Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cà phê thế giới đầu tháng 10: giá giảm mạnh
05 | 07 | 2007
Giá cà phê thế giới trong những ngày đầu tháng 10/06 giảm mạnh trên các thị trường giao dịch chính thế giới do các hoạt động bán kiếm lời trước những lo ngại về nguồn cung đã giảm bớt.
Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn đạt 103,90 UScent/lb, giảm 3,75 UScent/lb so với hồi cuối tháng 9; trong khi đó giá cà phê Robusta kỳ hạn tại Luân Đôn cũng giảm tới 70 USD/tấn xuống còn 1468 USD/tấn.
Trong những năm gần đây, giá cà phê thế giới đã tăng lên đáng kể sau 4-5 khủng hoảng giá thấp hồi cuối những năm 90 do nguồn cung hạn chế và nhu cầu cà phê trên toàn thế giới tăng mạnh, đặc biệt là tại các nước sản xuất cà phê chủ chốt trên thế giới. Điều này đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các nước sản xuất lớn để duy trì sản lượng, tiêu thụ nội địa cũng như mục tiêu xuất khẩu.
 
Chủ tịch Hội đồng Cà phê Quốc gia Braxin (CNC), Mauricio Miarelli nói rằng, Braxin sẽ trở thành nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới vào năm 2016 với nhu cầu trong nước đối với cà phê khi đó ước đạt 21,5 triệu bao loại 60kg, tương đương hơn 50% sản lượng cà phê hiện nay.
 
Ước tính, tốc độ tăng tiêu thụ cà phê trên thị trường nội địa của Braxin tăng 3% trong 10 năm tới. Trong 2 năm qua, Braxin cũng đã đạt được mục tiêu này.
Nhờ chất lượng cà phê tốt hơn và sự xuất hiện nhiều loại cà phê mới, tiêu thụ cà phê của Braxin đã tăng từ mức trung bình 7,5 triệu bao trong thập kỷ 1980 lên 15,4 triệu bao năm 2005. Ngành cà phê Braxin dự báo Braxin sẽ tiêu thụ xấp xỉ 16 triệu bao cà phê năm 2007.
 
Braxin sẽ xuất khẩu 26 triệu bao cà phê trong năm 2006. Để duy trì được khối lượng cà phê xuất khẩu như vậy và đáp ứng nhu cầu nội địa, nước này sẽ phải sản xuất 47,5 triệu bao cà phê mỗi năm.
Dự đoán, sản lượng cà phê niên vụ 2006/07 của nước này đạt 41,6 triệu bao nhưng sẽ giảm 15% trong niên vụ 2007/08 do cây cà phê bước vào giai đoạn suy giảm 2 năm một lần.
 
Theo Tổ Chức Cà phê Thế giới, nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới  hàng năm tăng khoảng 1,5% , có khoảng 123 triệu bao cà phê được tiêu thụ mỗi năm.
Còn tại Rwanda, nước này sẽ phải nâng lượng cà phê chế biến ướt hoàn toàn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đặc biệt là ở thị trường Mỹ hoặc sẽ có nguy cơ đánh mất thị trường "béo bở" này. Đó là phát biểu của một chuyên viên marketing của Rwanda với phóng viên Reuters gần đây.
 
Do không đáp ứng đủ nhu cầu đang gia tăng nên nhiều cửa hiệu cà phê lớn ở Mỹ đã buộc phải loại bỏ cà phê Rwanda ra khỏi kế hoạch kinh doanh khi nguồn cung không được đảm bảo.
Chuyên viên marketing và XTTM cà phê Rwanda tại Mỹ, Arthur Karuretwa cho biết "Starbucks đã mua cà phê Rwanda cho một tháng nhưng toàn bộ lượng hàng đã được bán hết khi chưa hết tháng. Hay như Costco muốn mua 35 containers bán trên thị trường Mỹ nhưng chúng tôi chỉ tăng được 12 container. Thị trường Mỹ đã trở nên quá lớn đối với chúng tôi".
 
Mặc dù Rwanda có kể hoạch tăng gấp đôi lượng cà phê chế biến ướt hoàn toàn lên 3.000 tấn trong năm nay so với 1.100 tấn năm 2005 nhưng số lượng này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của riêng thị trường Mỹ.
Ông Karuretwa cho rằng"chúng ta đang phục vụ một thị trường khổng lồ và có những thời điểm chúng ta buộc phải lùi một bước vì nhu cầu của thị trường quá lớn".
Theo Karuretwa, chính phủ cần phải huy động khu vực tư nhân đầu tư vào ngành cà phê để thành lập những trạm chế biến ướt nhằm nâng cao khối lượng loại cà phê này.
Năm ngoái, Rwanda mới chỉ có 46 trạm chế biến ướt nhưng con số này đã tăng gần gấp đôi lên 80 trạm vào năm nay.
 
Quốc gia nhỏ bé này đã đặt ra kế hoạch nhằm vào thị trường cà phê đặc sản với hy vọng giành lại vị thế của ngành cà phê trước đây – ngành đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước vào những năm trước nạn diệt chủng 1994.
Theo ông Karuretwa, cà phê Rwanda có khả năng giành được giá bán cao nhất trên thị trường cà phê đặc sản thế giới, đánh bại những đối thụ như Jamaica, Hawaii và Panama.
Ước tính, kim ngạch xuất khẩu của nước này sẽ tăng lên 50 triệu USD trong năm nay so với 32 triệu USD của năm ngoái nhờ tăng sản lượng và sự ổn định của giá thế giới.
 
Năm 2006, dự kiến sản lượng sẽ tăng từ 17.000 tấn năm ngoái lên 26.000 tấn.
Tại Nga, vốn là nước có truyền thống uống trà song hiện nay nước này đang chuyển dần sang thưởng thức thứ đồ uống mới – cà phê - với nhu cầu về cà phê rang xay tăng hơn 10% trong năm nay.
 
Theo nhà rang xay cà phê hàng đầu Phần Lan, Paulig, tháng trước, tập đoàn đã quyết định xây dựng một nhà máy rang xay cà phê ở Nga với mục tiêu giành vị trí hàng đầu ở thị trường đang nổi này, bù đắp lại phần nào nhu cầu đang chững lại ở thị trường nội địa.
 
Mỗi năm, Nga tiêu dùng hơn 100.000 tấn cà phê nhưng chỉ có 20% là cà phê rang xay, phần còn lại là cà phê hoà tan. Tiêu thụ cà phê của Nga tăng bình quân 10-15%/năm trong những ănm gần đây mặc dù những nguồn tin trong ngành đều dự kiến mức tăng trưởng chỉ đạt 3-5%/năm.
Giống như các công ty cà phê khác, Paulig đang tìm kiếm lợi nhuận từ những thị trường mới có nhu cầu tiêu thụ cà phê ngày càng nhiều như Nga, Đông Âu để bù đắp lại phần nào nhu cầu tiêu thụ chững lại ở Tây Âu và Bắc Mỹ.
 
Xuất khẩu cà phê niên vụ 2005/06 của Costa Rica và Honduras
Costa Rica:
Viện Cà phê Costa Rica (Icafe) cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này trong niên vụ vừa kết thúc 2005/06  đạt 1,408 triệu bao loại 60kg, giảm 12% so với 1.602.771 bao niên vụ trước.
Tính riêng lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 9 – tháng cuối cùng của niên vụ đạt 33.486 bao, giảm 6,3% so với 33.486 bao cùng tháng năm trước.
Sản lượng cà phê trong niên vụ này của Costa Rica đạt 1.772.760 bao, giảm 7% so với sản lượng 1.907.196 bao năm trước.
Con số cuối cùng về sản lượng cà phê của Icafe giảm nhiều so với dự báo của các nhà sản xuất, các nhà sản xuất dự báo tăng khoảng 10-15% lên 2.157.404 bao. Xuất khẩu cũng được các nhà sản xuất dự báo tăng 18% lên 1.898.515 bao và các chuyên gia trong ngành tại nước này tin rằng lượng cà phê dự trữ tại Costa Rica vẫn còn nhiều đáng kể.
Nguyên nhân sản lượng cà phê trong niên vụ này giảm là do mưa lớn hồi tháng 10 năm ngoái làm ảnh hưởng tới quá trình ra quả của cây cà phê.
 
Honduras:
Viện Cà phê  Honduras cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này được ghi nhận trong niên vụ 2005/06 đạt 2.926.462 bao loại 60kg, tăng 22% so với 2.397.236 bao niên vụ trước.
Tính riêng tháng 9/06- tháng cuối cùng của niên vụ này, Honduras xuất khẩu được 71.300 bao, tăng 69% so với 42.253 bao cùng tháng năm ngoái.
Tổng sản lượng cà phê của Honduras trong niên vụ này đạt 2.988.645 bao, tăng 24% so với 2.405.720 bao niên vụ trước.
Con số về sản lượng và xuất khẩu được ghi nhận trong niên vụ này cao hơn so với dự báo trước là tăng 21% so với niên vụ 2004/05 về sản lượng lên 2.913.3333 bao và xuất khẩu tăng 18% lên 2.836.666 bao.


(Vinanet)
Báo cáo phân tích thị trường