Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG HÀN QUỐC THÁNG 12/2022
16 | 01 | 2023

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Hàn Quốc (KCS) vừa công bố cho biết, cán cân thương mại lũy kế từ đầu năm tới ngày 10-12 ghi nhận mức thâm hụt cao kỷ lục, lên tới 47,46 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu 3 mặt hàng năng lượng lớn của Hàn Quốc là dầu thô, khí đốt và than đá đạt 180,41 tỷ USD, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu lại bị thu hẹp do nền kinh tế toàn cầu đình trệ càng khiến quy mô thâm hụt cán cân thương mại của Hàn Quốc tăng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 10-2022 giảm 5,8%, tháng 11-2022 giảm 14% và 10 ngày đầu tháng 12-2022 giảm 20,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, tính tới tháng 11-2022, xuất khẩu chíp bán dẫn - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc - đã ghi nhận mức giảm 4 tháng liên tiếp. Giới chuyên gia nhận định cán cân thương mại của Hàn Quốc sẽ tiếp tục đà thâm hụt trong năm 2023 do xuất khẩu đình trệ tương tự năm 2022.

Trong báo cáo vừa công bố, Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) nhận định, nền kinh tế xứ sở Kim chi khả năng cao sẽ đình trệ trong thời gian tới bởi nợ hộ gia đình và chỉ số lòng tin của doanh nghiệp đang xấu đi. Lĩnh vực tiêu dùng của Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng khi doanh số bán lẻ tiếp tục giảm từ tháng 8-2022. Về lĩnh vực tài chính, các chuyên gia của KDI lo ngại, thị trường vốn ngắn hạn của Hàn Quốc đang tiếp tục bất ổn do áp lực lớn từ chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước.

Theo Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), Việt Nam là thị trường cung cấp trái xoài lớn thứ 3 cho Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022, đạt 1,7 nghìn tấn, trị giá 7,4 triệu USD, tăng 19,1% về lượng và tăng 24,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xoài nhập khẩu bình quân từ Việt Nam đạt 4.232,3 USD/tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021. Với lượng và giá trị như trên, Việt Nam hiện đang là nước cung cấp trái xoài lớn thứ 3 cho thị trường Hàn Quốc.

Nhập khẩu trái xoài của Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022 đạt 22 nghìn tấn, trị giá 95,3 triệu USD, tăng 4,1% về lượng và tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xoài nhập khẩu bình quân vào Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022 đạt 4.326,2 USD/tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Thái Lan và Peru là 2 thị trường cung cấp trái xoài lớn nhất cho Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022, lượng nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm 81,2% tổng lượng xoài nhập khẩu. Trong đó, Hàn Quốc giảm nhập khẩu xoài từ thị trường Thái Lan và tăng mạnh nhập khẩu từ thị trường Peru.

Theo Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), 10 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu tôm của Hàn Quốc đạt hơn 819 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ 2021. Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam chiếm thị phần cao nhất 45% trong khi các nguồn cung đối thủ như Trung Quốc, Thái Lan, Ecuador lần lượt chiếm thị phần 7,9%; 7,7% và 6,4% trong tổng giá trị nhập khẩu tôm của Hàn Quốc. Tính tới tháng 10 năm 2022, Việt Nam và Trung Quốc tăng xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc lần lượt 25% và 19% trong khi hai đối thủ chính của tôm Việt Nam là Thái Lan và Ecuador giảm xuất khẩu tôm sang thị trường này lần lượt 22% và 16% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu 226,5 triệu USD các mặt hàng NLTS chính tới Hàn Quốc, giảm 3,32% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu cao nhất tới thị trường này chiếm 45,6%, thứ hai là thủy sản với 33,6%, rau quả chiếm 6,4%. Trong các mặt hàng xuất khẩu chính, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, sắn và sản phẩm cao su là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, còn lại các mặt hàng khác có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường