TT - Mặc dù đã được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho phép thu hoạch trở lại nhưng người nuôi sò ở Kiên Giang vẫn... "thở dài" sau sự cố sò lông nhiễm độc chất.
Ông Vương Minh Mẫn - trưởng Phòng Nông lâm ngư nghiệp huyện Kiên Lương - cho biết đến nay diện tích nuôi sò lông ở huyện Kiên Lương khoảng 1.000ha. Trước thông tin sò bị nhiễm độc chất, giá sò lông từ 2.000-2.500 đồng/kg giảm còn 500 đồng/kg khiến người nuôi bị thua lỗ.
"Ẩn khúc mang tên Cd"
Theo ông Lưu Quan Điểm - chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng - an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (CLATVSTYTS), Sở Thủy sản Kiên Giang, ngành chức năng đã lấy mẫu các loài nhuyễn thể tại khu vực Kiên Lương và phát hiện sò lông ở xung quanh khu vực quần đảo Bà Lụa có nhiễm chất cadmi (Cd, một kim loại nặng, có độc tính nguy hại cho sức khỏe con người).
Cụ thể, Chi cục Quản lý CLATVSTYTS Kiên Giang đã phối hợp cùng Trung tâm CLATVSTYTS vùng 6 (đóng tại Cần Thơ) lấy mẫu và kết quả cho thấy các mẫu sò lông lấy từ 19-5-2007 đến 10-7-2007 đều có chất Cd cao hơn ngưỡng cho phép của VN, dao động từ 1.560-2.864µg/kg trong khi giới hạn cho phép đối với Cd là 1.000µg/kg. Trên cơ sở đó, Chi cục Quản lý CLATVSTYTS Kiên Giang đã có văn bản tạm thời đình chỉ thu hoạch sò lông.
Thị trường sò lông ở Kiên Lương đã gần như đóng băng, giá sò quá thấp nên nhiều hộ nuôi chọn giải pháp chờ... Trước khó khăn của người nuôi, Trung tâm CLATVSTYTS vùng 6 đã kiến nghị vẫn cho khai thác vì tiêu chuẩn VN và EU chỉ cho phép lượng Cd tối đa là 1.000µg/kg, nhưng ở các thị trường khác như Mỹ (mức cho phép là 4.000µg/kg), Ả Rập (3.000 µg/kg), Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc (2.000 µg/kg)...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Việt Thắng đã có văn bản cho phép thu hoạch sò lông để xuất khẩu sang những thị trường có qui định về hàm lượng Cd phù hợp với sò lông ở Kiên Lương. Hàng xuất phải được kiểm tra từng lô và đảm bảo tiêu chuẩn của nước sở tại về chất Cd. Chủ trương này đã bớt một phần khó khăn cho người nuôi sò.
Vẫn còn "thở dài"
Cadmi (Cd) hay cadmium là một kim loại quí hiếm, không có chức năng sinh học thiết yếu nhưng lại có độc hại cao đối với thực vật và động vật. Nguy hại chính đối với sức khỏe con người từ Cd là sự tích tụ mãn tính của nó ở trong thận, có thể gây ra sự rối loạn chức năng thận nếu lượng tập trung trong thận lên đến 200mg/kg trọng lượng tươi LÊ HUY BÁ |
Gia đình ông Lê Minh Quang (xã Sơn Hải) nuôi khoảng 100ha sò, đã đổ khoảng 650 tấn giống với giá 1.300 đồng/kg. Tính ra ông Quang đã đầu tư gần 850 triệu tiền giống, chưa kể tiền thuê bãi, thuê nhân công canh giữ và tiền nhiên liệu. Theo ông Quang, sau 8-10 tháng nuôi, ông thu hoạch ít nhất trên 2.000 tấn sò và cầm chắc... lỗ.Theo tính toán của ông Sáu Sò (xã Bình An), giá sò lông phải từ 2.000-2.500 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi. Thế nhưng việc cho thu hoạch sò trở lại vẫn không đưa giá sò tăng lại. Hầu hết người nuôi sò ở Kiên Lương đang ấm ức, thương lái đang ép giá người nuôi sò. Chỉ tính sơ sơ với giá 350-650 đồng/kg, riêng gia đình ông Sáu Sò lỗ khoảng 2 tỉ đồng. Anh Phạm Minh Quang (xã Bình An) nuôi 20ha sò, giờ đang phải đối mặt với nợ ngân hàng, nợ vay "nóng". Anh Quang tâm sự: "Chắc phải bán đất để trả nợ!".
Trước đây khi sò bị cấm thu hoạch, không ít thương lái đã tìm đến mua sò giá bèo để bán nơi khác giá cao hơn. Còn hiện nay sò đã được cho thu hoạch lại nhưng thương lái vẫn kìm giá.
Cd ở đâu ra?
Trong lúc chất Cd đang làm người nuôi sò điêu đứng thì các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguyên nhân vì sao sò lại nhiễm chất Cd. Các phân tích cho thấy các mẫu sò lông xa bờ chứa hàm lượng chất Cd cao hơn các mẫu gần bờ. Mặt khác các mẫu đất, mẫu nước ở những vùng nghi ngờ bị ô nhiễm (khu vực gần nhà máy ximăng) cũng không có bóng dáng chất Cd. Điều này trái ngược với giả thuyết ban đầu về việc sò bị nhiễm Cd là do ảnh hưởng bởi nguồn nước từ khu vực các nhà máy ximăng gần đó thải ra. Một kỹ sư nuôi trồng thủy sản ở Kiên Giang cho rằng có thể nguyên nhân là từ việc đánh bắt bằng cào bờ đã làm xáo động mặt đáy biển, nhưng cũng chỉ là giả thuyết.
Trong khi nguyên nhân sò nhiễm kim loại nặng vẫn còn trong vòng "nghiên cứu", đồng thời với việc đã có văn bản dỡ bỏ việc cấm thu hoạch thì người dân nuôi sò ở một số huyện của Kiên Giang vẫn đang tiếp tục "lên ruột" với giá sò.