất nông nghiệp hiện nay cũng là một nút thắt cần được dự luật sớm tháo gỡ vì quy định hiện hành không cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp.
Theo Luật sư Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật, Đại học Cần Thơ, nội dung Dự thảo Luậ hiện nay chưa có định nghĩa rõ ràng và bao quát về khái niệm “thu hồi đất nhằm phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Đồng thời pháp luật hiện hành thiếu các quy định rõ ràng, đơn nghĩa, chính xác về phạm vi, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và dự thảo trình các cơ quan có thẩm quyền vào tháng 9.2022 cũng chưa khắc phục được nhược điểm này.
Ghi nhận các ý kiến góp ý của các đại biểu tại buổi tọa đàm, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ cho rằng, Ban soạn thảo luôn lắng nghe, tiếp thu, phân tích và tổng hợp để bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi để tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 18- NQ/TW.