Từ nhiều năm nay các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ nước ta luôn phải đối diện với vấn đề thiếu nguyên liệu, trong khi đó đầu ra cho thị trường rất rộng. Theo ông, vấn đề ở đây là gì? Hiện Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ sang 120 quốc gia nhưng có 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật Bản. Năm 2006 xuất khẩu sang Mỹ 774 triệu USD, sang EU khoảng 400 triệu USD và Nhật Bản 280 triệu USD.
Con số này quá nhỏ so với nhu cầu, bởi mỗi năm thị trường Mỹ tiêu thụ khoảng 70 tỷ USD, EU khoảng 100 tỷ USD..., tính chung thị trường đồ gỗ trên thế giới tiêu thụ khoảng 250 tỷ USD mỗi năm.
Như vậy lượng gỗ của mình tiêu thụ tại các thị trường này là thấp, có thể khẳng định chúng ta không lo đầu ra, vấn đề ở đây là gỗ nguyên liệu lấy ở đâu?
Trước đây, nhu cầu ít thì nguồn gỗ nguyên liệu trong nước đủ cung cấp. Những năm gần đây, Nhà nước hạn chế khai thác gỗ rừng tự nhiên, mỗi năm chỉ cho khai thác từ 150.000 đến 200.000 m3 trong khi nhu cầu cần từ 3 đến 4 triệu m3 mỗi năm.
Như vậy, chúng ta phải nhập khẩu để bù đắp lượng gỗ thiếu này. Liên tục từ năm 2000 đến nay, năm nào cũng nhập khẩu gỗ về để sản xuất với mức bình quân theo kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2000 xuất khẩu 212 triệu USD thì nhập khẩu khoảng 70 đến 80 triệu USD. Năm 2006, xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 716 triệu USD. Hiện nay nước ta nhập khẩu tới 80% gỗ nguyên liệu.
80% lượng gỗ nguyên liệu phải nhập khẩu, đây là một con số khá cao. Liệu đây có phải là điều bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước vì không chủ động được nguồn nguyên liệu không, thưa ông?
Các doanh nghiệp rất bất lợi vì không chủ động được nguồn nguyên liệu. Theo đánh giá của các chuyên gia thì giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu của Việt Nam năm 2006 tăng từ 40 đến 100% đối với từng loại.
Đây có mức giá tăng quá cao trong khi nhu cầu nhập khẩu gỗ nguyên liệu của nước ta lại không ngừng tăng lên. Thêm vào đó các nguồn cung cấp gỗ trên thế giới đang có những biến động bất lợi cho người nhập khẩu.
Nguồn cung cấp tại các nước cận kề như Lào, Campuchia đang cạn kiệt, trong khi thị trường nhập khẩu gỗ nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam là Malaysia thì giá đang tăng mạnh, nhiều nước như Liên bang Nga lại tăng thuế xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Đó là chưa tính đến giá xăng dầu trên thế giới tăng kéo theo giá vận chuyển tăng...
Ngành công nghiệp sản xuất ván nhân tạo của nước ta chưa phát triển, mỗi năm phải nhập khẩu gần 1 triệu m3.
Có một nghịch lý là hàng năm chúng ta xuất khẩu hàng triệu tấn gỗ dăm khai thác từ rừng trồng trong nước. Đây là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất ván nhân tạo.
Nguyên nhân chính là do hiện nay cả nước mới có 4 nhà máy ván sợi MDF với công suất chưa tới 100.000 m3 sản phẩm/năm với chất lượng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất hàng xuất khẩu.
Hiện nước ta rất cần thêm nhà máy sản xuất ván nhân tạo để tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước và cũng là nguồn cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đồ gỗ từ ván nhân tạo. Như vậy giá thành sản phẩm sẽ giảm đi rất nhiều và có thể cạnh tranh được với các nước.
Vậy Nhà nước đã làm gì để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vấn đề nguyên liệu hiện nay, thưa ông?
Chúng tôi đang xây dựng 3 trung tâm giao dịch gỗ ở 3 miền để giúp các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ dễ dàng hơn, giá rẻ hơn. Nhà nước đã có chính sách miễn thuế nhập nguyên liệu gỗ và miễn thuế xuất khẩu để khuyến khích nghề gỗ phát triển.
Thêm một vấn đề nữa là các doanh nghiệp gỗ chỉ sử dụng được từ 60 đến 70% gỗ nguyên liệu, quá lãng phí, nên cần đầu tư công nghệ để tiết kiệm. Ví dụ như xẻ một cây gỗ theo phương pháp thông thường chỉ lấy được 65%, nếu sử dụng công nghệ sẽ tận dụng được 90%.
Theo tôi, Nhà nước nên khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào trồng rừng, thậm chí có thể đầu tư nuôi dưỡng rừng tự nhiên. Xây dựng nguồn vốn tín dụng để các doanh nghiệp gỗ vay đầu tư vào công nghệ.
Hiện nay ngành gỗ rất thiếu công nhân kỹ thuật bậc cao, cả nước có 5 trường đào tạo công nhân với số lượng quá ít mà nhu cầu của các doanh nghiệp lại cao.