Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thái Lan sau 3 năm thực hiện Chương trình Thu hoạch sớm với Trung Quốc
11 | 08 | 2007
Tháng 6 năm 2003, Thái Lan và Trung quốc ký kết một Chương trình thu hoạch sớm về các mặt hàng rau, quả và một số loại ngũ cốc. Chính phủ Thái Lan đã rất tin tưởng vào những lợi ích từ Chương trình này vì vậy đã thực hiện một lộ trình cắt giảm thuế đối với nông sản rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc. Trên thực tế, Thái Lan đã phải đương đầu với rất nhiều khó khăn để có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc, và hiện đang là đối thủ cạnh tranh mạnh với nông sản Việt Nam trên thị trường này.

Trong khuôn khổ phần 1 của lộ trình thực hiện tự do thương mại hàng hoá ASEAN-Trung Quốc, tháng 6 năm 2003, Thái Lan và Trung quốc ký kết một Chương trình thu hoạch sớm về các mặt hàng rau, quả và một số loại ngũ cốc. Theo đó, ngay từ đầu tháng 10 năm 2003, thuế suất áp dụng 188 mặt hàng rau, quả và hạt được xuất, nhập khẩu giữa hai quốc gia được cắt giảm xuống 0%. Chương trình Thu hoạch sớm trong nông nghiệp Thái Lan-Trung quốc là EHA đầu tiên giữa Trung Quốc và một thành viên của Hiệp hội ASEAN.

Chính phủ Thái Lan đã rất tin tưởng vào những lợi ích to lớn từ việc thực hiện Chương trình thu hoạch sớm với Trung quốc. Vì vậy, Thái Lan nhanh chóng thực hiện cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng nông sản rau quả, mặc dù Hiệp định Khung FTA ASEAN-Trung quốc yêu cầu bắt đầu từ 1/1/2004, cả hai nước Thái Lan và Trung quốc cùng thực hiện cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu 8 nhóm hàng nông sản và tiến tới cắt giảm xuống 0% trước thời điểm năm 2006.

Trên thực tế, Thái Lan đã phải đương đầu với rất nhiều trở ngại từ hàng rào bảo hộ phi thuế của Trung Quốc. Năm 2005, Ông Wipapan Kohkietkhajorn, Ban Hành động của Thái Lan về vấn đề toàn cầu hoá, đã tổng kết lại một hệ thống những trở ngại mà các nhà xuất khẩu rau quả tươi của Thái Lan phải đương đầu khi để tiếp cận thị trường rau quả Trung Quốc:

Thứ nhất, Trung quốc yêu cầu hàng hoá nhập khẩu vào thị trường Trung quốc phải có đầy đủ giấy chứng nhận sản phẩm của Chính phủ Thái Lan và có nguồn gốc từ các nông trường sản xuất đã đăng ký và được Phòng Nông nghiệp Thái Lan kiểm tra về tàn dư thuốc bảo vệ thực vật. Các nhà xuất khẩu Thái Lan khi thực hiện đầy đủ các thủ tục phức tạp này ngoài việc tiêu tốn nhiều thời gian và tiền của, hàng nông sản trong lúc chờ đợi đã trở nên thối hỏng và kém chất lượng.

Thứ hai, Trung quốc yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản sản xuất từ Thái Lan phải được trực tiếp Chính phủ Trung quốc cấp giấy phép hoạt động và phải là doanh nghiệp Trung quốc. Bởi vì cho đến nay Trung quốc chưa cho phép các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh xuất nhập khẩu hoạt động tại thị trường Trung quốc. Chính vì mọi hoạt động xuất khẩu của Thái Lan phải đi qua một khâu trung gian phía Trung quốc nên đã làm tăng chi phí cho hàng xuất khẩu của Thái Lan.

Thứ ba, Trung quốc quy định các doanh nghiệp nhập khẩu phải được cấp giấy phép nhập khẩu, thời gian để cấp phép thông thường là 1 tuần lễ. Nếu để có được một giấy phép nhập khẩu từ Phòng Kiểm dịch Tiêu chuẩn Hàng hoá thì cần đến 1 tháng. Mỗi giấy phép có thời hạn 6 tháng và chi phí cho một giấy phép là 20 tệ (khoảng 100 bạt Thái Lan) và có thể sử dụng cho nhiều loại hàng nhập khẩu. Ngoài ra, chi phí để được cấp một Chứng nhận Vệ sinh cho hàng hoá nhập khẩu là 20 tệ.

Thứ tư, vận chuyển hàng hoá bằng đường biển từ Thái Lan vào Trung Quốc rất khó khăn. Chỉ có duy nhất 1 chuyến tàu chở hàng mỗi ngày từ Thái lan tới Quảng Đông, có 5 chuyến mỗi ngày từ Thái Lan đến Trung quốc và quá cảnh Hồng Kông. Tuy nhiên, vận chuyển hàng hoá qua Hồng Kông vào Trung quốc thậm chí xa hơn và tốn kém chi phí hơn. Ngoài ra, vận chuyển hàng hoá trong nội địa Trung quốc chậm và khó khăn do có quá ít tuyến giao thông đường bộ. Vì vậy, hàng hoa quả tươi của Thái Lan chỉ xuất khẩu vào 4 thành phố của Trung quốc Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Côn Minh.

Những giải pháp được thực hiện

Thái Lan tích cực nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông để phục vụ thúc đẩy thương mại với Trung Quốc. Thái Lan đã đầu tư lớn để cải tạo sông Mêkông thành một con đường vận tải thuỷ an toàn, thuận lợi, giá rẻ để chuyên chở rau quả, hải sản đến các tỉnh xa nằm ở phía Tây của Trung Quốc. Thái Lan sử dụng cả máy bay để vận chuyển rau quả, nông sản, hải sản tươi sống đến các tỉnh Trung Quốc để bán tươi trong ngày. Bằng cách này, các doanh nghiệp Thái Lan đã vượt xa các doanh nghiệp Việt Nam vốn chỉ chuyên chở rau quả, nông sản sang Trung Quốc bằng xe đông lạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan đã ký kết với Chính phủ Trung Quốc các Hiệp định chung về Kiểm dịch động, thực vật và cơ chế kiểm tra hải quan một lần. Trong khi đó Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa có những Hiệp định chung về kiểm dịch động thực vật và cơ chế kiểm tra hải quan một lần giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa thực hiện được. Các thoả thuận giữa Việt Nam với Trung Quốc về kiểm dịch và giám sát vệ sinh vẫn chưa được phổ biến kịp thời, rộng rãi đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Kết quả là nhiều loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc vẫn còn vấp phải những rào cản kỹ thuật; các mặt hàng tươi sống của Việt Nam hay bị gây khó dễ bởi mã hàng hai bên không thống nhất, chứng chỉ vệ sinh chưa được hai bên công nhận.

Nông sản Thái Lan cạnh tranh mạnh với nông sản Việt Nam ở Trung Quốc

Chương trình thu hoạch sớm Việt Nam-Trung Quốc thực hiện trong 5 năm (2004-2008) áp dụng tất cả các mặt hàng nông sản thuộc chương 1 đến chương 8 của biểu thuế nhập khẩu. Hiện nay, các cam kết tự do thương mại hàng hoá của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc đang được các nước thành viên triển khai thực hiện. Riêng đối với Việt Nam, từ ngày 1/1/2004, Trung Quốc cắt giảm dần 206 dòng thuế nhập khẩu từ Việt Nam sẽ cắt giảm dần 88 dòng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc xuống bằng 0% trước ngày 1/1/2008.

Mặc dù Trung Quốc được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng, nhưng từ khi thực hiện Chương trình Thu hoạch sớm đến nay, việc xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Trung Quốc không tăng lên, mà lại giảm đi. Trong giai đoạn 2001-2005, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản (chủ yếu là rau quả) Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm từ 142,8 triệu USD xuống còn 35 triệu USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ Trung Quốc tăng từ 30,9 triệu USD lên 80,2 triệu USD. Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, thách thức đáng lo ngại nhất là hàng nông sản Việt Nam đang phải cạnh tranh với hàng nông sản của các nước trong khối ASEAN, đặc biệt là Thái Lan.




Hoàng Ngân
Báo cáo phân tích thị trường