Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hội quán nông dân Đồng Tháp chuyển tư duy từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp
20 | 11 | 2023
Hội quán đã phát huy vai trò trung tâm kết nối cộng đồng, góp phần từng bước chuyển dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp của người nông dân.

Nguồn: vov.vn

Trong khuôn khổ Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng lần thứ I năm 2023, chiều 18/11 tại Đồng Tháp, Ban Tổ chức ngày hội đã tổ chức Hội thảo “Phát huy giá trị cộng đồng của Hội quán”. Hội thảo được chia làm 2 phiên: “Phát huy vai trò cộng đồng tự lực, tự quản, tự chủ, thực hiện tư duy kinh tế nông nghiệp” và “Hội quán tham gia bảo vệ môi trường, phát huy giá trị bản sắc văn hóa cộng đồng và phát triển du lịch nông nghiệp.

Mô hình Hội quán ở Đồng Tháp được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người nông dân và được xuất phát từ nhu cầu của chính nông dân, do nông dân đồng lòng lập ra để cùng sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản.

Từ khi hội quán được thành lập đầu tiên năm 2016 đến nay, mô hình này đã đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đặt nền móng cho sự thay đổi bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến nay, trên địa bàn Đồng Tháp có 145 Hội quán với hơn 7.500 thành viên đang hoạt động ở trong lĩnh vực sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá, du lịch và sản xuất bột. Từ mô hình hội quán đã có 38 hợp tác xã được thành lập với mục tiêu liên kết sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng.

 

Thông qua mô hình hội quán đã xuất hiện tư duy lớn cho mô hình kinh tế tập thể, đã có 14 Hội quán được cấp mã số vùng trồng với diện tích hơn 600 ha lúa, trái cây xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Nga, Nhật Bản và EU.

Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế giá trị cộng đồng trong Hội quán vẫn còn những bất cập. Sự thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp ở một số thành viên chưa theo kịp; tính chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp còn chậm; liên kết hợp tác trong một số lĩnh vực chưa bền vững; mô hình Hội quán được phát triển nhưng chưa gắn kết nhiều với phát triển du lịch.

Tại hội thảo, ông Lê Thành Công, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng cho biết, hội quán ở Đồng Tháp đã từng bước xây dựng tinh thần liên kết, hợp tác trong sản xuất, liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp; phát huy vai trò của các mô hình kinh tế tập thể trong định hướng phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, hội quá đã phát huy vai trò kết nối cộng đồng, thay đổi thói quen, tập quán sản xuất theo tín hiệu thị trường để tạo ra sản phẩm hữu cơ, tuần hoàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Hội quán đã phát huy vai trò trung tâm kết nối cộng đồng, góp phần từng bước chuyển dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp của người nông dân. Thay đổi thói quen, tập quán sản xuất từ tập trung vào sản lượng hướng đến tính hiệu quả, từ sản xuất đơn thuần cho đến biết sử dụng giá trị thương hiệu từ sản xuất đại trà đã biết dõi theo tín hiệu thị trường, từ sản xuất sản phẩm thô chuyển sang đa giá trị, từ nghĩ đến cho mình biết đặt mình vào vị trí của người tiêu dùng để tạo ra sản phẩm tử tế phục vụ cộng đồng, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội”, ông Lê Thành Công nêu rõ.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, mô hình Hội quán đã giúp giải bài toán “liên kết - hợp tác” giữa nông dân, đây được xem là mắt xích quan trọng để thực hiện việc “mua chung, bán chung”, góp phần “giảm chi phí, tăng chất lượng”, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Theo ông Minh, mô hình Hội quán đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; xây dựng mã vùng trồng, nhãn hiệu cho nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, đã góp phần trong xây dựng nông thôn mới và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP. Ngoài ra, thông qua mô hình hội quán người dân đã tiếp cận khoa học, kỹ thuật và đóng góp quan trọng trong đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp của

“Mô hình Hội quán là nền tảng vững chắc cho việc chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp từ lượng sang chất, đây là một điều rất là rõ ràng, hiện nay xuống hội quán bà con nói về quy trình, kỹ thuật canh tác về tiêu chuẩn chất lượng, về uy tín với khách hàng thì cũng được đề ra rất cao. Mô hình Hội quán được xem là ngôi nhà chung của nông dân, là kết quả tích cực của quá trình triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp, mang đậm bản chất giá trị cộng đồng rất cao”, ông Minh khẳng định.

Mô hình Hội quán nông dân ở Đồng Tháp được xem là ngôi nhà chung của người nông dân, đây được xem là kết quả tích cực của quá trình triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp và mang đậm bản chất giá trị cộng đồng. 

 

 



vov.vn
Báo cáo phân tích thị trường