Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh chè
22 | 02 | 2023
Chè được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Phú Thọ, ứng dụng khoa học- công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ chè đang được người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh nhằm nâng cao vị thế, chất lượng cho sản phẩm.

Nguồn: baophutho.vn

Sản phẩm chè xanh của HTX sản xuất chè an toàn xã Long Cốc, huyện Tân Sơn có mã số, mã vạch, QR Code, tạo thuận lợi trong tiêu thụ ở các kênh bán hàng hiện đại và thương mại điện tử.

Hiện nay, diện tích chè toàn tỉnh gần 15.000ha, tỉ lệ chè giống mới chiếm gần 80% diện tích. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.700ha chè được cấp chứng nhận an toàn (RA, VietGAP), hình thành trên 150 vùng sản xuất chè tập trung với diện tích 5.100ha. Hoạt động sản xuất gắn liền chế biến với 59 doanh nghiệp, HTX chế biến chè có công suất từ 1.000 tấn chè búp tươi/năm trở lên, có gần 1.300 cơ sở chế biến thủ công, 18 làng nghề và 25 HTX sản xuất, chế biến chè.

Thực hiện quy trình canh tác tiên tiến, các hộ dân, doanh nghiệp ngành chè tích cực ứng dụng sổ nhật ký điện tử vào quá trình quản lý sản xuất. Việc nâng cao năng lực cơ giới hóa ở tất cả các khâu trong chuỗi giá trị; tiếp tục chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, biện pháp canh tác, phân bón, công nghệ tưới… giúp nâng cao năng suất, chất lượng chè nguyên liệu. Bên cạnh kỹ thuật trồng, chăm sóc chè thì công nghệ, năng lực bảo quản, sơ chế, chế biến và bao bì nhãn mác sản phẩm chè được cải thiện. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư thiết bị chế biến chè theo hướng đồng bộ, hiện đại nên sản phẩm chè làm ra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hình thức sản phẩm đẹp hơn, tiết kiệm chi phí hơn nên được khách hàng ưa chuộng. Nhiều doanh nghiệp, làng nghề, HTX sản xuất, chế biến chè xanh chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

 

HTX sản xuất chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn thời gian qua đã chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Năm 2022, HTX được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Chè Phú Thọ”; sản phẩm chè xanh thơm Kim Tuyên Cẩm Mỹ đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh hạng bốn sao. Ông Đinh Mạnh Cường- Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi nhận thức được rằng, trong xu thế hiện nay, việc hiện đại hóa công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số là yếu tố quyết định đến chất lượng, giá trị sản phẩm. HTX canh tác chè theo hướng an toàn, đầu tư hệ thống tưới phun mưa để tiết kiệm nước, bảo đảm chất lượng chè nguyên liệu. Từ chính sách khuyến công và các nguồn vốn hỗ trợ khác, HTX được hỗ trợ một phần vốn đầu tư máy móc. Đến nay, HTX có máy sao chè bằng ga, máy sao sấy bằng tôn, máy hút chân không... Các thiết bị hiện đại, hiển thị thông số kỹ thuật nên sản phẩm làm ra đồng đều, đạt chất lượng”.

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, máy tính có kết nối Internet, người tiêu dùng có thể tra cứu các thông tin về sản phẩm để chọn lựa những sản phẩm có chất lượng tốt nhất với giá cả phù hợp. Vì vậy, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại không còn là lựa chọn mà trở thành hướng đi bắt buộc với các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành chè để duy trì, mở rộng thị trường trong thời đại công nghệ số. Công ty TNHH Chè Đức Tuân, xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng chuyên sản xuất chè xanh và chè đen cao cấp. Năm 2022, sản lượng sản xuất của Công ty đạt trên 120 tấn sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc Công ty cho biết: “Chúng tôi xây dựng quy trình sản xuất chặt chẽ, đầu tư máy móc công nghệ, chuyên nghiệp hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thời gian tới, chúng tôi hướng đến xuất khẩu sản phẩm chè xanh sang Nga, các nước Đông Âu. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại bước đầu phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí cũng như khắc phục được những khó khăn về khoảng cách địa lý và thời gian, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tăng trưởng trong sản xuất, kinh doanh”.

Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất, kinh doanh chè. Đây cũng là xu hướng buộc các cơ sở sản xuất phải thích ứng để nâng cao giá trị, đưa sản phẩm thâm nhập tốt hơn vào thị trường.



baophutho.vn
Báo cáo phân tích thị trường