Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhận diện con đường chè Việt xuất khẩu
13 | 03 | 2023
Hiện nay, chè không chỉ đơn thuần là đồ uống hằng ngày mà đã trở thành quà biếu trong những dịp đặc biệt. Còn thị trường xuất khẩu chè Việt đã có những dấu hiệu đáng mừng trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn đó những điều cần phải khắc phục để chè Việt khẳng định được chất lượng, thương hiệu và xuất khẩu "vươn xa" tới nhiều thị trường.
Nguồn: kythuatchonghanggia.vn
Sản phẩm chè Việt Nam đã và đang chinh phục người tiêu dùng.
Xuất khẩu chè Việt Nam
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng chè xuất khẩu tháng 12 năm 2022 ước đạt 12 nghìn tấn, với giá trị đạt 21 triệu USD. Đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu chè năm 2022 đạt 146 nghìn tấn và 237 triệu USD, tăng 15,3% về khối lượng và tăng 10,7% về giá trị so với năm 2021.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu chè trong quý IV/2022 đạt 54,1 nghìn tấn, trị giá 79 triệu USD, tăng 53,6% về lượng và tăng 30,3% về trị giá so với quý IV/2021. Giá chè xuất khẩu bình quân trong quý IV/2022 ước đạt 1.460 USD/tấn, giảm 15,1% với cùng kỳ năm 2021.
Trong bối cảnh thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các yếu tố địa kinh tế, địa chính trị, xung đột quân sự... sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước, đẩy chi phí vận chuyển tăng mạnh. Tuy nhiên, ngành chè vẫn đạt được kết quả tích cực trong năm 2022. Với kết quả đạt được trong năm 2022, triển vọng xuất khẩu chè trong năm 2023 sẽ khả quan hơn, khi tình hình kinh tế thế giới được cải thiện, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng tại các thị trường xuất khẩu chính.
Được biết, trong khối lượng chè xuất khẩu thì chè xanh là chủng loại xuất khẩu chính trong 11 tháng năm 2022, với khối lượng đạt 55,2 nghìn tấn, với trị giá 104 triệu USD, tăng 12,2% về lượng và tăng 9,1% trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè xanh xuất khẩu bình quân đạt 1.884,2 USD/tấn, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tiếp đến là chủng loại chè đen xuất khẩu đạt 49,4 nghìn tấn, trị giá 70,7 triệu USD, giảm 7,7% về lượng và giảm 6,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè đen xuất khẩu bình quân đạt 1.432,7 USD/ tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, chủng loại chè ô long xuất khẩu trong 11 tháng năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, đạt 600 tấn, trị giá 1,7 triệu USD, tăng 75,2% về lượng và tăng 155,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè ô long xuất khẩu đạt 3.106,7 USD/tấn, tăng 45,8% so với cùng kỳ.
Các thị trường nhập khẩu chè chính trên thế giới như Pakistan, thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản có xu hướng giảm, trong khi đó thị trường Hoa Kỳ và Anh tăng cả về lượng và trị giá. Trong đó, Pakistan là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất trên thế giới.
Trà Việt Nam được trưng bày tại Hội chợ quốc tế nông nghiệp Pháp SIA 2020. Ảnh: TTXVN.
Mới đây, Với chủ đề “Nông nghiệp: Cuộc sống hằng ngày”, Hội chợ quốc tế nông nghiệp Pháp SIA 2023 diễn ra từ ngày 25/2 - 5/3, thu hút hơn 1.000 nhà triển lãm đến từ 20 quốc gia.
Hội chợ không chỉ là điểm hẹn của các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ nông nghiệp, mà còn là nơi giới thiệu các sản phẩm mới, các công nghệ tiên tiến và các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường. Trà và mứt hoa quả là hai sản phẩm chính mà các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu tại sự kiện thường niên lớn nhất về nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và nông thôn Pháp.
Với việc tham gia các hội chợ quốc tế, đây sẽ là cơ hội tốt để quảng bá các mặt hàng trà Việt Nam cũng như các sản phẩm và thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, là điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm hơn nữa.
Khắc phục những thiếu sót để chè Việt "vươn xa"
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất và xuất khẩu chè của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. 
Về cơ bản, sản xuất chè của Việt Nam vẫn là sản xuất nông hộ nhỏ, nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Cụ thể, sản xuất chè trong nông hộ chiếm gần 65% về diện tích, quy mô sản xuất nhỏ bình quân khoảng 0,2ha/hộ. Ðiều này khiến cho chất lượng sản phẩm chè của nước ta không đồng đều và khó đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, nguyên liệu chè cung cấp cho các nhà máy chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Có tới 70% số lượng giống chè của Việt Nam chỉ phù hợp cho chế biến chè đen, tỷ lệ giống cho chế biến chè xanh và các chè khác chỉ chiếm 30%. Do cơ cấu giống chưa hợp lý nên chè đen vẫn là sản phẩm chủ lực xuất khẩu của Việt Nam với 55% sản lượng, chè xanh chiếm 44%, các loại chè khác chỉ chiếm 1%. Trong khi đó, trên thế giới cơ cấu giống chè đen chỉ chiếm xấp xỉ 10%; giống chế biến được cả chè đen và chè xanh chiếm 44,2%; giống chuyên chế biến chè xanh chiếm 21,2%; giống cho chế biến chè Ô long và các chè cao cấp khác chiếm gần 25%.
Đối với khâu chế biến, tiêu thụ chè hiện cũng tồn tại nhiều bất cập. Số lượng các doanh nghiệp đầu tư chè chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường vẫn còn khiêm tốn. Hiện cả nước có 370 tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu chè tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp. Trong khi đó, việc tổ chức sản xuất chè giữa các tỉnh có sự chênh lệch lớn, có nơi một ha chè đạt giá trị từ 500 - 800 triệu đồng/năm, nhưng có nơi chưa đạt đến 100 triệu đồng/ha/năm. 
Việc liên kết sản xuất, chế biến chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, thậm chí làm rối loạn thị trường xuất khẩu, không kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm. Tình trạng thu gom nguyên liệu qua nhiều khâu trung gian không những làm tăng giá đầu vào, mà còn kéo dài thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng nguyên liệu, tăng chi phí đầu tư, nhân công trong khâu chế biến, giảm chất lượng chè thành phẩm.
Đồng thời, công tác quảng bá thương hiệu của ngành chè chưa tốt. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là rào cản lớn để chè Việt Nam tiếp cận được các thị trường cao cấp tiềm năng. Thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam được đánh giá còn khá nghèo nàn về tính đa dạng sản phẩm và chất lượng cũng chưa cao. Hiện nay, tuy đang đứng thứ 5 trên toàn thế giới về xuất khẩu chè, song phần lớn sản lượng chè xuất khẩu chỉ chủ yếu là xuất sang các thị trường dễ tính, không đòi hỏi quá cao về chất lượng sản phẩm.
Nhiều địa phương chưa có định hướng phát triển cụ thể cho từng giống chè để phát huy tiềm năng của giống, lợi thế vùng sinh thái và thực hiện các chính sách về cánh đồng lớn của Chính phủ…
Mặt khác, mong muốn của người tiêu dùng về vấn đề trà sạch, an toàn… đang là một nhu cầu bức thiết của xã hội. Đây là vấn đề đòi hỏi ngành chè phải xây dựng cho bằng được những nhà sản xuất có đạo đức, có trách nhiệm với người tiêu dùng. Câu chuyện trà sạch, trà bẩn, từng tốn không ít giấy mực để bình luận. Không thể phủ nhận, vị thế ngành trà Việt trong và ngoài nước đã có lúc suy giảm, chỉ bởi những sản phẩm trà kém chất lượng, nhiều nhà sản xuất chỉ hướng đến mục tiêu số lượng mà quên đi kiểm soát chất lượng, cũng như hạn chế việc nâng cao kỹ thuật chế biến. Câu chuyện trà trộn bùn đất, chất bẩn cho nặng ký, trồng trà gia tăng lượng thuốc kích thích lá phát triển, trà tồn đọng lượng thuốc trừ sâu, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao… đã từng là những điều gây mất uy tín, khiến trà Việt dù xuất khẩu số lượng đứng thứ 5, có khi lên thứ 4 thế giới, nhưng mức giá vẫn chỉ lẹt đẹt ở mức bình quân từ 1 - 1,6USD/kg trà.
Các địa phương trồng chè phát triển theo mô hình OCCOP. 
Ở thị trường hôm nay, có thể thấy rõ người tiêu dùng trà, các nhà nhập khẩu trà cũng đang ngày một khắt khe hơn trong vấn đề trà sạch, an toàn khi áp đặt những chứng nhận, tiêu chuẩn lên trà.
Các đơn vị đầu ngành cũng tổ chức các khóa tập huấn, xây dựng các mô hình hợp tác xã, hội nhóm, góp phần nâng cao ý thức của nông dân trong việc sử dụng các loại thuốc, phân bón ở mức cho phép để cho ra sản phẩm trà sạch, trà an toàn.
Trà đem lại nguồn thu đáng kể, nếu không "kiên định", rất dễ chạy theo nhu cầu số lượng mà bỏ qua chất lượng của trà, việc đầu tư này chỉ là ngắn hạn, không thể đạt tiêu chí bền vững.
Qua đến phần sản xuất, người làm trà đạo đức, trách nhiệm, cũng sẽ biết chọn lọc nguyên liệu an toàn từ vùng nguyên liệu mà mình có thể kiểm soát, đồng thời nâng cao kỹ thuật chế biến, chắc chắn những việc làm này sẽ mang lại những sản phẩm trà giá trị.
Điều đáng mừng là ngành trà Việt hiện tự tin để khẳng định những kỹ thuật hiện đại hàng đầu trong ngành trà thế giới, những tay nghề người làm trà thâm niên… Việt Nam đều có đủ để tạo ra nhiều dòng trà chất lượng, quý hiếm ở tầm thế giới.
Các thứ hạng cao của trà Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa, trà Hoàng Su Phì, trà Sùng Đô ở những cuộc thi trà thế giới tại Pháp, Mỹ, Trung Quốc đã minh chứng cho chất lượng và kỹ thuật trà Việt không thua kém với mặt bằng chung của ngành trà toàn cầu.
Người tiêu dùng trà Việt hiện nay đã có thêm nhiều lựa chọn, thay vì chỉ một loại trà xanh “móc câu” sao sấy bằng phương pháp thủ công từ 15 - 20 năm về trước, thì nay trà Việt đã có đủ những sản phẩm trà mà thế giới đang có như trà xanh, trà vàng, bạch trà, hồng trà, trà đen, trà lên men (ép bánh)… đảm bảo chất lượng tầm quốc tế./.


kythuatchonghanggia.vn
Báo cáo phân tích thị trường