Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Năm 2024 là một năm bứt phá của Nông nghiệp Việt Nam
18 | 12 | 2024
Năm 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, trong khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023.

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

Ngày 16/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Hồng Phong – Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, năm 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu.

Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023, với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Trong đó, có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,7 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD). Đặc biệt, xuất khẩu rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều có bước tăng trưởng hai con số (cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%).

Năm 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam

Năm 2024 là một năm bứt phá của Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: thoibaotaichinhvietnam.vn

Để tiếp tục duy trì ổn định sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới, ông Ngô Hồng Phong đề nghị các cơ quan ban ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Đồng thời, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics...

Ngoài ra, các địa phương cần chú trọng việc tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng, năng lực sản xuất kinh doanh của người sản xuất, kinh doanh nông sản trong tiếp cận thông tin thị trường, sản xuất theo tín hiệu thị trường, bảo vệ thương hiệu sản phẩm trước những vụ kiện về phòng vệ và tranh chấp thương mại quốc tế.../.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, sự chuyển mình của ngành Nông nghiệp hôm nay cũng là kết quả của quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ. Việc khắc phục hạn mặn, phát triển vùng nguyên liệu gắn kết với chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu đã tạo động lực cho ngành phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại đã tạo nền tảng vững chắc, giúp thúc đẩy kim ngạch song phương giữa các bên tăng trưởng đột phá.

 



Báo cáo phân tích thị trường