Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiêu chuẩn chất lượng - yếu tố để ngành điều duy trì vị trí số 1
28 | 07 | 2007
Sau 15 năm cạnh tranh trên thương trường, các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam đã làm rạng danh đất nước khi vượt qua Ấn Độ, giành ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều. Tuy nhiên, để giữ vững vị thế này, ngành điều còn rất nhiều việc phải làm…

Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam trở về sau Hội nghị tiêu chuẩn chất lượng nhân điều được tổ chức tại bang Florida (Hoa Kỳ) cho biết: “Tại hội nghị này, các nhà nhập khẩu điều hàng đầu thế giới đã xác nhận: Năm 2006, Việt Nam đã vượt Ấn Độ - cường quốc về cây điều - để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều. Chất lượng nhân điều Việt Nam cũng được ca ngợi là số 1, là thơm ngon hơn hẳn nhân điều của Ấn Độ, Brazil hay Tanzania”. Năm 2007, ngành điều được dự báo sẽ bội thu về sản lượng với khoảng 350.000 tấn. Cộng thêm 50.000 tấn nhập khẩu từ Campuchia, tổng sản lượng điều nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu sẽ là hơn 400.000 tấn. Theo ông Phạm Văn Công – Phó chủ tịch Vinacas: “Năm 2007 sẽ không còn tình trạng căng thẳng vì thiếu nguyên liệu như những vụ trước. Bởi qua khảo sát gần đây của Vinacas, hầu hết các vườn điều tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận…đều cho trái nhiều và chất lượng tốt. Tuy nhiên, giá xuất khẩu giảm chỉ còn 4.000 USD/tấn FOB, chi phí chế biến và lãi vay ngân hàng tiếp tục tăng cao sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp”. Năm 2006, ngành điều xuất khẩu được 126.808 tấn, đạt kim ngạch 503,7 triệu USD, tăng 16,5% so với năm 2005, nhưng chỉ tăng 0,45% về giá trị. 4 tháng đầu năm 2007, các doanh nghiệp xuất khẩu được 35.000 tấn, đạt kim ngạch 139 triệu USD. Như vậy, so với 4 tháng đầu năm 2006, số lượng xuất khẩu chỉ đạt 94,7% và 89,7% về giá trị. Với con số này, mặt hàng điều là một trong 3 mặt hàng có giá trị xuất khẩu không đạt so với cùng kỳ năm 2006. Các chuyên gia ngành điều cho rằng, năm nay ngành điều chỉ hoà vốn hoặc nếu có lãi cũng là rất ít. Điều này cho thấy, ngành điều dù có bội thu về sản lượng, nhưng việc nâng cao giá trị gia tăng cho điều vẫn còn là bài toán khó.

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Hiện nay, vấn đề các doanh nghiệp quan tâm nhất là chất lượng an toàn - vệ sinh cho hạt điều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm ngôi vị “quán quân” của ngành chưa chắc chắn. Khi gia nhập WTO, xuất khẩu điều không cạnh tranh về giá mà cạnh tranh về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, có tình trạng một số nhà cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy luôn gian lận bằng cách ngâm nước, trộn tạp chất khiến cho chất lượng hạt điều kém. Hậu quả tất yếu là giá bán thấp. Mặt khác, cơ chế cho vay vốn của các ngân hàng thường dồn vào mấy tháng thời vụ, các nhà máy cũng tranh thủ bằng mọi cách có thật nhiều vốn và thật sớm nên việc tranh mua giữa các doanh nghiệp quyết liệt, đẩy giá nguyên liệu lên cao hơn giá trị thực tế. Hơn nữa, mấy năm gần đây, chi phí cho chế biến tăng cao, đặc biệt là giá nhân công. Do nguồn nhân lực ngày càng giảm, các doanh nghiệp cũng phải tăng lương để thu hút lao động nhằm đảm bảo công suất nhà máy hoạt động. Chính những yếu tố đó đã góp phần làm tăng chi phí sản xuất, dẫn đến hành vi gian lận, pha lẫn tạp chất, hạt điều ngâm nước trong điều nhân của các doanh nghiệp.

Để giải quyết tình trạng do thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến như trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra chỉ tiêu phát triển ngành điều đến năm 2010, sẽ tăng diện tích trồng điều lên 450.000 ha (năm 2005 là 350.000 ha). Bộ Nông nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn cho phép nhập khẩu 125.000 tấn điều thô, nhằm cung cấp cho các nhà máy chế biến dành cho xuất khẩu và sẽ sản xuất 50.000 tấn.

Làm sao giữ vững ngôi vị?

Tiềm năng về xuất khẩu điều của Việt Nam ai cũng thấy rõ, song, bằng cách nào để thành quả đạt được mang tính bền vững? Làm sao để Việt Nam vẫn là cường quốc xuất khẩu điều hàng đầu thế giới? Đây vẫn là câu hỏi khó. Thật vậy, mặc dù Việt Nam đứng đầu thế giới nhưng bản thân ngành điều vẫn đang đứng trước rất nhiều thách thức. Ấn Độ dù đã xuống vị trí thứ hai, nhưng họ lại có một thị trường nội địa hết sức vững chắc. Còn Việt Nam, lâu nay các doanh nghiệp chỉ chú tâm phát triển xuất khẩu mà thiếu đầu tư cho thị trường nội địa.

Ngoài vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm rất yếu, hiện nay ngành điều còn đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Theo thống kê, tổng số lao động ngành điều là trên 300.000 người. Nhưng tại các doanh nghiệp, số lao động mới đáp ứng được 60% công suất hoạt động của nhà máy.

Như vậy, có thể thấy, việc giữ vững ngôi vị quán quân phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân ngành điều, trong đó vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải đặc biệt chú ý. Để làm được điều này, doanh nghiệp và người sản xuất phải liên kết chặt chẽ, hai bên cùng có lợi và vì mục tiêu chung. Ngành điều Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu trên thế giới nhưng việc giữ và phát triển tên tuổi sẽ còn khó khăn hơn chặng đường 15 năm vất vả. Chỉ cần một sơ suất nhỏ hoặc các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên lối làm việc “mạnh ai nấy đi” thì những thành quả vừa gây dựng được có thể tan thành mây khói.



Trang Nhung (www.agro.gov.vn)
Báo cáo phân tích thị trường