Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
65% DN mở rộng sản xuất nếu thuận lợi về đất đai
20 | 05 | 2008
Để Luật đất đai không còn là trở ngại, sáng 19/5, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp dự thảo Luật sửa đổi bổ sung luật đất đai 2003.

Đơn giản hoá thủ tục để dễ cho doanh nghiệp

Giải phóng mặt bằng luôn được giới doanh nghiệp coi là một “nút cổ chai” khó tháo gỡ.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết theo kết quả điều tra của VCCI năm 2007 có 65% doanh nghiệp khẳng định họ sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh nếu như vấn đề đất đai thuận lợi hơn.

Các doanh nghiệp thường mắc 3 trở ngại chính khi có nhu cầu mở rộng diện tích cũng như quy mô doanh nghiệp đó là: 1 - giá đất quá cao, cản trở việc mở rộng sản xuất; 2 - sự phức tạp chồng chéo các thủ tục về đất đai, các doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian cho việc, giảm tính cạnh tranh; 3-còn nhiều yếu kém trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch, sự không ổn định về chính sách đất đai.

Việc sửa đổi Luật đất đai lần này là rất cần thiết, góp phần giải quyết những trở ngại đó giúp doanh nghiệp thoát khỏi những vướng mắc mở rộng diện tích doanh nghiệp, mở rộng kinh doanh.

“Sau 4 năm thực hiện, luật đất đai đã đi vào cuộc sống, trong quá trình vận động có phát sinh một số tồn tại cần phải điều chỉnh. Sửa đổi Luật đất đai lần này sẽ tập trung vào hai nội dung chính: 1- Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; 2- Giá đất và bồi thường giải phóng mặt bằng”- ông Trần Thế Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội thảo.

Ông Trịnh Huy Thục, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản và nhà đất xoay quanh việc sửa đổi bổ sung những vấn đề bức xúc nhất.

Đó là tháo gỡ các vấn đề có liên quan đến thủ tục để làm đất đai thực sự là tư liệu sản xuất phục vụ các lĩnh vực, các doanh nghiệp, ở các nước thủ tục để làm một công trình chỉ mất 6-8 tháng nhưng ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp phải mất hơn 2 năm để giải quyết thủ tục đất đai cho một công trình, có công trình phải mất một khoảng thời gian nhiều hơn thế, ông Thục nhấn mạnh.

Vấn đề định giá và các chế tài về thu tiền sử dụng đất cũng cần phải được giải quyết đây là một trong những vấn đề khó khăn nhất.

Vấn đế 3- cơ chế và chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng khi giao đất và khi thu hồi đất. Hầu hết các nhà đầu tư hiện nay đều gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng như khó giải phóng mặt bằng, hay giải phóng không tốt nên tiến độ sản xuất không đạt được yêu cầu mong muốn.

Nhìn tổng thể hơn 40 khoản sửa đổi bổ sung còn nhiều điều dễ cho Nhà nước, khó cho doanh nghiệp, khó cho dân, đề nghị ban soạn thảo cần phải xem xét nghiên cứu. Sửa ít nhưng làm thế nào để tháo gỡ cho doanh nghiệp, đơn giản hoá thủ tục để dễ cho doanh nghiệp.

Công khai khung giá ở vùng đất bị thu hồi

Đó là một trong những ý kiến được ông Vũ Duy Thái - Chủ tịch Hiệp hội công thương Việt Nam nhấn mạnh trong buổi hội thảo: để công tác đền bù, giải toả được công bằng, nhà nước phải công khai qui hoạch và kế hoạch sử dụng đất bị thu hồi, công khai khung giá ở vùng đất bị thu hồi.

Việc định giá cụ thể cho từng thửa đất sẽ do tổ chức định giá độc lập xây dựng trên khung giá "giá giao dịch ổn định" ở địa phương có đất bị thu hồi, với sự đồng thuận của các bên liên quan và phải công bố công khai trước khi thu hồi.

Theo ông Nguyễn Đình Cung (Viện Quản lý Kinh tế TƯ) có sự không tương thích giữa Luật đất đai và các luật khác có liên quan, cụ thể là điều 31 và các vấn đề liên quan đến Luật đầu tư và luật xây dựng. Và sự không tương thích đó chưa được khắc phục.

"Cần kéo dài thời gian sử dụng đất hơn nếu như quy định tại điều 67 của "Luật đất đai 2003" là 20 năm và 50 năm thì vẫn chưa khuyến khích được người dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất"- ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam nhấn mạnh ý kiến trong tham luận: Đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Còn rất nhiều ý kiến xung quanh Dự thảo sửa đổi Lụât sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai. Doanh nghiệp mong muốn lần sửa đổi này, những khó khăn liên quan đến vấn đề đất đai sẽ được tháo gỡ, thủ tục gọn nhẹ để có thể tập trung mở rộng sản xuất, tăng tính cạnh tranh.



Nguồn: Tiền Phong
Báo cáo phân tích thị trường