Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Năm 2007 tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng và chống tham nhũng, lãng phí
30 | 06 | 2007
Tại phiên họp thường kỳ cuối năm 2006 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ ba nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2007 là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,5%, đẩy mạnh cải cách hành chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng.
Trong hai ngày 26 và 27-12, tại Hà Nội, Chính phủ họp phiên thường kỳ cuối năm 2006, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Phạm Gia Khiêm. Các đồng chí: Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Ðoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Ðặng Quân Thụy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ; Ðại diện các ban của Ðảng, các tổ chức chính trị, đoàn thể T.Ư cùng tham dự phiên họp.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã xem xét và cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành năm 2006 và Chương trình công tác năm 2007 của Chính phủ; Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2006; tình hình thị trường trong nước và xuất khẩu năm 2006; tình hình phát hành và đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ; báo cáo kiểm điểm thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Tờ trình về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh; Cơ chế đặc thù đối với việc đầu tư các dự án xây dựng đường tuần tra biên giới; Tờ trình về dự án Luật Hóa chất.

Về tình hình kinh tế-xã hội năm 2006, các thành viên Chính phủ và các đại biểu tham dự hội nghị nhất trí cho rằng, năm 2006, hầu hết các chỉ tiêu báo cáo ra Quốc hội đều đạt và vượt. Nền kinh tế duy trì được ở mức tăng trưởng khá, đạt 8,17%, đặc biệt duy trì được xu thế quý sau cao hơn quý trước (Quý I tăng 7,18%, Quý II tăng 7,54%, Quý III tăng 8,67% và Quý IV tăng 8,85%). Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2006 đạt 490,8 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so năm 2005, trong đó khu vực DNNN tăng 9,1%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 23,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,8%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp của nhiều địa phương khá tốt, 10/15 tỉnh, thành phố có tỷ trọng lớn duy trì được tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao so với năm trước như: Hà Nội 16,6%; Hải Phòng 18,1%; Vĩnh Phúc 25,6%; Bình Dương 25,3%; Hà Tây 23,3%; Hải Dương 23,2%; Ðồng Nai 22%; Cần Thơ 22%; Quảng Ninh 18%; Khánh Hòa 16,1%...

Mặc dù năm 2006 có nhiều khó khăn do bão, lũ, mưa đá; dịch bệnh..., nhưng sản xuất nông, lâm,ngư nghiệp tiếp tục phát triển. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 4,4%, trong đó nông nghiệp tăng 3,6%; lâm nghiệp tăng 1,2%; thủy sản tăng 7,7%.

Các ngành dịch vụ phát triển khá, nhất là thương mại bán lẻ. Hoạt động viễn thông được mở rộng, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân. Hoạt động đối ngoại thành công, tổ chức tốt Hội nghị APEC 14, gia nhập WTO. Xuất khẩu duy trì được mức tăng trưởng cao, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 39,6 tỷ USD. Nhập siêu giảm cả về kim ngạch và tỷ lệ so với năm 2005. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước tới nay (10,2 tỷ USD). Cam kết ODA của các nhà tài trợ duy trì ở mức cao, đạt 4,44 tỷ USD. Nhiều mặt hoạt động xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực.

Về công tác chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, các thành viên Chính phủ và các đại biểu tham dự hội nghị đều nhất trí đánh giá, năm 2006, chỉ đạo của Chính phủ năng động hơn, khối lượng công việc giải quyết nhiều hơn, nhanh hơn và kiên quyết hơn.

Bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được, trong năm 2006 nền kinh tế đang còn một số khó khăn. Dịch cúm gia cầm và hạn hán tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp; giá một số nguyên liệu, nhiên liệu chịu sự tác động của giá cả thế giới ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt. Một số vấn đề xã hội còn bức xúc. Tình hình trật tự an toàn giao thông chưa có tiến bộ tích cực. Số vụ tai nạn giao thông và số người chết vì tai nạn giao thông còn cao. Trung bình trong cả nước, mỗi ngày xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông, làm chết 34 người và bị thương 30 người.

Về chương trình công tác năm 2007, Chính phủ nhất trí tập trung vào năm nội dung chính: Chỉ đạo sát sao các vấn đề có tính chiến lược, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển kinh tế - xã hội có chất lượng và bền vững; Ðẩy mạnh xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển và giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội; tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết kiếu nại, tố cáo; chỉ đạo kiên quyết việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh; Thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của Chính phủ, tăng cường công tác kiểm tra văn bản.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí với những đánh giá của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2006 mà hội nghị đã thảo luận, nhất trí. Về Chương trình công tác năm 2007, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, điều hành toàn diện, đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt lưu ý đến ổn định vĩ mô, nhất là ổn định giá cả. Cần tập trung thực hiện tốt ba nội dung chính, đó là:  Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng GDP là 8,5%; coi cải cách hành chính là khâu đột phá để bảo đảm tăng trưởng ổn định; tích cực thực hiện phòng, chống tham nhũng một cách cụ thể hơn.

Ðể thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ngay từ tháng đầu, quý đầu năm 2007, các bộ, ngành T.Ư và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và xây dựng cơ bản. Phải xây dựng mục tiêu và giải pháp thực hiện một cách cụ thể. Giảm bớt các cuộc hội, họp không cần thiết. Chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Ðinh Hợi vui vẻ, lành mạnh. Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong việc tổ chức đón Tết, không quà cáp, biếu xén... Về an toàn giao thông, Thủ tướng lưu ý cần triển khai hai đề án, một là tiếp tục thực hiện kìm chế, tiến tới giảm tai nạn giao thông, hai là, chống ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn.


(Nguồn: Nhân dân)
Báo cáo phân tích thị trường