Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau quả hữu cơ: Tiền nào của đó!
17 | 10 | 2022
Rau quả trồng theo phương pháp hữu cơ có giá bán cao hơn so với trồng truyền thống, tuy nhiên người tiêu dùng ngày càng ưu chuộng các sản phẩm hữu cơ.

Nguồn: nongnghiep.vn

Đắt cũng mua, miễn là tốt cho sức khỏe

Đi một vòng quanh các siêu thị hiện đại như Lotte Mart, Emart, MM Mega Market, SaigonCo.op..., chúng tôi thấy nhiều nơi có kệ trưng bày riêng sản phẩm hữu cơ để người tiêu dùng dễ lựa chọn. Đặc điểm chung của các sản phẩm hữu cơ được bày bán tại đây đều có mẫu mã, bao bì đẹp, có mã QR để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc như rau củ quả hữu cơ của Vinamit, DannyGreen, Happy Vegi, HTX Rau an toàn Việt, Rau cười Việt Nhật…

Có mặt tại Lotte Mart Gò Vấp (TP.HCM) đúng lúc bà Doãn Hồng Thanh đang chọn mua rau cho gia đình. Bà Thanh cho biết thường chọn rau, củ quả trồng theo phương pháp hữu cơ để chế biến các món ăn cho con cháu. "Cả hai vợ chồng tôi đã về hưu, già rồi ăn cũng không được bao nhiêu nên tôi thường chọn những thực phẩm an toàn, đặc biệt tôi thích các sản phẩm trồng hữu cơ, bởi vừa giữ được hương vị tươi ngon như nhà mình trồng hồi xưa, vừa tốt cho sức khỏe. Cuối tuần có thể nấu cho bọn trẻ những món ăn bổ dưỡng, chất lượng.

Biết là giá cả sẽ cao hơn so với các loại khác, ví dụ như một bó rau muống, rau dền trồng VietGAP có trọng lượng 300gr giá khoảng 15.000 - 25.000 đồng thì rau trồng theo hữu cơ có thể 30.000 - 35.000đ/300gr, nhưng tiền nào của nấy. Tôi chấp nhận trả với giá cao hơn, miễn sản phẩm thực sự là hữu cơ. Sức khỏe là quan trọng nhất. Tôi thường mua các sản phẩm hữu cơ tại các siêu thị lớn và một vài cửa hàng thực phẩm sạch. Thà ăn ít nhưng chất lượng”, bà Thanh chia sẻ.

Chị Thanh Tâm, ngụ quận Thủ Đức (TP.HCM) cho hay, chị luôn lựa chọn bí đỏ của DannyGreen để nấu cháo cho con gái 10 tháng tuổi. “Loại bí đỏ này có vị ngon, ngọt bùi, khi nấu cháo cho bé tôi chỉ cần bỏ thêm chút xíu muối là được tô cháo thơm ngon. Nghe nói bí này nhập giống từ nước ngoài và được trồng theo phương pháp hữu cơ nên tôi khá yên tâm, có khi luộc ăn cả vỏ”, chị Tâm cho hay.

Tôi hỏi chị Tâm: “Chị có hiểu sản phẩm trồng theo phương pháp hữu cơ là như thế nào không?”. Chị không ngần ngại nói: “Tôi ở nhà chăm con, nên chỉ có mỗi việc tìm thực phẩm thế nào, nấu món gì cho con nên tôi có khá nhiều thời gian lên mạng để nghiên cứu cái gì tốt, cái gì không tốt. Tôi hiểu nôm na là, khi trồng hữu cơ sẽ không sử dụng hoá chất hóa học, không dùng kháng sinh, nói không với biến đổi gen... Điều đó không chỉ tạo ra sản phẩm tươi ngon, mà còn bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. Tuy nhiên, giá cũng hơi cao đối với người có thu nhập bình thường”, chị Tâm cười nói.

Làm nông nghiệp hữu cơ, phải kiên trì

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Viên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hương Đất với thương hiệu rau Happy Vegi đã có hơn 10 năm kiên trì theo đuổi trồng theo phương pháp hữu cơ. Đến nay, Happy Vegi đã mở rộng quy mô với các trang trại tại TP.HCM (5.000m2), Măng Đen – Kon Tum (18.000m2), Măng Cành – KonTum (42.000m2), Đăk Nông (18.000m2), Bà Rịa - Vũng Tàu (5.000m2), Phú Yên (10.000m2) chuyên trồng hơn 30 loại rau, củ quả bằng phương pháp hữu cơ theo mùa.

“Năm 2012, khi đưa rau Happy Vegi chào hàng tại các cửa hàng thực phẩm, chúng tôi bị từ chối vì giá quá cao. Ở thời điểm đó, giá các loại rau khác chỉ có 10.000 đồng/kg, còn rau Happy Vegi là 60.000 đồng/kg mới có lợi nhuận. Phải mất thời gian dài, Happy Vegi mới thuyết phục được nhà phân phối và cả khách hàng.

Đến nay, Happy Vegi cung cấp các sản phẩm hữu cơ cho các cửa hàng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, đặc biệt là tại Phiên chợ xanh Tử Tế, Emarrt, Aeon, CoopXtra, Go, TopsMarket, Big C…”, chị Viên cho hay.

Happy Vegi canh tác rau, củ theo hướng hài hòa với tự nhiên bằng cách tái cân bằng môi trường sinh thái trong việc canh tác cây trồng; phòng trừ sâu bệnh bằng các phương pháp tự nhiên, đặc biệt tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 6 “không”: Không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh và thuốc diệt cỏ; không trồng trên đất và nước nhiễm hoá chất nông nghiệp; không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng; không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng giống biến đổi gen, không sử dụng chất bảo quản.

Các sản phẩm của Happy Vegi có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc gieo trồng, người tiêu dùng có thể quét qua mã QR code, qua đó tạo sự an tâm cho người dùng hiện đại và các hệ thống siêu thị lớn ở TP.HCM.

Là một trong những đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm rau hữu cơ (rau ăn lá, rau thơm các loại) cho hệ thống siêu thị Lotte Mark, cửa hàng thực phẩm, các phiên chợ nông sản của TP.HCM, HTX Rau an toàn Việt (VietVeg) tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An đầu tư 3ha để trồng rau hữu cơ.

Mỗi ngày, VietVeg cung ứng ra thị trường khoảng 300kg rau hữu cơ các loại như rau muống, tần ô, tía tô, xà lách, ngò, hành… “Rau hữu cơ trồng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, môi trường xung quanh nên sản lượng chưa nhiều.

Nhiều khi rau đang đẹp, nhưng ngủ một đêm, hôm sau ra vườn đã thấy lá rỗ hết. Vì vậy, khâu sơ chế, nhân công cũng phải lựa chọn kỹ mới có thể cung cấp cho các siêu thị và cửa hàng thực phẩm có yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm”, chị Lan cho hay.

Chị Lan cũng cho biết, đối với diện tích rau hữu cơ, toàn bộ các giai đoạn từ gieo hạt đến thu hoạch đều được kiểm soát một cách chặt chẽ và khép kín nhằm bảo đảm giá trị dinh dưỡng, năng suất tối ưu và đặc biệt không thuốc BVTV, không phân bón hoá học, thay vào đó là các chế phẩm sinh học tự chế từ sả, ớt, khuynh diệp, tinh dầu…

“Nhiều người hỏi trồng rau không phun thuốc lấy gì bán? Quả thật, sản lượng còn ít, không đủ để cung ứng, nhưng tôi vẫn cố kiên trì và mong có thêm nhiều thành viên của HTX cùng tham gia trồng rau hữu cơ để tăng thêm sản lượng nhằm cung ứng cho thị trường. Mục tiêu của mình là tất cả mọi người đều được ăn rau hữu cơ”, chị Nguyễn Thị Lan, Giám đốc HTX Rau an toàn Việt nói.

Tương lai, nhu cầu về thực phẩm hữu cơ ngày càng tăng cao, đây cũng chính là thách thức lớn đối với các HTX, doanh nghiệp khi muốn thực sự đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ. Lĩnh vực thực phẩm hữu cơ sẽ là xu hướng và sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới.

Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Hải Âu (Seagull ADC) tại TP.HCM là đơn vị chuyên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ từ năm 2012 đến nay với hai sản phẩm chủ lực là dưa lưới và bí hạt đậu từ nguồn hạt giống Nhật Bản và trồng theo phương pháp hữu cơ. Các sản phẩm của Seagull ADC đã đạt chứng nhận GlobalGAP và chứng nhận Organic JAS (Tiêu chuẩn hữu cơ JAS của Bộ Nông lâm thủy sản Nhật Bản).

Theo ông Trần Phong Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Seagull ADC, sản xuất hữu cơ rất khó, nhưng không vượt khó và thay đổi thì không thể nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, rau củ quả, trái cây của Việt Nam.

"Qua nhiều mùa vụ thất bại, đương đầu với rất nhiều khó khăn, thử thách từ sự khắc nghiệt của thời tiết, đến sự tấn công của sâu bệnh, sự ô nhiễm của đất và nguồn nước..., đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của chúng tôi vẫn kiên trì đi theo hướng sản xuất hữu cơ, đặt giá trị dinh dưỡng và an toàn thực phẩm lên hàng đầu nên kiên quyết "nói không" với các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV độc hại...

Người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn xứng đáng được sử dụng nông sản hữu cơ để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, phát triển thế hệ tương lai. Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để phát triển thành một cường quốc nông nghiệp tiên tiến với các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, hữu cơ xuất khẩu ra thế giới", ông Trần Phong Lan nói.

 



Báo cáo phân tích thị trường