Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Báo động tình trạng sản phẩm nông sản không an toàn
10 | 10 | 2007
Tỷ lệ dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm rau muống, cải, đậu… tại Hà Nội, Hải Phòng, Đã Nẵng mức thấp nhất là 15%, cao nhất 30%. Đặc biệt, đối với sản phẩm nho, có nơi phun tới 30 lần và tỷ lệ thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép lên tới trên 60%. Đó là những con số đáng báo động…

Một lần nữa Bộ NN&PTNT lại tỏ rõ quyết tâm trong việc quản lý an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm với việc phát động Tháng hành động kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và bảo đảm an toàn vệ sinh nông sản, thực phẩm sáng 8/10/2007. Tháng hành động này sẽ được triển khai trên phạm vi cả nước từ 10/10/2007 đến 10/11/2007.

Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhiều người dân trồng rau dù biết rõ rau có thuốc trừ sâu là nguy hại, nhưng vẫn bán cho người tiêu dùng. Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta phải đấu tranh kiên quyết với những hành động như vậy. Chúng ta không chỉ vì số ít người nghèo, mà làm ảnh hưởng đến hàng triệu người. “Liệu chúng ta có an tâm với 200.000 người bị ung thư? Liệu chúng ta có hiểu được sự đau đớn của người ung thư, trong đó 70% chết ngay trong năm vì hàng ngày nạp độc tố vào trong người?” – Bộ trưởng Cao Đức Phát đặt vấn đề.

Nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao chúng ta tổ chức hết tháng hành động này đến tháng hành động khác mà vấn đề an toàn thực phẩm vẫn không đâu vào đâu? PGS. TS. Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, lý giải sự yếu kém này là do 3 nguyên nhân: nguồn lực phân tán, nhận thức của dân kém và kinh phí thiếu. Theo ông Đáng, vấn đề an toàn thực phẩm đáng lẽ ra phải được chúng ta nhận thức từ cách đây 20-30 năm, nhưng đến nay chúng ta mới nhận thức được và trên cả nước đã xảy ra nhiều làng ung thư vì ô nhiễm môi trường, sử dụng sản phẩm nông sản không an toàn… Điều đáng nói là chúng ta mới chỉ nhận biết được những biểu hiện cấp tính do những nông sản thực phẩm không an toàn gây ra, trong khi đó những nguy cơ mãn tính, những bệnh tật ủ trong người do ăn phải sản phẩm không an toàn lại chưa được một cơ quan chức năng nào tiến hành nghiên cứu, điều tra. “Đây là điều nguy hiểm đến giống nòi và tương lai của đất nước” - ông Đáng nói.

Thực tế cho thấy, việc đảm bảo an toàn nông sản thực phẩm trong ngày một ngày hai là điều không thể. Theo kết quả kiểm tra của Vụ KH&CN, Bộ NN&PTNT, tỷ lệ dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm rau muống, cải, đậu… tại Hà Nội, Hải Phòng, Đã Nẵng mức thấp nhất là 15%, cao nhất 30%. Đặc biệt, đối với sản phẩm nho, có nơi phun tới 30 lần và tỷ lệ thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép lên tới trên 60%. Đó là những con số đáng báo động.

Nhìn nhận về những sản phẩm không an toàn, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo: “Chúng ta dứt khoát không lưu hành những sản phẩm không an toàn, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân”. Đây là quan điểm đúng và nên làm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu trở thành “bếp ăn của thế giới”./.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Không lưu hành những sản phẩm ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân

PV: Nội dung quan trọng nhất của tháng hành động kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và đảm bảo an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm là gì? Thưa Bộ trưởng!

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trong tháng hành động này, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền để các cấp chính quyền và người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như những quy định của pháp luật về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ hai, tổ chức hướng dẫn để người sản xuất và người tiêu dùng nắm vững tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật để sản xuất cũng như biết cách chế biến và sử dụng nông sản phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thứ ba, tiến hành kiểm tra phát hiện kịp thời những khâu không an toàn, những cơ sở sản xuất, kinh doanh không an toàn, trước hết là các loại vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp để chấn chỉnh và trên cơ sở đó thì đảm bảo những điều kiện cho việc sản xuất nông sản an toàn.

PV: Với những cảnh báo về mức độ không an toàn của một số sản phẩm nông, thuỷ sản trên thị trường trong nước và thế giới, điều này cho thấy một bức tranh về an toàn thực phẩm hiện nay và nhìn nhận của Bộ NN&PTNT về vấn đề này trong thời gian tới?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Rõ ràng hiện nay chúng ta đang có cố gắng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng vẫn chưa được đạt yêu cầu và còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta phải có nỗ lực cao hơn nhiều. Tháng hành động này chỉ là cuộc tập hợp nỗ lực để giải quyết những vấn đề trước mắt, nhưng công việc này sẽ phải được thực hiện một cách toàn diện hơn, liên tục và thường xuyên hơn. Để giải quyết triệt để vấn đề, cùng với việc tổ chức tháng hành động như thế này thì phải tiếp tục hoàn thiện về cơ sở pháp lý, rồi xây dựng hệ thống tổ chức cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật để đảm bảo thực hiện tốt những yêu cầu đặt ra đối với đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm về lâu dài ở đất nước chúng ta.

PV: Bộ trưởng đã nhiều lần ủng hộ những người làm ăn chân chính (sản xuất ra những sản phẩm an toàn), đồng thời phê phán mạnh mẽ những người làm ăn bất chính, bất lương (sản xuất ra những sản phẩm không an toàn), thậm chí Bộ trưởng còn chỉ đạo, những sản phẩm không đảm bảo an toàn sẽ bị tiêu huỷ, nhưng việc thực thi trong thực tế liệu có thành?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Hiện nay, cơ sở pháp lý của chúng ta có những điểm chưa được hoàn thiện nên một mặt chúng ta phải tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân để người dân làm đúng; Đối với những người cố tình vi phạm, chúng ta sẽ phải xử lý nghiêm khắc trên cơ sở vận dụng những cơ sở pháp lý hiện có. Mặt khác, chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi và đưa ra những cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh hơn những vi phạm có thể ảnh hưởng sức khoẻ của số lượng lớn người tiêu dùng nông sản.

PV: Hai mặt hàng Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo kiểm tra trong tháng hành động này là rau và chè. Với mặt hàng rau, tình trạng không đảm bảo an toàn là phổ biến như báo cáo của Bộ, còn mặt hàng chè, theo Hiệp hội chè Việt Nam thì dư lượng thuốc trừ sâu gấp 3-4 lần trong sản phẩm. Nếu sản phẩm không an toàn sẽ bị tiêu huỷ thì liệu chủ trương này có gây thiệt hại cho người dân và nền kinh tế?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Theo tôi, chúng ta phải rất kiên quyết bởi vì không ai muốn rằng chính mình và người thân của mình sử dụng những sản phẩm nguy hại. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT không muốn một người dân nào phải sử dụng những sản phẩm như vậy, nên chúng ta phải rất kiên quyết trong việc này. Mặc dù có thể những buổi đầu thực hiện phải có sự hy sinh, sẽ có những tổn thất, nhưng phải làm để tiến tới đạt được yêu cầu về vệ sinh thực phẩm.

PV: Xin cảm ở Bộ trưởng!



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường