Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đã có thể an lòng với... giấy?
26 | 09 | 2007
Ngày 19/9/2007, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã có cuộc họp với đại diện một số bộ ngành Trung ương, các nhà khoa học, tư vấn, nhà đầu tư và nhiều cơ quan truyền thông đại chúng để thông tin thêm về dự án nhà máy giấy và nhà máy bột giấy có quy mô lớn nhất trong cả nước, với vốn lên tới 1,2 tỷ USD do Lee & Man Paper Manufactuning Ltd (Hongkong - Trung Quốc) đầu tư 100%.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thắng nhắc lại rằng: dự án đã được chính thức khởi công ngày 6/8/2007 vừa qua. Trước đó tỉnh đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trình tự thủ tục cũng như xin ý kiến đóng góp của các bộ ngành liên quan, trước khi cấp phép đầu tư cho dự án.

Tuy nhiên, do hồ sơ dự án sản xuất giấy gửi trước nên khi gửi tiếp hồ sơ dự án sản xuất bột giấy có vài bộ trả lời như cũ hoặc không trả lời. Mặt khác, trong hồ sơ xin cấp phép của Lee & Man đã có nêu giải pháp về môi trường, chủ đầu tư cũng đã cam kết với tỉnh về đảm bảo sản xuất thân thiện với môi trường, kể cả công nghệ xử lý nguồn nguyên liệu giấy đã qua sử dụng chiếm 80% được nhập khẩu, chế biến tại tỉnh.

Thấy đã hội đủ điều kiện và được phân cấp nên tỉnh cấp phép theo thẩm quyền... Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng rất cầu thị muốn được nghe các ý kiến bổ sung, đóng góp thêm cho địa phương, ông Thắng nói.

Không ảnh hưởng môi trường nước và thủy sản

Theo đại diện Trung tâm Công nghệ môi trường (đơn vị tư vấn dự án), hoạt động của các nhà máy là thân thiện với môi trường, không gây hại. Mặc dù dự án không nằm trong danh mục bắt buộc phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng tỉnh chủ động yêu cầu nhà đầu tư phải làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường để có ý kiến tham vấn.

Theo tinh thần Nghị định 80, Bộ Tài nguyên Môi trường đã yêu cầu nhà đầu tư lập báo cáo này để trình các cơ quan thẩm quyền. Lý giải những quan ngại về hoạt động của nhà máy và nước thải sẽ ảnh hưởng môi trường nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản, đơn vị tư vấn đưa ra những thông tin khoa học có sức thuyết phục.

Theo đó, để sản xuất 330.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, nhà máy phải xử lý lượng nước thải 27.000m3/ngày đêm, nước có nồng độ BOD 700 mgO2/lít, COD 2.000 mgO2/lít và SS là 1.300 mg/lít. Đối với nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì có công suất 420.000 tấn/năm, cần xử lý lượng nước có nồng độ BOD 515 mgO2/lít, COD 1.461 mgO2/lít và SS 1.214 mg/lít với tổng khối lượng 29.272m3/ngày đêm. Nước thải ra đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam (TCVN 5945-2005) có nghĩa là nồng độ BOD trong nước chỉ bằng hoặc nhỏ hơn 30 mgO2/lít, COD bằng hoặc nhỏ hơn 50 mgO2/lít và SS chỉ bằng hoặc nhỏ hơn 50 mg/lít.

Vào mùa kiệt, toàn bộ nước thải đã qua xử lý được chứa lại trong các hồ sinh thái để tái sử dụng mà không thải ra sông, như vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản.

Theo tư vấn, về lượng xút dùng làm nguyên liệu sản xuất sẽ ảnh hưởng nguồn nước sông Hậu là không đáng băn khoăn. Vì công nghệ sản xuất giấy cứng bao bì của nhà máy công suất 420.000 tấn/năm, nhà đầu tư không sử dụng xút mà chỉ sử dụng trong việc sản xuất bột giấy tẩy trắng (330.000 tấn/năm) với tỷ lệ 84kg xút/tấn bột giấy với con số lý thuyết mỗi năm cần 27.720 tấn xút.

Để khắc phục sự ảnh hưởng môi trường, nhà máy sẽ lắp đặt dây chuyền thu hồi kiềm từ "dịch đen" (Lignin) bằng phương pháp đốt có thu hồi nhiệt và "tro kiềm". Toàn bộ lượng "tro kiềm" được tái sử dụng cho quá trình sản xuất nhằm giảm lượng nguyên liệu kiềm tiêu thụ và không thải ra môi trường. Quá trình tẩy trắng của nhà máy bột giấy cũng không làm phát sinh Dioxin vì chất tẩy trắng được dùng là H2O2 (oxy già).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Dân, Cục Nuôi trồng thủy sản, cho rằng cần có chiến lược lâu dài về môi trường, xử lý nước thải phải quan tâm 3 tiêu chuẩn về nồng độ BOD, COD và chất thải rắn. Nếu phù hợp tiêu chuẩn của Bộ Khoa học Công nghệ là đủ điều kiện thực hiện dự án, bởi nếu không, yêu tố sinh học và sinh hóa có tác động rất nhanh đối với môi trường sống khu vực lân cận (tôm, cá chết ngay).

Vùng nguyên liệu không là nỗi lo

Đại diện Vụ Công nghiệp và Tiêu dùng, Bộ Công Thương, cho rằng hiện tại nhu cầu về giấy là 1,8 triệu tấn/năm nhưng ta mới sản xuất được 1,1 triệu tấn, tức là đang mất cân đối. Đến năm 2020, nhu cầu sử dụng giấy của nước ta rất lớn, cần tới 5,1 triệu tấn.

Do đó, quan điểm của Bộ Công Thương là khuyến khích và ủng hộ chủ trương đầu tư của tỉnh. Việc nhập giấy đã qua sử dụng làm nguyên liệu là cần thiết nhưng cần lưu ý về giải pháp và công nghệ xử lý. Về dự án sản xuất bột giấy, đại diện Vụ Công nghiệp - Tiêu dùng cho rằng vùng nguyên liệu không phải nỗi lo đáng kể.

Cục phó Cục Lâm nghiệp Nguyễn Quang Dương cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Lâm nghiệp mới chỉ nhận được báo cáo do nhà đầu tư gửi. Tinh thần là ủng hộ chủ trương của tỉnh nhưng về vùng nguyên liệu thì phải tính lại vấn đề qui hoạch sử dụng đất, chứ không chỉ có ý kiến Bộ Tài nguyên - Môi trường là đủ.

Trong tổng diện tích rừng 381.000 ha, diện tích rừng sản xuất chỉ có 182.000 ha (130.000 ha tràm), sản lượng thu hoạch từ rừng khoảng 1,5-2 triệu m3 (riêng gỗ tràm là 1,3 triệu m3)...

Do vậy phải rà soát qui hoạch lại cho phù hợp. Cục Lâm nghiệp không sợ việc khai thác sẽ dẫn đến phá rừng tràm hiện có vì mục đích xây dựng nhà máy ở đây là khuyến khích dân trồng rừng và giải quyết việc làm cho dân, đó là 2 điều rất quan trọng khi phát triển. Cục Lâm nghiệp cho rằng lo được nguyên liệu tại chỗ vẫn là quan trọng nhất và phải chiếm tối thiểu 70% là lý tưởng.

Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, PGS.TS Triệu Văn Hùng cho rằng: để sản xuất 420.000 tấn giấy/năm mà nguyên liệu chủ yếu từ nhập khẩu thì cần xem kỹ tính ổn định và chủ động về nguồn nguyên liệu. Vì vậy, nếu giải pháp môi trường không rõ ràng thì dễ làm cho người ta đặt nghi vấn.

Sản xuất 330.000 tấn bột giấy từ cây gỗ ở ĐBSCL, chủ yếu là tràm và một số cây trồng rừng phân tán thì Cục Lâm nghiệp đã có nghiên cứu về qui hoạch. Qui hoạch cũng có thể điều chỉnh vì hiệu quả kinh tế của tổng thể nền kinh tế.



Theo kitra.com.vn

Báo cáo phân tích thị trường