Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC THÁNG 8/2022
15 | 09 | 2022

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

 

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 5,69 tỷ USD, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt 2,22 tỷ USD, tăng 18,5%. Tính riêng tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu NLTS chính đạt 797,1 triệu USD, giảm 9,7% so với tháng trước và tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2021.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 7/2022 là cao su (chiếm 27,6%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm 26,3%), thủy sản (chiếm 13,4%), sắn và sản phẩm sắn (chiếm 10,1%), rau quả (chiếm 10,0%). So với tháng 6/2022, cao su là mặt hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu tăng; hầu hết các mặt hàng NLTS còn lại có kim ngạch xuất khẩu giảm, nhiều nhất là chè (giảm 47,6%), gạo (giảm 41,7%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (giảm 29,5%), sắn và sản phẩm từ sắn (giảm 27,6%), mây tre đan  (giảm 24,7%), thủy sản (giảm 19,7%), ạt điều (giảm 6,5%), rau quả (giảm 6,0%), cà phê (giảm 2,9%), gỗ và sản phẩm gỗ (giảm 1,6%). So với cùng kỳ năm ngoái, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng là gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 91,4%), cà phê (tăng 35,0%), thủy sản (tăng 27,5%), sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 15,7%), mây tre đan (tăng 1,3%), hạt điều (tăng 0,4%); các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là gạo (giảm 50,9%), rau quả (giảm 32,9%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (giảm 12,8%), chè (giảm 11,3%), cao su (giảm 10,3%).  (Chi tiết tại phụ lục đính kèm)

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tính đến 20h00 ngày 06.09.2022, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh là 151 xe, trong đó xe chở hoa quả là 90 xe hoa quả và 61 xe hàng khác. Cụ thể: (i) tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, còn tồn 29 xe (05 xe tại khu trung chuyển và 24 xe tại cửa khẩu Hữu Nghị), trong đó có 18 xe hoa quả, tất cả đều được chở bằng container lạnh; (ii) tại cửa khẩu phụ Tân Thanh còn tồn 120 xe (tại bãi Bảo Nguyên 114 xe, khu phi thuế quan 06 xe), trong đó có 72 xe hoa quả (tất cả đều được chở bằng container lạnh); (iii) tại cửa khẩu chính Chi Ma còn tồn 02 xe hạt điều và xoài.

Triển khai nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc, từ ngày 15/7 đến 4/9, Hải quan Trung Quốc đã tiến hành đánh giá kiểm định qua hình thực trực tuyến các vườn trồng và cơ sở đóng gói, kết hợp với các tài liệu liên quan. Sau khi xem xét toàn diện, Trung Quốc đánh giá các vườn sầu riêng và cơ sở đóng gói của Việt Nam về cơ bản có thể tiến hành trồng, sản xuất, chế biến theo đúng yêu cầu của Nghị định thư, công tác kiểm dịch, giám sát đã được thực hiện tốt. Hệ thống phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid-19 của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn, về cơ bản có thể đảm bảo rằng sầu riêng Việt Nam đáp ứng các yêu cầu vệ sinh và an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Ngày 7/9, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo, 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng và 51 vùng trồng sầu riêng Việt Nam được Trung Quốc phê duyệt. Danh sách này đã được Hải quan Trung Quốc công bố trên website http://dzs.customs.gov.cn/dzs/2747042/3995819/sg38/3974291/index.html.

Theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc, trong tháng 7, doanh số bán lẻ tại nước này tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với mức tăng 3,1% của tháng 6; sản xuất công nghiệp tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm so với mức tăng 3,9% trong tháng 6. Ngoài ra, tỉ lệ thất nghiệp của những người từ 16 - 24 tuổi đã tăng lên mức cao kỷ lục ở mức 19,9%, tăng so với mức 19,3% của tháng 6. Còn hoạt động đầu tư vào bất động sản giảm 6,4% trong 7 tháng đầu năm nay và giá nhà mới tại 70 thành phố lớn đã giảm tháng thứ 11 liên tiếp trong tháng 7.

Sau khi Cục Thống kê Trung Quốc công bố số liệu tháng 7/2022, hàng loạt ngân hàng đầu tư hạ dự báo tăng trưởng cả năm 2022 của Trung Quốc, từ 3,3% còn 3% (Goldman Sachs), từ 3,3% xuống còn 2,8% (Nomura), và từ 3,9% xuống còn 3,5% (Bloomberg), v.v. mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% của Bắc Kinh.

Ngày 15.8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thông báo cắt giảm lãi suất 10 điểm cơ bản từ 2,85% xuống 2,75% với các khoản vay trung hạn, 1 năm, trị giá 400 tỉ nhân dân tệ (59 tỉ USD) với một số ngân hàng. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng hạ lãi suất theo các thỏa thuận mua lại đảo ngược trong 7 ngày từ 2,10% xuống 2,00%.

Theo Nikkei, Trung Quốc công bố cắt giảm lãi suất trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn khi sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ suy yếu, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên ở mức cao kỷ lục. Hãng tin này lưu ý, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn chưa phục hồi vững chắc và chỉ vừa đủ tránh được suy giảm trong quý thứ 2 của năm 2022 khi liên tục triển khai các đợt phong tỏa ngừa COVID-19 nghiêm ngặt, tác động tới sản lượng của các nhà máy và chi tiêu của người tiêu dùng.

Trung Quốc tiếp tục hạ lãi suất cho vay hôm 22/8, chỉ một tuần sau khi ngân hàng trung ương nước này bất ngờ cắt giảm 2 loại lãi suất khác. Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa giảm 15 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay chuẩn (LPR) thời hạn 5 năm, từ 4,45% xuống 4,3%, đồng thời giảm 5 điểm cơ bản đối với LPR thời hạn 1 năm, xuống 3,65%. Hầu hết các khoản vay mới ở Trung Quốc đang căn cứ trên LPR 1 năm.

Theo Reuters, PBOC biết rằng kích thích quá nhiều có thể tạo thêm áp lực lạm phát và có nguy cơ đẩy dòng vốn ra nước ngoài trong thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và nhiều nền kinh tế khác tích cực tăng lãi suất. Dù vậy, nhu cầu tín dụng yếu khiến PBOC buộc phải làm như thế để cố giữ kinh tế Trung Quốc không bị "chìm". Nền kinh tế số 2 thế giới tránh được cảnh tăng trưởng âm trong quý II năm nay song ông Raymond Yeung, nhà kinh tế tại Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand, chỉ ra: "Các dữ liệu kinh tế tháng 7 của Trung Quốc rất đáng báo động".

 Theo số liệu chính thức, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt của Trung Quốc, thước đo chủ chốt của hoạt động kinh tế, trong 7 tháng đầu năm, đã tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng trong tháng 7, ngành đường sắt đã vận chuyển 414,33 triệu tấn hàng hóa, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải đường sắt ở Trung Quốc là lĩnh vực giao thông đường dài đóng vai trò quan trọng ở đất nước này. Tính đến năm 2021, Trung Quốc sở hữu hơn 150.000 km đường sắt và là nước có mạng lưới đường sắt dài thứ hai thế giới. Trung Quốc cũng đang chuyển hướng mạnh sang vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt với các đối tác thương mại để khắc phục tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cảng biển do các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, cũng như cước vận tải biển ngày càng cao.

Đợt hán hán và nắng nóng khắc nghiệt nhất trong vòng 60 năm qua tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc khiến cho nhiều hệ thống sông, hồ và hồ chứa bị thu hẹp, buộc chính quyền các địa phương phải tăng cường nỗ lực khai thác nước ngầm để lấy nước tưới. Ngày 23/8, Cơ quan Dự báo khí tượng thủy văn Trung Quốc tiếp tục ban bố cảnh báo nhiệt độ cao nhất, với nhiều khu vực thuộc các tỉnh Hồ Nam, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, phía tây nam và tỉnh Giang Tây, miền đông đất nước phải đối diện với nền nhiệt độ cao từ 400C trở lên trong những ngày tới. Các khu vực bị ảnh hưởng bởi nắng nóng là những vùng sản xuất lúa chính ở Trung Quốc. Trong khi đó, lúa gạo hiện là loại cây lương thực lớn nhất ở Trung Quốc, chiếm khoảng 40% sản lượng ngũ cốc vụ thu, trong khi đó cây trồng vụ thu chiếm tới 3/4 sản lượng ngũ cốc hàng năm của cả nước. Tác động của hạn hán tồi tệ năm nay đối với sản lượng ngũ cốc vụ thu đang làm dấy lên một số lo lắng về an ninh lương thực và đe dọa mục tiêu tổng sản lượng lương thực cả năm của Trung Quốc trong năm nay là 650 triệu tấn.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường